08/04/2024
thứ hai tuần 2 PHỤC SINH
Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38
LUÔN SẴN SÀNG THƯA VÂNG
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Đức Mẹ đang làm gì khi sứ thần đến truyền tin? Các bộ phim về cuộc đời Chúa Giê-su đều thuật lại sự kiện này nhưng các giải đáp đưa ra thì không ai giống ai. Phim thì nói Mẹ đang cầu nguyện, phim khác dàn dựng mẹ đang dệt vải hay đi múc nước. Có phim lại mô tả thiên thần truyền tin cho Mẹ trong một đêm thanh vắng. Nhưng dù đặt trong hoàn cảnh nào, tất cả các bộ phim ấy đều đồng ý với thánh sử Lu-ca ở điểm này là Mẹ luôn sẵn sàng thưa “Vâng”. Lời thưa vâng của Mẹ đã được bao hàm trong thái độ cơ bản: “tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” Nhờ chọn lựa một vị trí như thế, Mẹ mới có thể luôn sẵn sàng đáp lại: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Dù đang làm việc gì, Mẹ vẫn làm trong tư thế của người tôi trung của Đấng Tối Cao. Và Mẹ vẫn trung thành đứng trong tư thế này, cho đến tận dưới chân thập giá Chúa Ki-tô.
Mời Bạn: Như thế chúng ta có thể noi gương Mẹ: trước tiên chọn sống như người tôi trung của Chúa. Dù đang làm việc gì hay đang ở đâu, dù ở trong chức vụ, bậc sống hay hoàn cảnh nào, bổn phận người tôi trung vẫn là biết mau mắn nhận ra ý muốn của Chúa và cũng biết mau mắn thi hành.
Chia sẻ: Việc sống như người tôi trung của Chúa có nghịch với phẩm giá và tự do con người hay không?
Sống Lời Chúa: Thực hành bước cơ bản giúp nhận định thánh ý Chúa: xác định mình là tôi tớ Chúa, được sinh ra để làm vinh danh Chúa và để đạt tới ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, cho con dám khước từ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 2 PHỤC SINH
Ca nhập lễ
Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 4, 23-31
“Khi họ cầu nguyện xong, thì được đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, sau khi được phóng thích, Phê-rô và Gio-an trở về cùng các anh em, và thuật lại cho họ nghe tất cả những điều mà các thượng tế và kỳ lão đã nói. Vừa nghe thuật lại, họ đồng thanh cất tiếng nguyện cùng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Nhờ Thánh Thần, Chúa đã dùng miệng tổ phụ chúng con là Ða-vít tôi tớ Chúa mà phán: “Tại sao chư dân chấn động, và các nước lại mưu đồ chuyện luống công? Các vua thiên hạ đều nổi dậy, các thủ lãnh toa rập với nhau chống lại Chúa và Ðấng Ki-tô của Người”. Vì quả thật, tại thành Giê-ru-sa-lem này, Hê-rô-đê và Phong-xi-ô Phi-la-tô đã liên kết với các dân ngoại và dân Ít-ra-en, mà chống lại tôi tớ thánh của Chúa là Ðức Giêsu, Ðấng Chúa đã xức dầu, để thực hiện những điều mà quyền năng và ý định Chúa đã dự liệu từ trước. Và lạy Chúa, giờ đây, hãy xem họ đang đe dọa, và xin ban cho các tôi tớ Chúa được đầy lòng tin tưởng rao giảng lời Chúa, cùng xin Chúa giơ tay chữa lành các bệnh nhân, làm những dấu lạ, và những việc phi thường nhân danh Thánh Tử của Chúa là Ðức Giê-su”.
Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ đang tập họp liền chuyển động, mọi người được tràn đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 2, 1-3. 4-6. 7-9
Ðáp: Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa (c. 13b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Tại sao chư dân chấn động, và các nước mưu đồ chuyện luống công: các vua mặt đất cùng nổi dậy, và bậc quân vương nhất tề âm mưu phản nghịch Chúa và Ðấng Ki-tô của Người. Họ nói: “Ðập tan xiềng xích chúng ra, gông cùm chúng, hãy ném cho xa bọn mình”.
Xướng: Ðấng ngự trên thiên đình cười nhạo, Chúa mỉa mai cười chúng. Bấy giờ Người phán bảo chúng trong cơn thịnh nộ, và làm cho chúng rối loạn trong cơn lôi đình: “Nhưng Ta đã đặt vương nhi Ta trên núi Si-on, núi thánh của Ta”.
Xướng: Ta sẽ truyền rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và tận cùng cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra”.
Alleluia: Mt 23, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 3, 1-8
“Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Ni-cô-đê-mô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giê-su ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giê-su đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”. Ni-cô-đê-mô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả, giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Chúa Giê-su đứng giữa các môn đệ mà phán rằng: Bình an cho các con – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CHÚA GIÊ-SU VÀ NI-CÔ-ĐÊ-MÔ: CHÚNG TA PHẢI ĐƯỢC SINH LẠI
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Nói đến Ni-cô-đê-mô là người ta nói đến một người Pha-ri-sêu, thành viên thuộc Tòa công luận tối cao của người Do Thái. Ông là người có danh tiếng tốt, có địa vị trong xã hội Giê-ru-sa-lem. Chính Chúa Giê-su xác định ông là thầy của Israel (x.Ga 3,9).
Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh Thánh của mình, Ni-cô-đê-mô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy để tìm hiểu về con người Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Chúa Giê-su bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu được Kinh Thánh cũng như con người Chúa Giê-su. Ông phải tái sinh thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.
Tư tưởng tái sinh làm cho ông thắc mắc: “Làm sao có thể xảy ra như vậy?” Chúa Giê-su bảo ông: “Ông là bậc làm Thầy của Ít-ra-en, mà điều ấy ông lại không biết?” (Ga 3,9-10). Ông nghĩ, không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao.
Sau này, khi cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và nhóm biệt phái xảy ra, chính Ni-cô-đê-mô nói: “Há Luật của chúng ta lại lên án người nào trước khi nghe người ấy, và biết người ấy làm gì ư?” Họ đáp lại và nói với ông: “Dễ chừng ông cũng là người Ga-li-lê sao?” (Ga 7,50-51).
Tại sao anh ta đến gặp Chúa Giê-su vào ban đêm? Vì vậy, là một người Pha-ri-sêu và cũng là một nhà lãnh đạo trong số những người Do Thái, Ni-cô-đê-mô, hẳn phải có một hành trang kiến thức lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những kiến thức này, tôi cần phải đi tìm Chúa Giê-su để có thể trò chuyện riêng với Người, để có thể hiểu những gì Chúa đang nói.
Khi Ni-cô-đê-mô đến trước mặt Chúa Giê-su, ông biện minh cho chuyến viếng thăm của mình bằng cách diễn đạt sau: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa ủy phái đến” (Ga 3,2).
Ni-cô-đê-mô đến với từ “chúng ta biết”, khiến Chúa Giê-su thấy rằng không chỉ ông đã suy luận hợp lý. Rằng ai đó đã làm những dấu hiệu như vậy, đó là bởi vì Chúa đã ở trên người đó. Có nghĩa là, nếu chúng ta dựa vào câu trích dẫn sau đây, một số thành viên của Tòa Công luận hoặc người Pha-ri-sêu đã đồng ý về kết luận giống như Ni-cô-đê-mô. Chúa Giê-su đáp lại ông: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa” (Ga 3,3). Làm thế nào tôi có thể vào Nước Đức Chúa Trời? Câu hỏi mà Chúa Giê-su đã trả lời nằm trong lòng của Ni-cô-đê-mô và đó là: Làm sao tôi có thể vào Nước Đức Chúa Trời? Theo Chúa: Con người không thể tự cứu mình, như luận điểm của người Pha-ri-sêu bảo vệ. Con người cần khoác lên mình một bản chất mới, khai tử bản chất cũ và điều này chỉ có thể được thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô.
ÔNG NI-CÔ-ĐÊ-MÔ GẶP ĐỨC GIÊ-SU (Ga 3,1-8)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Trong những người tin Đức Giê-su, một thành viên của Hội đồng cộng tọa, thuộc nhóm biệt phái, khâm phục trước những lời giáo huấn của Chúa. Nhưng vì e ngại, không dám tỏ lòng tin công khai, ông đã tìm gặp Đức Giêsu lúc đêm khuya.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô về ơn tái sinh.
2. Ni-cô-đê-mô là “một đầu mục của người Do thái”, nghĩa là về mặt xã hội ông là bậc cao niên đáng kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy, ông vẫn tìm đến Đức Giê-su để học hỏi thêm.
Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh Thánh, Ni-cô-đê-mô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy để tìm hiểu về con người Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Ngài bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu biết về con người của Ngài, ông phải tái sinh thì mới thực sự hiểu được Kinh Thánh, ông phải tái sinh thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.
3. Tư tưởng tái sinh làm cho ông thắc mắc: không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao? Nhưng Đức Giê-su đã giải thích cho ông hiểu từ ngữ tái sinh đó. Tái sinh mà Chúa muốn nói là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình. Qua cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su loan báo phép rửa mà Ngài sẽ thiết lập và ký thác cho Giáo hội. Nhờ phép rửa ấy, các Kitô hữu đã thực sự được tái sinh, họ sống bằng sự sống thần linh của Chúa, họ nhìn bằng cái nhìn của Chúa, họ mặc lấy chính những suy nghĩ của Chúa và yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa.
4. Ông Ni-cô-đê-mô là con người rất có thiện chí. Đức Giê-su khen là ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu. Nhưng dầu sao Ngài con phải chuẩn bị thêm cho ông và long trọng xác nhận với ông rằng để theo Chúa, con người không thể ỷ lại vào sự hiểu biết hay vào lý lẽ khôn ngoan của con người. Cần phải được biến đổi bởi nước và Thánh Thần. Cần phải khiêm tốn lãnh nhận ân sủng Chúa ban và vâng phục sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. Bí tích rửa tội và ơn Chúa Thánh Thần là cửa ngõ mở vào Nước Thiên Chúa.
5. Một nhà đại thần bí Ấn độ nói về chính mình: “Tôi là một nhà các mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là: ”Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo thế giới”.
Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người tiếp xúc với con”.
Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời, tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ là: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí cuộc đời” (Góp nhặt).
6. Như vậy, Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su dạy chúng ta ý thức lại ơn tái sinh của chúng ta qua phép rửa trong nước và Thánh Thần, và nhờ đó, chúng ta cần đổi mới, phải từ bỏ con người cũ là mê theo xác thịt, mà mặc lấy con người mới là bước đi trong Thần Khí sự thật.
Trong mùa Phục sinh, Giáo hội đặc biệt mời gọi chúng ta ôn lại những cam kết trong phép rửa tội. Người Ki-tô hữu chúng ta phải không ngừng cởi bỏ con người cũ của tội lỗi, để lớn lên trong ân sủng, cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của nhân cách là chính Đức Giê-su.
7. Truyện: Thưa, chính Chúa đấy ạ.
Cha John Diamond có kể lại câu chuyện này: Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng vọng ra: “Ai đó”? Linh hồn trả lời: “Con đấy ạ”. Cửa vẫn đóng.
Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn: “Dạ, chính con đây”. Cửa vẫn đóng.
Linh hồn lại phải trở về trần thế… mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, tự mãn, ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để cho con người của mình được giống Thiên Chúa hơn.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời… lại gõ cửa… lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó”. Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp ngay: “Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng.
THÔNG PHẦN BẢN TÍNH THIÊN CHÚA
(LỄ TRUYỀN TIN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Truyền Tin này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người. Này chúng ta tuyên xưng Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa thật và là người thật, xin cho chúng ta cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người.
Chín tháng trước Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố này được thánh Luca tường thuật lại trong phần đầu sách Tin Mừng của người. Phụng vụ ngày hôm nay được soi sáng nhờ lời của tác giả Thánh Vịnh 39. Lời này đã được tác giả thư Hípri đặt lên miệng Đức Kitô, khi Người bước vào trần gian: Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.
Chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa đã muốn đến xây nhà ở giữa chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất tường thuật lại việc Đavít muốn xây nhà cho Chúa, nhưng Chúa đã phán: Ta báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA sẽ xây cho ngươi một ngôi nhà. Khi ngươi được mãn phần mà về với tổ tiên, Ta sẽ cho dòng giống ngươi -tức là một trong số các con ngươi- đứng lên kế vị ngươi, và Ta sẽ củng cố vương quyền của nó. Ta sẽ làm cho nó được kiên vững trong nhà Ta cũng như trong vương quốc của Ta đến muôn đời, và đến muôn đời ngai báu của nó sẽ được củng cố.
Chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa đã nhập thể làm người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã quả quyết: Phải nhắc đi nhắc lại rằng Người chỉ là một hữu thể duy nhất, vừa thật sự là Con Thiên Chúa, vừa thật sự là con của loài người. Người là Thiên Chúa, bởi lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Người là một con người, bởi Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa muốn đến ở cùng chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã tiên báo: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen, nghĩa là, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, bởi vì, Đức Giêsu đã tự nguyện vâng phục Chúa Cha đến trần gian, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri đã nói: Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 39, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài. Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến!
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại việc sứ thần Gáprien đến truyền tin cho Đức Maria. Ơn cứu độ của Chúa chính là ơn làm cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa. Chúa đã đi bước trước để mời gọi chúng ta, vấn đề là, chúng ta có mau mắn đáp lại lời mời gọi đó, để ơn cứu độ được thành toàn nơi chúng ta hay không mà thôi. Đức Maria đã phải trả giá thế nào khi thưa tiếng “xin vâng”? Ước gì chúng ta cũng biết sử dụng tự do của mình để can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa như Mẹ. Ước gì được như thế!
Lc 1, 26-38
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ Truyền Tin
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến!
Với lời xin vâng của Đức Maria “này tôi là tôi tớ Chúa tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”, Thiên Chúa đã có thể thực hiện được kế hoạch cứu độ của Ngài.
Sự bối rối của người nữ tỳ Sion làm thành hạnh phúc tuyệt vời cho Mẹ vì Mẹ được chọn, được tuyển lựa giữa muôn vàn người nữ. Mẹ nói lời “ Fiat”, biến nó thành cái phúc cho Mẹ và cho nhân loại, cho từng người. Cái phúc ấy vẫn như một dòng suối linh thiêng đang tuôn chảy trong từng người con của Mẹ. Nhân loại mãi mãi và muôn thuở vẫn nhận được cái phúc từ Mẹ vì từ Mẹ, từ cung lòng Mẹ Ngôi Lời đã mặc xác phàm và ở giữa chúng ta.
Để xứng đáng cử hành thánh lễ, hiệp thông với Đức Maria trong tâm tình biết ơn, chúng ta thành tâm thống hối.
Ca nhập lễ
Khi đến trong thế gian, Chúa phán: Lạy Chúa, đây Con đến để thi hành thánh ý Chúa.
Hát hoặc đọc Kinh Tin Kính
Khi đến câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần…” thì bái gối.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người. Này chúng con tuyên xưng Ðấng Cứu Ðộ là Thiên Chúa thật và là người thật, xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 7, 10-14
“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa
Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.
Xướng: Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con.
Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
Xướng: Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.
Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10
“Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ sự: Anh chị em thân mến, Đức Maria là hòm bia giao ước mới và vĩnh cửu, trong Mẹ, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ nhân loại. Hiệp nhất với Đức Mẹ trong đức tin và trong niềm hy vọng, chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện.
1. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Giáo Hội trên toàn thế giới đang loan báo và cử hành lễ Truyền tin Thiên Chúa nhập thể, ngày càng vững mạnh trong đức tin, nồng nàn trong đức mến, để xây dựng một tương lai tràn đầy hy vọng nhờ hồng ân “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
2. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô và các Mục Tử của Giáo Hội, xin cho các ngài được Đức Maria, nữ tì phục vụ và lắng nghe nâng đỡ, để các ngài trao ban ơn lành của Chúa cho muôn người, và không mệt mỏi trong sứ mạng tông đồ, ngõ hầu làm cho mọi gia đình thành dân của Chúa.
3. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người đang hiện diện nơi đây, và những người đang gặp thử thách và đau khổ vì thực hành ý Chúa. Trên mọi nẻo đường của đời sống, nhờ vững tin rằng, Thiên Chúa toàn năng đã ký kết với mỗi người một giao ước vững bền, tất cả mọi người có thể tìm thấy sức mạnh trong việc chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu, Đấng đã tự hiến chính mình cho nhân loại.
4. Cả cuộc đời Đức Mẹ là lời xin vâng với thánh ý Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết noi gương Đức Mẹ trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Chủ tế: Lạy Cha, xin đổ tràn đầy ân sủng của Cha vào tâm hồn chúng con; trong biến cố truyền tin, Cha đã mạc khải cho chúng con mầu nhiệm nhập thể của Con Cha, nhờ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Con Cha, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin dẫn chúng con tới vinh quang phục sinh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng Giáo Hội nhận biết mình đã khởi đầu trong ngày Con Một Chúa nhập thể. Xin chấp nhận của lễ Giáo Hội tiến dâng mà ban cho chúng con được hân hoan cử hành các mầu nhiệm của Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Khi nhận lời thiên sứ truyền tin, Ðức Trinh Nữ đã tin tưởng nghe theo và âu yếm cưu mang trong cung lòng trinh khiết Ðấng sẽ sinh ra giữa nhân loại và vì nhân loại bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Nhờ đó Cha trung thành thực hiện các lời hứa cho con cái Ít-ra-en và mặc khải Ðấng muôn dân đợi chờ.
Vì thế đạo binh các Thiên thần muôn đời hoan hỷ trước thánh nhan Chúa, thờ lạy Chúa uy linh cao cả. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Emmanuen;
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng rằng: Con Chúa nhập thể trong lòng Ðức Trinh nữ Maria là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận củng cố niềm tin chân thật ấy, và xin cho cuộc chiến thắng phục sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn cứu độ và niềm vui muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ƠN CỨU CHUỘC NGANG QUA SỰ VÂNG PHỤC (Is 6, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38)
Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể. Nói cách khác, hôm nay, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Qua biến cố vĩ đại này, tinh thần phụng vụ hướng chúng ta về hai mẫu gương vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria, đồng thời cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria để sống sự vâng phục trong cuộc sống đạo hôm nay.
1. Vâng phục để cứu độ
Khi nói đến sự vâng phục, chúng ta nhớ ngay đến đoạn Kinh Thánh mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Philípphê, ngài viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Sự vâng phục này là khởi đầu của nguồn ơn cứu độ, vì nếu Đức Giêsu không vâng phục Thiên Chúa để trở thành Đấng Emmanuen, nhằm cứu chuộc nhân loại tội lỗi, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải chọn con đường khác. Tuy nhiên, con đường tự hủy mà Đức Giêsu đã chọn là con đường tuyệt vời nhất, bởi vì nó diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Điều này đã được thánh Gioan nhắc đến, ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Sự vâng lời của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện, vì thế, Ngài đã nói: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (Tv 39, 8a – 9a) ; hay: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ đến muôn ngàn đời. Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài đã vâng lời và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự và đã chấp nhận đổ máu mình ra nhằm cứu chuộc con người.
Chính vì sự vâng phục này, mà nhân loại đón nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.
2. Vâng phục để đồng công cứu chuộc
Khi nói đến sự vâng phục của Đức Giêsu, chúng ta không thể không nói đến sự vâng phục của Đức Maria. Mặc dù phụng vụ canh tân ngày nay không còn tập trung nơi Đức Maria như trước kia vào thời Trung Cổ. Tuy nhiên, khi nói đến ơn cứu chuộc của Đức Giêsu nhờ sự vâng phục mà có, thì Giáo Hội cũng luôn đề cao sự cộng tác của Mẹ Maria trong công cuộc ấy cũng bằng chính sự vâng phục nơi Mẹ.
Sự vâng phục của Mẹ Maria được đánh giá rất cao trọng, bởi vì khi Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa, kế hoạch riêng tư của Mẹ hoàn toàn sang trang và chuyển hướng khác, để nhường cho chương trình và ý định của Thiên Chúa trên toàn thể nhân loại.
Nói như thế, là vì Đức Mẹ ngay từ khi còn nhỏ đã khấn giữ mình đồng trinh để thuộc trọn về Chúa và phụng sự Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại có chương trình riêng cho người thiếu nữ Sion này, đó là muốn Mẹ nhận lời và cưu mang Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại.
Biết được ý định ngàn đời của Thiên Chúa, nên sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà,vì thế,Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35), Mẹ Maria đã mau mắn trong tự do để thưa lên với Thiên Chúa ngang qua sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Nhờ hai tiếng xin vâng của Mẹ, nhân loại tràn đầy niềm hân hoan, vì từ nay, Con Thiên Chúa đã đến và ở với loài người.
Khi chọn Mẹ Maria, người thiếu nữ Sion để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã khai mở một kỷ nguyên mới, thiết lập một dân tộc mới thay thế cho dân cũ đã bị cái chết bao phủ do tội bất tuân của Evà. Từ nay, muôn đời sẽ khen Mẹ diễm phúc, vì từ cung lòng Mẹ đã cưu mang Đấng là Nguồn Ơn Cứu Độ, Nguồn Mạch Sự Sống.
Cũng chính lời xin vâng này, mà cuộc đời của Mẹ đã kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trọn vẹn. Mẹ đã trở thành Đấng đồng công cứu chuộc với Con Chí Ái của mình.
3. Người Kitô hữu sống tinh thần vâng phục
Sứ điệp Lời Chúa và tinh thần phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho sự vâng phục trong đời sống đức tin hằng ngày của mỗi người.
Nếu trước kia, nơi Đức Giêsu, Ngài đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để vâng phục Thiên Chúa Cha qua việc đến trần gian trong thân phận là một con người nhằm cứu chuộc nhân loại; và nếu Mẹ Maria khi vâng lời Thiên Chúa và sẵn sàng để cho thánh ý của Người được thực hiện, thì đến lượt chúng ta, nếu muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa trong lòng Giáo Hội hôm nay, thiết nghĩ con đường tự khiêm tự hạ và vâng phục trong lòng mến của Đức Giêsu và Mẹ Maria chính là lựa chọn của chúng ta.
Tuy nhiên, với sự yếu đuối của con người và với những trào lưu hiện sinh của nhân loại ngày nay, chúng ta rất khó có thể vâng phục, nhất là sự vâng phục của đức tin!
Nhiều khi chúng ta biện hộ cho việc bất tuân của mình bằng những chuyện như: vâng phục là mất tự do; vâng phục làm cho con người bị lệ thuộc. Hiểu theo nghĩa tâm lý hay triết học thì thật đúng như vậy. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đức tin dưới ánh sang Lời Chúa thì không phải vậy, bởi vì: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi” (SGLHTCG. Số 1733).
Thực tế cho thấy, những ai trung thành với Chúa, người đó đạt tới đích trong sự viên mãn. Những ai biết gắn bó cuộc đời của mình với Thiên Chúa trong sự vâng phục, cuộc sống của người ấy vui tươi bình an và hạnh phúc.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con chính người Con Một duy nhất của Cha đến trần gian qua cung lòng Mẹ Maria, để chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc của Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Xin Cha ban cho chúng con biết noi gương Con Một Cha và Đức Trinh Nữ Maria để sẵn sàng hiến dâng cuộc đời của mình trong sự vâng phục nhằm cộng tác vào công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay. Amen.
CÙNG SỐNG, CÙNG CHẾT, CÙNG VINH QUANG
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1, 30-32).
Suy niệm: Ta có thể nói như cha Cantalamessa rằng: “Không ai cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu đến mức như Đức Maria, cũng như không ai được tôn vinh bên Chúa Giêsu bằng Đức Maria”. Quả vậy, từ khi nhập thể, Đức Giêsu gắn bó với Mẹ Maria như hình với bóng: từ lúc còn trong lòng Mẹ, Mẹ đi đâu, Con đi theo đấy; khi Con trưởng thành, Con ở đâu, Mẹ cũng có mặt ở đó: Con dự tiệc cưới Cana, cũng có mặt Mẹ, Con đi rao giảng Tin Mừng, có thấp thoáng bóng Mẹ, Con chịu đóng đinh, Mẹ có mặt dưới chân thập giá. Thì nay Con bước vào vinh quang Thiên quốc, thì Mẹ được cất lên làm Nữ Vương vũ hoàn.
Mời Bạn: Nhớ rằng ngoài người mẹ trần gian, bạn còn có một người mẹ trên trời là Đức Maria. Bạn hãy siêng năng đến cầu nguyện với Đức Mẹ, và nhớ lấy ngài làm “gương soi” cho mình.
Chia sẻ: Tôi thích đức tính nào nơi Đức Maria hơn cả? Tôi đã làm gì để tập đức tính đó?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi nhớ ít nhất đọc 3 kinh Kính mừng và cầu nguyện với Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, khi đọc sách Tin Mừng, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới Cana. Và cuối cùng, Mẹ đã theo Ngài đến tận núi Sọ. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng mời gọi mới của Chúa. Amen. (Rabbouni)
ĐƯỢC TRUYỀN TIN ĐỂ TRUYỀN TIN
Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.” (Lc 1,26-27)
Suy niệm: “Tin” mà thiên sứ Gáprien “truyền” cho đức trinh nữ Maria chính là chương trình của Thiên Chúa để cứu độ con người. “Tin” ấy Thiên Chúa “đã nhiều lần nhiều cách” truyền dạy qua các ngôn sứ (x. Dt 1,1) mà giờ đây được hiện thân qua chính Người Con nhập thể trong lòng trinh nữ Maria. Đức Maria đã cộng tác bằng việc đón nhận “tin” này với niềm vâng phục của đức tin (x. GLHTCG, 148). “Được truyền tin” rồi, Mẹ lại tiếp tục “truyền tin” mà Mẹ đã nhận bằng cách ban tặng Đức Giêsu Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta, như Mẹ đã nói: “Người bảo gì, anh em cứ làm theo” (Ga 2,5).
Mời Bạn: Xã hội hôm nay tràn ngập thông tin: tin lành, tin dữ, tin vui không vui, tin thật, tin giả…. Muốn hay không, chúng ta đều “bị” nghe hoặc “được” nghe”. Để khỏi là nạn nhân của sự bùng nổ thông tin ấy, chúng ta phải: – biết sàng lọc thông tin và phân định để nhận ra tin lành đến từ Thiên Chúa; – và trở thành tác nhân truyền tin lành của Ngài đến với tha nhân.
Chia sẻ: Bạn đã dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan truyền Tin Mừng cho tha nhân chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn thực hiện sứ mạng “truyền tin” bằng một lời nói hoặc hành động để chuyển thông tin lành của Chúa đến cho tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn nhận ra mình “được truyền tin” để biết sống “truyền tin” như Đức Maria. Amen.
Tình Yêu Qua Nhục Thể
(Lễ Truyền Tin – 25/3) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Nhục thể, nhục dục là những hạn từ vốn đã bị gán ý nghĩa xấu. Khi nói về các hướng chiều hạ đẳng người ta thường gọi là theo tính xác thịt. Quan niệm nhị nguyên như đã chi phối cái nhìn của con người cách khó sửa đổi. Bên cạnh đó, các trào lưu cách mạng “giải phóng tính dục” cách lệch lạc hay thái quá đã khiến cho thân xác lại bị hạ giá cách bất công.
Mừng Lễ Truyền Tin. Hai từ Truyền tin dễ làm người ta liên tưởng đến vai trò chính đó là Đức Mẹ. Nhưng thực ra đây là ngày Lễ Mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa mà theo truyền thống là một trong ba mầu nhiệm chính của Kitô giáo. Thiên Chúa thể hiện tình yêu bằng việc mang lấy huyết nhục con người. Người đã chọn lấy thân xác làm con đường để yêu thương nhân loại. Lời tác giả thư gửi tín hữu Do Thái: “Thật thế, máu các con bò, con dê, không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 4,4-7).
Với một thân xác, Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Emmanuel – chung chia mọi nỗi niềm của kiếp người, đặc biệt là kiếp nghèo hèn, mỏng manh, kém phận. Qua một thân xác, Thiên Chúa ban lời hằng sống là lời chân lý và là lời yêu thương, lời tha thứ. Với một thân xác, Thiên Chúa tiếp xúc với người bệnh tật, cùng khổ để nâng đỡ, chữa lành. Và qua một thân xác Thiên Chúa đón nhận mọi hậu quả do tội lỗi của con người đồng thời trao ban sự sống thần linh cũng như ân tình tha thứ, giải hòa. Và để tiếp tục giáng phúc thi ân cho nhân loại đến tận thế, Thiên Chúa làm người đã ở lại với con người bằng một thân xác – Máu Thịt – cách huyền nhiệm gọi là Bí tích (Bí tích Thánh Thể).
Có thể nói không sợ sai lầm rằng một tình yêu đích thực thì luôn có sự tham gia của nhục thể là thân xác. Một tình yêu đích thật là một tình yêu có sự bồi hồi cả con tim, có sự hao mòn cả thân xác. Một tình yêu đích thật là một tình yêu sục sôi cả huyết quản và nhiều khi quặn đau cả ruột gan.
Một lôgich như tất yếu: Thiên Chúa đã đến với con người, yêu thương con người qua một thân xác thì để đáp trả lại tình yêu ấy, để đón nhận hồng ân tha thứ, con người cũng cần phải qua thân xác. Và Mẹ Maria là người đã thực hiện điều này cách hoàn hảo qua tiếng xin vâng (Lc 2, 38). Mẹ đã hiến dâng thân xác mình để cho Tình Yêu hiện diện và trổ sinh hoa trái.
Không ai chối cãi cái thân xác con người rất nhiều khi mang “tính xác thịt”, nghĩa là yếu đuối mỏng dòn, dễ nghiêng chiều các chước cám dỗ, đến độ không chỉ là nguyên cớ mà có khi còn là yếu tố của sự xấu hay sự tội. Thế thì làm sao sử dụng nó để yêu thương hay để làm trổ sinh hoa trái thánh thiện?
Con chiên vô tì tích của Cựu Ước là hình ảnh của tấm xác thân tinh tuyền không vướng tội nhơ của Đấng cứu độ. Đây chính là chìa khóa giúp ta nhận ra khi nào thì xác thân ta đóng đúng vai trò của nó trong tiến trình yêu thương, giải hòa, thi ân, giáng phúc. Đó là một thân xác thanh sạch, không tì ố bởi vết tội. Làm thế nào để có được một thân xác tinh tuyền khi phận người chúng ta vốn là kiếp “lực bất tòng tâm” như thánh Phaolô đã từng thú nhận? (x.Rm 7,14-24). Cũng chính thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?... Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20). Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Tình Yêu năng động, hướng tha. Khi xác thân chúng ta là cửa ngõ, là chiếc cầu để cho tình yêu vị tha tuôn ra thì nó đang thanh sạch. Khi xác thân chúng ta là phương thế để cho tha nhân được sống và sống dồi dào tình nó đang tinh tuyền. Đâu có tình yêu là ở đấy có Thiên Chúa ngự. Ánh sáng vào thì bóng tối phải lùi xa.
Tôn trọng tấm thân xác mà chúng ta được ban tặng là một cách thế mừng mầu nhiệm Chúa Nhập Thể. Gìn giữ thân xác thanh sạch bằng con tim đầy tình vị tha cũng là mừng mầu nhiệm Chúa làm người. Và biết dùng thân xác mình để yêu thương, phục vụ tha nhân cho hạnh phúc đời này lẫn đời sau chính là tôn vinh mầu nhiệm Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể cách đúng và đẹp ý Thiên Chúa như nội hàm lời thưa xin vâng của Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin năm xưa.
Vương Quyền của Mẹ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”.
Nữ hoàng Mary, Scotland, rất được yêu mến, thường đi thăm dân chúng mà không cần ai tháp tùng. Chiều kia, trời sắp mưa, bà ghé một ngôi nhà, nói với cô chủ, “Cô có thể cho tôi mượn chiếc ô, tôi sẽ trả vào ngày mai?”. Cô chủ trao cho người lạ chiếc ô mà cô định vứt đi. Hôm sau, có tiếng gõ cửa; người phụ nữ ra mở, một cận vệ hoàng gia xuất hiện, “Nữ hoàng nhờ tôi cảm ơn cô đã cho bà mượn cái này”. Cô chủ sững sờ; sau đó, bật khóc, “Ôi, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, đã không trao cho Nữ hoàng cái tốt nhất!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Không ít lần chúng ta bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất”. Nữ Hoàng ở đây là Đức Maria, Trinh Nữ Vương, hôm nay Giáo Hội mừng kính. Trong vinh quang hồn xác lên trời, Mẹ đã trở nên ‘thành quả tối hậu’ của công trình cứu độ. Mẹ vô cùng diễm lệ; đồng thời, rất quyền thế với 'Vương Quyền của Mẹ!' vì Mẹ là Thánh Mẫu của Đấng mà “Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận!”.
Thánh Kinh trình bày Chúa Kitô như một vị Vua, nên mẹ Ngài là Hoàng Thái Hậu. Chúa Kitô là Vua với tư cách Thiên Chúa; và Mẹ Ngài là Nữ Vương bởi “huyết thống thiêng liêng” trong tư cách Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương bởi Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, chỉ sau Chúa Con; là Nữ Vương bởi sự lựa chọn duy nhất của Chúa Cha. Nếu một người có thể trở thành vua hoặc nữ hoàng theo sự lựa chọn của con người, thì danh hiệu và ‘Vương Quyền của Mẹ’ sẽ lớn hơn biết bao khi đó là sự lựa chọn của chính Thiên Chúa!
Đức Phanxicô đưa ra ba trích dẫn Thánh Kinh nói lên ‘Vương Quyền của Mẹ’. Trước hết, các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, Đấng Kitô trong Cựu Ước xem ra đều nói đến một vị Vua như một danh tính được ban. “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Người gánh vác quyền bính trên vai… sẽ mở rộng vương quyền cho ngai vàng và vương triều Đavít” - Isaia. Thứ đến, trong Tân Ước, ‘Vương Quyền của Mẹ’ được tìm thấy trước hết trong trình thuật Truyền Tin, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”; “Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời” - Luca. Sau cùng, vương vị của Maria được thấy trong thị kiến vĩ đại “Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” - Khải Huyền; chương 12 miêu tả Maria là Nữ Hoàng - Mẹ mới trong Vương Quốc - chia sẻ quyền cai trị vũ trụ của Con.
Kính thưa Anh Chị em,
“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”. Đức Maria là Mẹ của Đấng vô cùng vô tận đó, nhưng cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. “Đức Trinh Nữ Maria đáng được gọi là Nữ hoàng, không chỉ vì vai trò làm mẹ thiêng liêng của ngài, mà còn vì Thiên Chúa muốn ngài có một vai trò đặc biệt trong công cuộc cứu rỗi đời đời của chúng ta!” - Pio XII; “Vương quyền của Đức Maria không phải là một cái gì thuộc về của cải hay quyền lực mà là một sự phục vụ tình yêu” - Bênêđictô XVI; “Hãy gõ cửa Đức Maria!” - Phanxicô. Tổng Giám mục Fulton J. Sheen thường nói một cách hài hước rằng, “Chúa sẽ chào đón một người trên thiên đàng bằng những lời này: ‘Mẹ tôi nói rất tốt về bạn!’”. Vì thế, bạn và tôi đừng bao giờ bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con là ‘con Trời’, ‘con của Nữ Hoàng’. Đừng để con sống vật vờ, cầu bơ cầu bất! Cho con sống xứng với phẩm vị con trai con gái rất yêu dấu của Chúa!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn