Lời Chúa THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH

Thứ sáu - 05/04/2024 20:16 |   283
“… cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,7b)

09/04/2024
THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH

 

t3 t2 PS

Ga 3,7b-15


‘LỘT XÁC’
“… cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,7b)

Suy niệm: Loài rắn theo chu kỳ, tự động lột lớp da. Bộ da của rắn giống như bộ quần áo sau một thời gian sử dụng trở nên vừa chật hẹp vừa dơ bẩn, cũ nát, nếu không lột bỏ thì chẳng những rắn không thể tăng trưởng mà còn có thể bị nguy hiểm tính mạng vì các loài ký sinh trùng phát triển nơi lớp vảy của da rắn. Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng rắn chỉ lột bỏ lớp vảy đã già cỗi bên ngoài mà thôi. Trước khi xé bỏ lớp vỏ cũ để trườn ra ngoài chúng đã phải “đổi mới” từ bên trong. Để có thể vào Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải sinh ra một lần nữa. Trong lĩnh vực tâm linh “lột xác” càng không phải là vấn đề xé bỏ quần áo cũ để may mặc y phục mới, mà là cởi bỏ nếp sống cũ để mặc lấy con người mới tốt lành, thánh thiện. Bí tích Thánh Tẩy giúp ta thực hiện cuộc “lột xác” ấy: nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, chúng ta chết đi cho tội và tiếp nhận sự sống phục sinh từ nơi Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta khó lột bỏ những tính hư tật xấu của mình do xu hướng thường tình “tốt khoe, xấu che” của chúng ta. Hoặc có khi chúng ta muốn lột bỏ chúng lắm nhưng lực bất tòng tâm. Việc chừa bỏ tội lỗi không thể chỉ do sức riêng mà còn phải nhờ ơn của Chúa Thánh Thần. Chỉ có những ai sinh bởi Thần Khí thì mới được vào Nước Trời. Bạn hãy sẵn sàng mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để lột bỏ tội lỗi mới mong được sống muôn đời.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một thói xấu dai dẳng nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm  lột bỏ những thói hư tật xấu, và biết cởi mở lòng mình ra để Thánh Thần Chúa làm cho con người con ra mới, tinh tuyền và thánh thiện.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan và vui mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã thống trị – Allêluia

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con biết lấy cuộc đời bày tỏ cho mọi người thấy sức sống của Ðức Ki-tô phục sinh, Ðấng chiến thắng tử thần; giờ đây chúng con đã nhận lãnh mầm sống Người ban tặng, xin cho chúng con mang lại những hoa quả dồi dào. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giu-se, người mà các tông đồ đặt tên là Ba-na-bê (nghĩa là con sự an ủi), một thầy tư tế, quê ở Sýp, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Ðáp.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Ðáp.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 7-15

“Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

Ni-cô-đê-mô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Ðiều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Mô-sê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Ki-tô đã phải chịu khổ hình, và từ cõi chết sống lại, và như vậy Người được vinh quang – Alleluia

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhân lời chúng con cầu khẩn. Là nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI VÀ NHỮNG SỰ DƯỚI ĐẤT
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói về ‘những sự dưới đất’ và ‘những sự trên trời’. Theo cách hiểu của Chúa Giê-su thì không có sự khác biệt rõ ràng giữa hai thực tại này. Quả vậy, những sự trên trời có thể được hiểu qua những sự dưới đất.

Kinh nghiệm về sự ra đời của con người có thể được dùng để nói về một hình thức sinh ra khác, một sự sinh ra bởi Thánh Thần. Hiện tượng tự nhiên của gió có thể nói với chúng ta về hiện tượng thiêng liêng của Thánh Thần. Chúa Giê-su là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa trong hình hài con người. Nhìn vào con người của Chúa Giê-su và cuộc sống trần thế của Ngài là nhìn lên Thiên Chúa. Nơi Chúa Giê-su, cõi trần gian đã trở thành sự mặc khải của cõi trời, và Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta cách nhìn thấy thực tại sâu xa hơn, thuộc thượng giới, trong và qua thực tại trần thế.

Trong cả bốn sách phúc âm, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy biết bao điều về cuộc sống con người mà qua đó chúng ta có thể hiểu về cuộc sống của Thiên Chúa và vương quốc thiên đàng. Giống như Thiên Chúa đã trở nên xác thịt trong Chúa Giê-su, thì Thần Khí của Thiên Chúa cũng có thể trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta. Khi chúng ta để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn cuộc sống của mình, thì người khác có thể nhìn thấy điều gì đó về Thiên Chúa trong và qua cuộc sống của chúng ta. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy cách mà Thần Khí Thiên Chúa đã nhập thể vào đời sống của Giáo Hội. Trong cộng đoàn đức tin đó, không có thành viên nào bị thiếu thốn, bởi vì tất cả những người có nhiều hơn những gì họ cần đều chia sẻ với những người có nhu cầu, dưới sự điều phối của Các Tông Đồ. Một đời sống như vậy là kết quả của hoạt động của Chúa Thánh Thần ở giữa họ. Chính cộng đoàn hội thánh sơ khai này đã cho thấy sự sống của Thiên Chúa trong hình dạng nhân loại.

Với tư cách là những Ki -tô hữu riêng biệt và với tư cách là một cộng đoàn đức tin, chúng ta được kêu gọi hãy để cho Chúa Thánh Thần nhập thể vào cuộc sống của chúng ta để người khác có thể nhìn thấy những điều thuộc thượng giới thông qua cách sống và cách chúng ta tương quan với nhau.

 

TIẾP TỤC NÓI VỀ VIỆC TÁI SINH (Ga 3,7-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể lại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô. Ông đã để ý nghe Chúa giảng và được thấy phép lạ Chúa làm, ông bắt đầu tin Chúa, ông có nhiều thắc mắc, và hôm nay ông tới gặp Chúa để xin Chúa giải đáp. Chúa cho ông biết: muốn được tái sinh để được vào Nước Trời thì:

– Phải nhờ tác động của Thánh Linh: “Gió muốn thổi đâu thì thổi… mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”.

– Nhờ tin vào Đức Giê-su: “Không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con  Người vốn ở trên trời”.

2. Đức Giê-su cho ông biết: “Nếu ông muốn vào Nước Trời, ông phải tái sinh, phải sinh lại trong nước và Thánh Thần”. Dĩ nhiên Chúa không bảo ông phải chui vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa, Chúa có ý bảo ông phải lãnh nhận phép Rửa tội. Phép rửa tội là bí tích tái sinh làm cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa, tức là qua dòng nước đổ trên đầu, đó là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần hoạt động bên trong. Nói rõ hơn, nhờ bí tích rửa tội, Chúa Thánh Thần đến với linh hồn chúng ta, Ngài cải hóa và đổi mới con người chúng ta.

3. Theo Tin Mừng của thánh Gio-an, chúng ta có thể cắt nghĩa chữ “tái sinh” như sau: Tái sinh có nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích rửa tội mà vẫn giữ nguyên bản ngã của mình. Bản chất con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành và bồi bổ trong ân lộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời họ được sống viên mãn với chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao” có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên, vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại: Từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời.

4. Được sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy Đức Giê-su không những mời gọi ông Ni-cô-đê-mô nâng tâm hồn mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước Thiên Chúa.

Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi nhận một mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống cho con người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Đức Giê-su, qua và sau cái chết, sự Phục Sinh của Chúa. Cùng với ông Ni-cô-đê-mô, chúng ta hãy đến với Đức Giê-su để cho Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

5. “Như ông Mai-sen đã giương cao con rắn trong sa mạc…”

Để tin nhận Đức Giê-su, con người không chỉ phải  thấy những việc làm cả thể của Ngài, mà còn phải nhìn Ngài trên Thập giá nữa. Đây là cái nhìn mà Đức Giê-su ám chỉ đền khi nhắc lại sự kiện Mai-sen treo một con rắn đồng trong sa mạc, để những ai bị rắn cắn nhìn lên sẽ được chữa lành. Với hình ảnh con rắn đồng chịu treo lên cao để được nhìn ngắm, Đức Giê-su ám chỉ đến cái chết của Ngài trên Thập giá. Như vậy, biết Ngài và tin nhận Ngài là có thể nhận ra vinh quang của Ngài khi Ngài bị treo trên Thập giá, đó là chân dung đích thực của Ngài mà con người cần phải nhận ra và chiêm ngắm (Mỗi ngày một tin vui).

6. Tái sinh chẳng khác gì một qui luật đòi buộc con người phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không đi vào con đường tự hủy thì không thể có việc tái sinh. Hay nói khác đi, tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ tự  cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.

7. Truyện: Câu chuyện hai hạt giống.

Có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong một mảnh đất mầu mỡ. Hạt giống thứ nhất tâm sự: “Tôi muốn lớn lên, tôi muốn cho rễ của tôi bén sâu dưới lòng đất và cho mầm sống của tôi vượt qua cái lớp vỏ cứng cỏi của mặt đất… Tôi muốn phô trương những cái nụ của tôi như những biểu ngữ báo hiệu mùa xuân đang tới. Tôi muốn đón nhận sự ấm áp của mặt trời trên tôi và hứng lấy những lời chúc lành của những giọt sương mai trên những cành hoa của tôi”.

Thế là hạt giống đó bắt đầu triển nở.

Hạt giống thứ hai nói: “Tôi rất lo sợ, nếu rễ của tôi đâm sâu, tôi không biết sẽ phải gặp những điều gì dưới lòng đất tối tăm kia. Nếu cố gắng trồi lên mặt đất cứng cỏi kia, sợ rằng mầm non của tôi sẽ bị gẫy dập… Nếu nụ của tôi nở, có thể ốc sên sẽ đến ăn, và nếu tôi nở hoa, có thể sẽ bị  bàn tay của một em bé tinh nghịch nhổ lên khỏi mặt đất. Thôi, tốt hơn hết là tôi chờ cho đến khi  nào thật an toàn, tôi mới bắt đầu triển nở”.

Và hạt giống đó tiếp tục chờ.

Một chú gà mái đang vô tử bới đất tìm mồi, thấy hạt giống ở gần đấy, nó liền mổ ăn một các ngon lành và thế là hết đời một hạt giống nhát đảm.

David L. Weatherford đã nói một câu hay: “Khi đối mặt với một thử thách nào đó, hãy tim cách vượt qua nó chứ đừng tìm lối thoát”. Vì người nào càng trốn tránh thử thách, thì chính thử thách lớn nhất của con người là sự nhát đảm sẽ đè bẹp họ.

NHỮNG HOA QUẢ DỒI DÀO
(THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 2 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết lấy cuộc đời mà bày tỏ cho mọi người thấy: sức sống của Đức Kitô phục sinh, Đấng chiến thắng tử thần; giờ đây, chúng ta đã nhận lãnh mầm sống Người ban tặng, thì xin cho chúng ta biết mang lại những hoa quả dồi dào.

Những hoa quả dồi dào có được nhờ lòng trung thành, mà trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền đã kêu gọi: Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. Dù phải chết, ngươi hãy phấn đấu cho sự thật, và ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa sẽ bênh vực ngươi. Ai thắng thì không hề bị cái chết thứ hai làm hại.

Những hoa quả dồi dào có được nhờ sống thuận hòa bác ái với nhau, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phungienxiô cũng cùng chung tâm tình với thánh Phaolô khi kêu gọi: Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí.

Những hoa quả dồi dào có được nhờ sự hiệp nhất yêu thương, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại: Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

Những hoa quả dồi dào có được nhờ lòng tin tưởng đặt nơi Thiên Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 92, vịnh gia đã cho thấy: Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người sẽ phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Hoa quả của ơn cứu độ có được từ trái của cây thập giá: khi Đức Giêsu bị giương cao. Qua đau khổ của thập giá, ắt sẽ đến vinh quang, đó là quy luật của ơn cứu độ. Những hoa quả dồi dào có được phải kinh qua thử thách của lòng trung thành: tuân giữ những gì Chúa dạy; sống hòa thuận, bác ái, trong tình hiệp nhất yêu thương; nhất là, hoàn toàn đặt niềm tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết chiêm ngắm Đấng chịu giương cao trên thập giá vì chúng ta, để chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta. Ước gì được như thế!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây