Bốn nhăm năm

Thứ tư - 22/04/2020 03:32 |   784
Số là sau một năm hiện diện tại cái “trường dòng” yểu mệnh ngày đó, để bù lại cho đôi ba thằng học nhầm lớp hoặc thèm cơm của má hơn.

BỐN NHĂM NĂM, ĐIỂM MẶT ANH HÀO. 

Lê văn Lavâng

Khi tất thảy hơn ba trăm cựu chú tiểu, chưa kể bầy đàn thê tử đính kèm của ngôi Trường mà theo cách gọi dân gian là “trường dòng” mang tên Lê Bảo Tịnh ở cây số 5 Ban Mê Thuột rục rịch chuẩn bị đón mừng sinh nhật lần thứ 50 thì “chị em” nhà Te-rét của ngôi trường yểu mệnh ấy cũng rụt rè thông báo “chúng em cũng vừa tòn bốn nhăm”. Rụt rè cũng đúng thôi. Thứ nhất là vì “chị em” nhà ấy là dân sinh sau đẻ muộn, lại mang cái danh “con gái”, mà lại là con gái cái thời còn bị nô lệ ngoại xâm nữa chứ. Hơn nữa, nếu Chúa không thương tình thì giờ này, “chị em” nhà đó cũng còn phải mang thêm một cái mặc cảm “ế” mặc dù đã bốn nhăm rồi. Học tu gì mà cả 5 chục thằng đầu tiên có mặt chẳng thằng nào rờ được cái áo chùng cả. Nhưng cũng may là “lượng hải hà của Chúa” vẫn luôn hiện hữu nên cái nhà Te-rét đó cũng sắm được cho mình một ông chính hiệu thầy tu.

Số là sau một năm hiện diện tại cái “trường dòng” yểu mệnh ngày đó, để bù lại cho đôi ba thằng học nhầm lớp hoặc thèm cơm của má hơn. Nhà trường đã bù lại cho “chị em” nhà ấy một bà già và một ông hồ lô. Chính cái ông Hồ Lô này là biểu hiện sống động của cái “lượng hải hà” nói trên. Sau hơn hai nhăm năm lận đận, lão cũng đã “rụt rè” bước lên bàn thờ Chúa theo đúng phong cách nhà Te-rét. Phúc tám mươi đời cái nhà bốn nhăm năm tuổi ấy. Ơn Giời! Ơn cả Ông Thánh Dăng- Báp-Tít nữa chứ. nhờ thế mà nhà Te-rét có được một Me-xừ Quy-rế mang tên Jb. Nguyễn Đình Lượng. 

Còn về phần cái bà già đính kèm kể trên, có lẽ nhà trường muốn khẳng định cái tên Te-rét là hợp lý cho cái bọn nhóc con đó nên mới gửi thêm một bà già bổ sung như một “nhãn hiệu cầu chứng”. Và cho đến nay, bà cụ Nguyễn Văn Hiên này đang là phó trưởng lão của nhà Te-rét ấy. Bây giờ xin hãy quay lại cái thời điểm “bốn nhăm cộng một” vừa kể, có nghĩa là sau sự xuất hiện của 2 nhân vật đặc biệt kể trên, để điểm mặt hơn năm chục thằng chú tiểu với tất cả những nét đặc trưng nổi bật của chúng... 

nghe vẻ, vè,ve. vè một bọn nhóc.

Loi choi, lóc chóc phò chị Thè-re.

Cái miệng dề dề là anh Ngọc Vượng.

Ông Thầy Lượng cái tướng hồ lô.

Bụng phệ, đầu to Ba Tàu Phục Quốc.

Hay chọc, hay móc là cậu Phú con.

Quăn, quăn, tròn tròn-Ông Hà hột mít

Trọng rúc rích. Thin thít Ngọc Mai.

Nói dài, nói dai là anh Trung soọc.

 

Họ hàng nhà chuột-Sơn đẹt, Thành Trung.

Còn Phạm Minh Hùng heo- leo cầu khỉ.

Cái cậu Văn Thể có hiệu Ho-rây (oreil).

Trắng nõn như tây- Thế Cường, Mý sứa.

Cu cậu Ngọc Lễ kiểu cọ thầy tu.

Giáng Kiều Doãn Dư thì hay bẽn lẽn.

Có một ông Hiển sắc tộc Khờ-me.

Tướng tá lè phè- Thiện trọc, Thái Dúi.

Lành lành ít nói -Hiển gồ, Vinh Sơn.

Thái Hùng cà lăm.- mờ thì.... mờ dục!

 

Ồn ào, cộc lốc là Mic. Tiến thủ môn.

Quang Tiễu, Văn Dương ra như người Lớn.

Tường Tộ quá ốm. Lèo khèo Minh mo.

Cái tên Ốc bò là ông Đình Tuấn.

Tra mà nỏ lớn- Long già, bà Hiên.

Văn Đình, Ngọc Niên chu cha là diện.

Ông Đường thì điệu. Làm kiểu Lavâng.

Phạm Tuấn thì ngoan. Vũ Hùng nhát cáy.

Lầm lì Quang Đại. Lải nhải Đức đen.

Hynos khoe răng. Đình Nguyên khoe dáng.

 

Lắm tài Văn Sáng. Loắt choắt Thông chua

Cà rỡn, thích đùa- Minh Sơn bò địt.

Tầm ngầm, lụt lịt- Trọng Hồng, Lê Trung.

Rụt rè Tấn Long. Thoại ruồi thì nhát.

Lật đật, ngúc ngoắc- Kim Hạ Hà Lan.

Ông Đạo thì ngang, nói nhiều quá xá.

Sữa Thèm ông Hóa. Trán Luyến bò xơi.

Lóc chóc, loi choi Hữu Kiên, Quốc Tuấn.

Nghe chuyện mà ớn. Chị Cả Thè -re.

Chuyện vẻ, vè, ve. Chuyện vè bọn nhóc.

Loi choi, lóc chóc quậy nhà họ Lê....

Và thế là đã bốn nhăm năm, cả đám nhóc con đó cùng với chị Thè re hiện diện trong nhà họ Lê rồi. Ngoài 3 năm lao xao vì thời cuộc thì từ năm 1978, cái danh Te-rét đó đã như chất keo gắn kết đám nhóc con kia lại với nhau mỗi năm một ít và mỗi ngày lại thêm đông đảo. Cộng thêm cái đám thê tử suốt ngày tí toét nên đến nay, dưới sự dẫn dắt của các đời trưởng lão Trung chuột, Mý sứa và Hùng Mờ- thì, không khí gia đình chị em nhà ấy cũng thuộc loại tầm tầm trên trung bình một chút.

Rồi cùng với thời gian, cái quy luật rơi rụng cũng đã hiện hữu trong cái nhà Te-rét này. Hai thằng biệt tích từ ngày chia tay là ông tây trắng nõn Thế Cường và ông Ba tàu Phục Quốc. Cu cậu Lê Tấn Long thì nghe đồn có xuất hiện vài lần cách đây hơn chục năm ở Sài Thành. Sự rơi rụng vĩnh viễn, hay nói khác đi, những thằng được anh em nhớ tới hằng ngày với câu thần chú “Chúng con cậy vì....”, thuộc về 4 thằng đã hóa thân. Hai thằng vượt biên chết nước là Mic. Tiến thủ môn và Ngọc Lễ thầy tu. Thêm Ông Hiển Gồ, đã gồ mà còn bị u nữa nên y học của Mỹ cũng phải chạy làng luôn. Còn thằng cuối cùng Họ Ninh tên Thể thì lại được phong anh hùng lao động. Hắn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tăng gia cùng với một thằng kêu hắn bằng chú rọt. Thị vợ của hắn, tên là Tiến, sau hơn 20 năm tảo tần một mình nuôi con cũng đã rơi rụng theo hắn. Đó là chưa kể hai thằng chưa rơi cũng chửa rụng nhưng lại hiện đang sống ký sinh. Một thằng đui, suốt ngày bám gấu áo mẹ- cũng may là còn mẹ để bám. Một thằng khác xui hơn vì phải loanh quanh với cái xe lăn và chạy thận tuần 3 lần đến suốt đời. Nhưng trong cái xui lại có cái hên, cũng vì hắn quẩn quanh suốt đời với cái xe lăn đó mà thị vợ của phế nhân Hynos Hoàng Xuân này là thị Vân phu nhân được phong danh hiệu anh hùng lao động trước bàn dân thiên hạ. Cũng một thị vợ khác mà nay cũng đã cùng với một đứa con rọt nằm trong nỗi nhớ “chúng con cậy vì...”, cũng có thể gọi là một anh hùng lao động nhưng không phải họ Ninh mà là thị Mỹ Dung, phu nhân của Minh Đạo nói nhiều. Số là thị ấy phải tự tay xách, nách mang chăm lo cho cả gia đình trong khoảng một thời gian khá dài để gã lo vác tù và hàng tổng. Kết quả mà những giọt mồ hôi tóc mai của thị ấy mang lại là một kỷ niệm đáng tự hào của nhà Te-rét và khá nhiều những đóng góp cho công việc chung của nhà họ Lê nữa. Sau cái lao đao vì sự ra đi của vợ con, ông Đạo nói nhiều hiện đang mang một căn bệnh quái ác để người vợ kế tội nghiệp đang phải lãnh phần trách nhiệm chăm lo cho gã. Ngoài ra, nhà Te-rét cũng còn sắm được hai thằng khiếm thính. Cả hai đều có vợ nằm trong diện “rơi rụng” nên có lẽ nhớ vợ đến phát... điếc lỗ tai- Lê Văn Đường với thị vợ tên Khanh và Lê Văn Trung với thị Sen là vợ. Một thằng vào vùng sâu sống ẩn dật. Thằng kia lại nhớ vợ quá mà cũng quy về thiên đường mà sống. Chả phải là thiên đường dành cho những ai khó nhọc và gánh nặng đâu mà là thiên đường Mỹ Quốc. Nơi mà vài thằng nhóc khác đang ở sẵn bên ấy. Trọng , Đình Nguyên, Minh Sơn Bò ịt và Sơn Chuột.

Nói vậy chứ cái nhà chị Te-rét này đâu chỉ có toàn là chuyện đui, què, sứt, mẻ cùng chuyện rụng, rơi hay chuyện ly hương, biệt tích đâu. Nghe nè, cái ông thầy Hồ Lô nhà này hiện đang phụ trách tất thảy những ai có đạo đang đứng bục giảng trong giáo phận. Bà lão nhãn hiệu cầu chứng nhà Te-rét hiện được cấp cả một chiếc xe để đi lo... giảm tải cho các nghĩa trang đồng nhi qua chương trình Biu-linh (billing). Em của thị lão ấy là Văn Sáng lắm tài cũng đang cùng với người đồng hành Văn Đình không phải để ăn diện như hồi xưa mà để đóng góp khá nhiều cho giáo phận qua những công trình xây dựng dưới sự chỉ đạo của ông Sếp hồi hương từ xứ tư bản dãy chết là Giáng Kiều Doãn Dư. Ngoài ra còn có anh chàng Sếp Kỹ thuật Vinh Sơn đang phụ trách cả nhóm chuyên ghi lại những sự kiện lớn nhỏ trong giáo phận, nghe đồn rằng gã cũng đang đề xuất một danh hiệu anh hùng lao động cho thị vợ của gã thì phải? Còn một Vinh Sơn nữa mang biệt danh Hùng mờ thì lại là một chuyên viên soạn thảo trong Ban giáo lý đức tin mới oai chứ. Ấy là chưa kể còn biết bao nhiêu đóng góp nho nhỏ khác cho việc chung ở những cấp thôn, cấp buôn cũng đã được rất đông đảo các cựu chú tiểu ngày xưa cùng những thị vợ của chúng phụ trách nữa. Đừng buồn chị Te-rét nhé. Nhà mình đang sống mà lại sống một cách rất đường hoàng nữa đó.  

Lớp Têrêxa, tháng 11-2017.

Lê văn Lavâng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây