Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 22/05/2020 09:23 |
787
Nhân bịnh dịch Corona vi rút hiện đã được “nằm trong tầm kiểm soát” tại xứ ta. cái tên Corona đó hiện cũng chỉ còn ở mức độ đáng sợ chứ hết mức độ khiếp đảm như trước đây 10 ngày rồi. Xin chia sẻ một tản mạn về cái tên Corona đáng sợ kia một chút...
Tản mạn Corona...
Nhân bịnh dịch Corona vi rút hiện đã được “nằm trong tầm kiểm soát” tại xứ ta. cái tên Corona đó hiện cũng chỉ còn ở mức độ đáng sợ chứ hết mức độ khiếp đảm như trước đây 10 ngày rồi. Xin chia sẻ một tản mạn về cái tên Corona đáng sợ kia một chút...
Gia đình tôi theo Đạo Công Giáo nên theo lẽ thường thì mỗi đứa trong nhà đều có thêm một cái tên Thánh Bổn Mạng giống như tất cả những bổn đạo khác. Riêng gia đình tôi thì cái tên Thánh đó cũng được Việt hóa, hay nói đúng hơn là được bình dân hóa, để thành cái tên thường gọi luôn. Trừ hai bà chị đầu được đặt tên theo địa danh, thắng cảnh cao nguyên là Darlac và Cam Ly ra thì những đứa sau đều lấy tên như thế cả. Chẳng hạn như thằng Út có Thánh Bổn mạng là Jean de la Croix thì gọi là thằng Jean đọc theo kiểu Mỹ. Sau đó được Việt hóa thành thằng Rin. Và hiện nay các cháu trong trường hay gọi là Chú ...Rinh!...
Và theo cái quy trình đó thì tôi đây, với cái tên Thánh rất trọng, rất đại là Thánh Cả Giuse , là Cha nuôi của Chúa Jesus, đọc theo tiếng tây là Joseph, cắt bớt cái đuôi thành Jo. Và Khi việt hóa Cái tên cực trọng trên kia nghiễm nhiên trở thành Rờ Ô Rô. Và dân gian hay gọi là Chú Rô.Cái Chú ở đây chẳng phải vì tuổi tác mà thành, vì nó đã được dùng thuở tóc còn xanh, mà có lẽ cũng chỉ được dùng như trong trường hợp Chú... công an, chú Bộ đội trong bài học về chủ đề nghề nghiệp của đám trẻ trong trường thôi mà.
Từ cái thời be bé, bước vào lớp 6 trường nội trú Học Tu Lê Bảo Tịnh, tôi được học chung với một anh bạn tên Hà, Ních - Nêm hiện nay là Hacao.Cả hai đều là thị dân nên sự cưng chiều có hơi nhiều hơn những anh bạn ở các vùng miền khác trong 3 tỉnh cuối của cao nguyên trung phần này. Bởi vậy, một tuần đầu, cả 2 thằng cùng vài đứa thị dân khác thường ăn cơm chan nước mắt. Sau tuần đầu ấy, nước mắt được đem dấu vào mền trên phòng ngủ mỗi đêm để chứng tỏ ta cũng mạnh dạn chả thua ai. Vì là chốn riêng tư nên không biết là đám thị dân đồng lưu kia thế nào nhưng tôi đây phải phơi mền thêm một tháng nữa mọi sự mới có vẻ trơn tru. Lại nói tới cái tên thị dân Hacao kia, có vẻ sự cưng chiều của gia đình hắn là hơi nhiều vì nghe đồn hắn là con trai út trong nhà, nên có lẽ vì vậy mà sự trơn tru của hắn đến chậm, chậm lắm so với chúng bạn thị dân chúng tôi. Đến độ sau nhiều năm khi lên đến những lớp học cao hơn, lúc đó đã không còn cái trường nội trú Học Tu kia nữa, Hacao thị dân kia lại học chung với... cô em gái kế của tôi hết 3 năm ở trường cấp 3 BMT. Cái cô em có tên thánh là Gioanna nhưng lần này, ba mẹ tôi lại cắt mất cái đầu đi nên cái tên thường gọi của cô ấy là Na. Cái tên cô Na đã từng một thời nổi đình, nổi đám trong đám.... trẻ con và phụ huynh của chúng khi các Fan bé con ấy học ở “Nhà Trẻ Cô Na”.
Nói lại một chút về cái trường nội trú Học Tu kia. Kỳ thực, đó mới là nơi “Học Việc” thôi nên ở trường đó ra, lắm anh có tài lắm. Chẳng hạn như cố nhạc sĩ Đỗ Kinh Châu, hay nhạc sĩ Khôi Nguyên ở trời tây, ngay cả cái anh Hacao Thị dân nói trên, khi Nhà Nước cho giải tán cái trường này, hắn cũng đã kịp sắm cho mình một bụng... nhạc lý. Bởi vậy khi “hoàn tục” (nói cho oai vậy thôi chứ mới chỉ vài năm học ở đó thì cái tục vẫn còn đầy trong bụng mà), khi ấy thì chúng tôi lại chỉ mới dám làm ca viên cho một ca đoàn ở cố hương thôi chứ hắn đã là phụ tá cho một bà Xơ phụ trách hẳn một ca đoàn khác nhỏ tuổi hơn. Đến khi Hắn tự đứng vững thì một trong những phụ tá của hắn lại là chú em kế của người gọi là cái “cô Na” nói trên. Và cũng là em của tôi.
Cái chú em này có cái tên thánh là Francois de Sale, nói gọn là Francois hay còn gọi là Franco. Trùng với cái tên của ông tướng độc tài Franco của xứ Bò Tót ở trời Tây. Cũng nhờ cái tên trùng hợp đó mà từ trước 1975, qua trung gian của một nữ tu cũng mê đấu Bò như dân ở cái xứ ấy vậy, mà trong nhà tôi có được bức chân dung oai vệ của vị độc tài trên với vài bút tích xã giao và hình của chú em tôi chắc giờ cũng đã được hóa thân theo mộ phần của Vị ấy cũng như bức hình kia cũng đã biến mất theo sản nghiệp của gia đình tôi ngày ấy vậy. Và rồi giờ đây, cái chú em Franco kia lại trở về với bản chất thực của mình là “chú Cô”, cái tên mà các cháu trong nhà hay gọi, mặc dù bây giờ “Chú Cô” đang là một Ông Cha (linh mục).
Trở lại với cái anh Hacao thị dân kia, hiện hắn đã được xuất khẩu cùng gia đình để làm công dân Mỹ Quốc cách đây non non chục năm. Chúng tôi thi thoảng vẫn có tin về nhau và biết là hiện, hắn vẫn còn bình yên mặc dù con dân của Tay Tài Phiệt Đỗ Nam Trân hiện đang chết như rạ cũng vì cái con vi –rút Covid-19 mang cái tên Corona mỹ miều. Hỏi thăm sao hay vậy, học được bài học nào của bổn quốc hả? Hắn mới trả lời “tưởng gì chứ Cô- Rô –Na” có gì lạ đâu, chơi với nhau từ nhỏ thành quen rồi, bây giờ có xuất hiện lại tại Mỹ thì cũng như Vắc-xin vậy thôi, gặp lại bạn cũ mà!... Hì hì...