Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 01/10/2023 21:17 |   233
Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,57-58)

04/10/2023
THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Assisi

t4 t26 TN

Lc 9,57-62


Ngày 4: Lạy Chúa! Trời đất mênh mông, chúng con như cọng cỏ. Ngồi một góc, với tràng Chuỗi Mân Côi, chúng con không khiến bản thân kinh động thế giới, cũng không để thế giới kinh động bản thân mình. Chuỗi Mân Côi có bốn Mùa: Vui, Sáng, Thương, Mừng tuần hoàn thay đổi, trong niềm vui hé lộ bi kịch, trong thương đau tủi nhục báo trước chiến thắng vinh quang rạng ngời, trong mất ắt có được, trong cái chết đã ẩn tàng sự sống vĩnh hằng. Dù giữa phố chợ đông đúc hay núi non tĩnh lặng, xin cho chúng con đều có thể cầm tràng chuỗi trên tay, chiêm niệm các mầu nhiệm của Chúa. Amen.

KHÓ NGHÈO NHƯ CHÚA

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,57-58)

Suy niệm: Đi theo Chúa, dù là “xin đi theo” hay được Chúa gọi, thì điều kiện đầu tiên Chúa đưa ra không phải là hứa hẹn một cuộc sống ‘an cư lạc nghiệp’ mà là thách thức đi theo Đấng “không có chỗ tựa đầu”. Chúa không chủ trương hành xác, nhưng Ngài muốn các môn đệ của Ngài cũng sống nghèo như Chúa, tự nguyện sống khó nghèo để cảm thông với con người và để cứu độ muôn người. Ngài là Con Thiên Chúa, “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

Mời Bạn: Lý tưởng sống nghèo như  Chúa đã khơi nguồn cảm hứng hấp dẫn cho biết bao người, mà nổi bật trong số đó là thánh Phan-xi-cô Át-xi-di. Ngài yêu mến sống nghèo đến mức ngài gọi nhân đức khó nghèo là “Bà Chúa Nghèo”. Để sống khó nghèo cách triệt để điều thiết yếu là phải từ bỏ lòng tham lam thể hiện qua việc quá bận tâm lo lắng thu tích của cải và rồi keo kiệt giữ cho thật chặt những gì mình chiếm hữu được hoặc sử dụng chúng một cách ích kỷ. Bạn nhớ rằng càng từ bỏ “chỗ tựa đầu” nơi của cải vật chất đời này, bạn càng tự do, nhẹ nhàng thanh thoát để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: “Từ bỏ” một chi tiêu không thiết yếu để dành cho việc chia sẻ với một gia đình nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dẫn dắt con cùng Mẹ sống nghèo với Chúa như Mẹ đã sống nghèo khi sinh Chúa nơi hang đá Bê-lem xưa. Amen.
 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8

“Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin sai thần đến thành phố của thân phụ thần, và thần sẽ xây cất lại thành phố”.

Trích sách Nơkhemia.

Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: “Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết”.

Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: “Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?” Vua mới hỏi tôi rằng: “Ngươi thỉnh nguyện điều gì?”

Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: “Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại”.

Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: “Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?” Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.

Tôi tâu vua rằng: “Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự”. Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. 

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. 

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. 

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 9, 1-12. 14-16

“Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp trả lời cùng các bạn hữu rằng: “Tôi biết thật như vậy, và biết thật con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên? Chúa xê dịch các núi đồi, và trong cơn thịnh nộ Người đánh đổ những kẻ không biết điều. Chúa khiến địa cầu chuyển động khỏi chỗ của nó, và các cột đất đều phải lung lay. Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người cũng phong niêm các ngôi sao tinh tú. Chỉ một mình Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển. Chúa tạo dựng sao bắc đẩu, sao sâm, sao mão và cung kín phương nam. Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không kể xiết.

Nếu Chúa đến cùng tôi, thì tôi không trông thấy Người, và nếu Người ra đi, tôi cũng chẳng hay biết. Nếu Chúa bất chợt hỏi han, thì ai trả lời Người cho được? Hoặc ai có thể hỏi rằng: “Tại sao Chúa làm như thế?” Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi. Khi Chúa nhậm lời tôi kêu cầu, tôi cũng không chắc Người nghe lời tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 10bc-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa. Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài? 

Xướng: Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng? 

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con kêu lên Chúa, và tự bình minh lời nguyện của con sẽ tới tai Ngài. Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con? –

Alleluia: Tv 118, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 57-62

“Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA (Lc 9,57-62)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Lúc này danh tiếng Đức Giê-su đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Ngài làm, vì thế có nhiều người đến xin làm môn đệ Chúa. Trong tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về ba người muốn đi làm môn đệ Chúa Giê-su. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Đức Giê-su về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

2. Chúng ta hãy nghe Linh mục Carôlô Hồ Bạc Xái cắt nghĩa cho chúng ta ba câu chuyện này.

Người thứ nhất muốn theo Chúa Giê-su đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49).

– Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rầy đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. Chuyện trên, một làng Sa-ma-ri-a không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giê-su là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và có thể bị giết chết nữa.

3. Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

“Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giê-su coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x.Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

 4. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1V19,19-21). Lời đáp của Chúa Giê-su cũng khiến ta nhớ đó là Êlisê đang kéo cầy “đầu ngoái lại sau”: còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy, điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch: Chúa Giê-su sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Sa-ma-ri-a; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (Lm Carôlô, Hạt giống nảy mầm, tuần 26, tr 213-214).

5. Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

Chúa Giê-su cùng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế.

6. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo. Là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ (Ngọc Biển).

7. Truyện: Phải dứt khoát từ bỏ.

Một nhà buôn ở Francfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng. Có một người anh trưởng trong một gia đình gồm 07 người anh em 16 tuổi đến xin việc. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật đầu nói: “Cậu không có nhiều may mắn lắm đâu. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận”.

Nhân viên này dẫn cậu vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với ứng viên, đặt nhiều câu hỏi với chàng trai.

– Mời cậu một điếu.

– Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

– Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

– Không. Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh.

– Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

Và ném điếu thuốc đi, ông nói thêm:

– Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

Sau đó, chàng trai được biết rằng người làm công trước đã bị sa thải vì anh ta hút thuốc quá nhiều và đã thâm hụt thụt quỹ để mua thuốc.

Vâng! Điếu thuốc không phải là nguyên nhân nhưng làm chủ được bản thân mới chính là điểm son của chàng trai. Ông chủ đã phải nể phục trước sự can đảm chống trả với cơn cám dỗ và thái độ dứt khoát của anh.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phanxicô Assisi

Ca nhập lễ

Thánh Phanxicô. Người của Thiên Chúa đã lìa nhà cửa, tự bỏ gia nghiệp, và trở nên túng thiếu nghèo khổ nhưng Chúa đã cất nhắc người lên.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phan-xi-cô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo để trở nên hình ảnh sống động của Ðức Kitô. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà thiết tha gắn bó cùng Chúa và hăm hở bước theo Ðức Kitô, lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng tiến lễ vật này để kính nhớ thánh Phan-xi-cô, vị thánh đã trọn đời mê say mầu nhiệm thập giá. Xin Chúa thương chấp nhận và chuẩn bị lòng trí chúng con cử hành mầu nhiệm cao cả này. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con dự tiệc thánh. Xin thương giúp mọi người chúng con biết noi gương thánh Phan-xi-cô để lại mà tận tình yêu mến Chúa và nhiệt tâm lo việc tông đồ. Nhờ vậy, chúng con vừa nghiệm thấy lòng Chúa yêu thương, vừa hân hoan chia sẻ những hồng ân của Chúa để hết thảy mọi người được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Phanxicô Assise qua đời đêm mồng 3 rạng mồng 4 tháng 10 năm 1226 tại Assise, trong một túp lều ở Portioncule. Hai năm sau, 1228, ngài Đức Giáo Hoàng Grêgoire IX, bạn thân và vị bảo trợ của ngài, phong thánh. Năm 1939, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố là bổn mạng nước Ý, cùng với thánh Catherine de Sienna.

Là con một nhà buôn vải giàu có, ngài sinh tại Assise (nước Ý) khoảng năm 1181 và được đặt tên là Gioan. Cha ngài, ông Pietro di Bernardone, rất có thiện cảm với nước Pháp sau các cuộc hành trình đến đó, nên đã dạy ngài tiếng Pháp và những bài hát của các người hát rong thời đó. Vì vậy cậu bé Gioan được biệt danh là Francesco (nghĩa là người Pháp). Sau một thời trẻ vô tư và thích mạo hiểm, ngài tham gia cuộc chiến của Assise chống lại miền Perugia. Bị bắt làm tù binh, ngài bị giam cầm trong một năm (1202-1203). Năm 1205, ngài đăng ký gia nhập đội quân giáo hoàng của Gautier de Brienne và tham gia vào một cuộc viễn chinh. Nhưng một giấc mộng đã đưa ngài trở về Assise và ngài quyết định “theo chủ (Giêsu) hơn theo tớ (Gautier de Brienne). Từ đó càng ngày ngài càng chuyên chăm hơn vào việc cầu nguyện và bố thí. Năm 1205, ở Saint-Damien, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu trên thánh giá nói với ngài: “Phanxicô, hãy đi trùng tu lại ngôi nhà thờ đổ nát của Ta.” Từ giã bạn bè và gia đình sau khi bị gia đình kiện cáo, Phan-xi-cô sống ẩn dật trong ba năm để chờ đợi một luồng ánh sáng. Cuối cùng, ngày 24 tháng 1 năm 1209, lễ thánh Mátthias, khi nghe bài Tin Mừng (Mt 10, 1-9) trong nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên Thần, ngài hiểu rằng những lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ trong cuộc truyền giáo cũng là những lời khuyên cho ngài. Từ đó ngài sống một cuộc đời phiêu bạt và nghèo khó để rao giảng cho mọi tạo vật tin mừng cứu độ. Bằng lối sống này, ngài đã qui tụ được những môn đệ đầu tiên mà ngài gọi là “những Anh em hèn mọn”, nghĩa là những người thấp hèn nhất. Đó là những thanh niên đã từ bỏ mọi sự, đi khất thực, công bố Lời Chúa, hoà giải các địch thù, rao giảng sự sám hối và phép Thánh Thể . . . Năm 1210, nhóm nhỏ này–gồm 12 người, trong đó có Bernard de Quintavalle–cùng đi đến Rô-ma. Đức giáo hoàng Innôcentê III phê chuẩn bằng miệng bộ luật đầu tiên, rất đơn giản, do thánh Phanxicô soạn. Các anh em ngài từ nay có thể mang Tin Mừng đến khắp thế giới. Pax et bonum (bình an và tốt lành) là châm ngôn của các ngài. Lý tưởng của các ngài là Tin Mừng nguyên tuyền: tình yêu say đắm đối với Chúa Kitô, nghèo khó hoàn toàn, gần gũi với thiên nhiên, dịu dàng với mọi người... Năm 1212, ngài cùng chị Clara Assise lập Dòng Nhì Phanxicô, gọi là dòng Clarít, rồi ngài tìm cách tham gia đạo quân thập tự chinh nhằm cải hoá người Hồi giáo ở Syria, nhưng không thành công; tàu chở ngài bị đánh dạt vào bờ. Sau đó, ngài định đi Tây Ban Nha để cải hóa người Maures, nhưng rồi bị bệnh phải trở về Ý. Năm 1215 có tổng tu nghị đầu tiên của Dòng Anh em hèn mọn, và thánh Phanxicô sau khi hoàn tất tổ chức của Dòng, đã gửi những Anh em đầu tiên ra nước ngoài. Năm 1217, ngài tìm cách đến Pháp nhưng không thành, và năm 1219, người nghèo Poverello sang Ai Cập và gặp giáo trưởng Hồi giáo. Trở về nước Ý, năm 1221 ngài lập Dòng Ba Sám hối. Vào dịp tổng tu nghị ở Nattes, ngài soạn bộ luật thứ hai cho các Anh em hèn mọn, rồi năm 1223, bộ luật thứ ba, được Đức giáo hoàng Honoriô III phê chuẩn. Vẫn trong năm 1223, vào dịp lễ Giáng Sinh, trong một hang đá ở Greccio, ngài trưng bày một hang đá sống động Chúa Giáng Sinh. Năm sau, ngày 14 tháng 9 năm 1224, trên núi Alverne, ngài được ghi các dấu thánh của Chúa chịu nạn. Sau đó, khi trở về Assise, ngài ngã bệnh nặng và gần như bị mù. Giữa những đau đớn ghê gớm, ngài sáng tác Bài Ca Mặt Trời, và tối trước ngày ngài mất, ngài soạn Chúc Thư trong đó ngài diễn tả nỗi luyến tiếc thời nguyên thuỷ. Sức lực cạn kiệt, thánh Phanxicô tắt hơi thở khi mới bốn mươi lăm tuổi, mình trần nằm trên nền nhà Portioncule của ngài, miệng vẫn hát lên thánh vịnh 141: Voce mea ad Dominum clamavi (Con cất tiếng kêu lên cùng Chúa).

Thi hài ngài được an táng tại vương cung thánh đường nổi tiếng San Francesco mà Anh Êlie, người kế vị ngài, cho xây tại Assise (1228). Các giai thoại cuộc đời ngài thường xuyên được vẽ lại qua các thế kỷ. Chúng ta nhắc đến một số tác phẩm như Ông Thánh cho thấy các Dấu thánh (vô danh, Louvre); Thánh Phanxicô suy niệm trước một cái sọ người (Murillo, Séville, và le Greco, Pau); Thánh Phanxicô và Chúa Chịu Đóng Đinh (Le Caravage, Harford); Phép lạ Hoa hồng (Rubens, Lille); Khúc hoà tấu Thiên thần (Rubens, Anvers).

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện của thánh lễ vẽ lại những nét đặc trưng của thánh Phanxicô, đã được phác họa trong Ca Nhập lễ: “Thánh Phanxicô Assise, người của Chúa, đã lìa bỏ nhà cửa, gia nghiệp, để kết hôn với Chị Nghèo Khó; và Chúa đã nhận ngài vào phục vụ Người.”

Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ “đời sống khiêm hạ và nghèo khó” của thánh Phanxicô, “hoàn toàn nên giống Chúa Kitô”. Thomas de Celano làm chứng: “Vì rất khiêm hạ, ngài đầy lòng nhân hậu với mọi người và biết hoà hợp với tính khí của mỗi người. Là vị người thánh thiện nhất trong chư thánh, ngài tỏ ra là một người anh em giữa những kẻ tội lỗi.” (Tiểu Sử thánh Phanxicô).

Lời Nguyện trên lễ vật gợi ra “mầu nhiệm thập giá mà thánh Phanxicô đã ôm ấp suốt đời mình.” Tháng 8 năm 1224, lúc ấy đang trên núi Alverne, sống đời ẩn dật, cầu nguyện và chay tịnh, thánh Phanxicô đã xin Chúa cho mình được chia sẻ tình yêu và sự đau khổ của Chúa. Thế là, vào dịp lễ Suy tôn Thánh giá, trong lúc ngài cầu nguyện, thiên thần Sêraphim hiện ra mang cho ngài ảnh Chúa chịu đóng đinh. Từ đó, hai bàn tay, cạnh sườn và hai bàn chân của ngài được in những dấu thánh cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, cho tới khi ngài mất. Vì vậy chúng ta cầu nguyện trong Thánh thi của Kinh Chiều: “Anh Phanxicô, những dấu đinh của thập giá nặng nề đã nhập vào thân thể anh! Ước chi mỗi người chúng tôi được đi đến tột cùng sức lực mình, và chịu đau khổ hoàn toàn vì tình yêu Chúa !” Lời Nguyện sau hiệp lễ diễn tả “đức ái của thánh Phanxicô và tâm hồn tông đồ quảng đại của ngài.”

Được tình yêu Chúa Kitô thu hút cũng mạnh như sự quan tâm đối với phần rỗi đồng loại, thánh Phanxicô đặt nền tảng cho tất cả công cuộc cải cách của mình trên đức khiêm nhường. Ngài viết cho anh em trong dòng: “Chúng ta không bao giờ được muốn trổi hơn người khác, nhưng phải ước muốn làm đầy tớ và lụy phục mọi người vì Thiên Chúa.” (Bài đọc Giờ Kinh Sách). Dòng của ngài có được sức mạnh để phục hưng hàng giáo sĩ triều và canh tân lòng yêu mến Phúc âm giữa giáo dân, đó là nhờ sự thánh thiện của các Anh em hèn mọn: “Chúng ta không cần phải là những người khôn ngoan hay thông thái theo xác thịt; nhưng chúng ta phải là những người đơn sơ, khiêm nhường và thanh tịnh.” (sđd). Ngài nhắc lại những giá trị nòng cốt của Tin Mừng: “Với tất cả những người sống trên thế giới này, chúng ta hãy sống bác ái và khiêm nhường”, theo gương Chúa Kitô, “Đấng vốn giàu có trên hết mọi sự, nhưng đã muốn cùng với Mẹ thánh Người, chọn sự nghèo khó trên hết.”

Với đức khiêm nhường và nghèo khó, lòng yêu mến Chúa Kitô, loài người và tạo vật, thánh Phanxicô là một trong những vị thánh nổi danh nhất và được yêu mến nhất trên toàn thế giới.

Endo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây