Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 22/05/2024 20:11 |   60
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,13-16)

25/05/2024  
thứ bảy tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Thánh Bêđa Khả Kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

t7 t7 TN

Mc 10,13-16


bí quyết vào nước trời
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. (Mc 10,13-16)

Suy niệm: Nếu muốn biết hạnh phúc là gì thì hãy nhìn một cánh hoa, một chú chim hay một đứa trẻ.” Nhận định này rất thích hợp để minh họa cho hình ảnh hoàn hảo về Nước Trời. Tại sao?  - Vì bông hoa, đứa trẻ hay chú chim luôn tận hưởng niềm vui từng ngày, những bộn bề lo toan cuộc sống, tranh giành hơn thua không át được niềm hạnh phúc họ cảm nhận ngay hiện tại. Chúa Giê-su đã chỉ rõ bí quyết sống ấy cho những ai khao khát Nước Trời qua hình tượng ‘tâm hồn trẻ thơ.’ Bí quyết này vừa dễ nhưng cũng rất khó. Dễ khi ta dám trở nên như trẻ thơ. Khó vì sau đó có thể ta sẽ ‘không là gì’ và sẽ ‘không còn gì’! Chính Ngài đã sống bí quyết này đến cùng trên thập giá, tự hủy mình ‘ra không,’ vâng theo ý Chúa Cha, để trở nên Người Con Yêu Dấu của Cha.

Mời Bạn: Nhiều người khổ sở, chán ngán, bất hạnh, muốn tìm cho được bí quyết hạnh phúc mà không hề biết nó ở ngay cạnh mình, trước mắt mình: chân thành, đơn sơ như trẻ nhỏ và bớt đi cái ‘người lớn’ trong mình. Chị Thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su đã sống ‘con đường thơ bé’ trong sự chân thành, đơn sơ, luôn đặt mình như trẻ nhỏ trước người Cha vĩ đại  là Thiên Chúa, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao. Con đường thiêng liêng ấy có thực sự gợi hứng cho bạn không? Phần bạn, con đường nhỏ mà bạn sẽ chọn để đi mỗi ngày là gì?

Sống Lời Chúa: Tập sống đơn sơ, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con trở nên bé mọn, phó thác mọi sự cho Cha, để con được gặp thấy Nước Trời ở ngay chính thế gian này. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 17, 1-13 (HI 1-15)

“Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa dùng đất mà dựng nên con người và tạo tác con người theo hình ảnh của Chúa. Người lại làm cho nó trở nên hình ảnh Chúa và ban cho nó được quyền hành như Người đã có. Người cũng ban cho nó số ngày và thời gian, ban cho quyền hành trên trần gian. Người bắt mọi loài phải kính sợ nó, và cho nó thống trị các thú dữ chim trời. Rồi từ đó, Người tạo dựng một nội trợ giống như nó, Người cũng ban cho cả hai có trí, lưỡi, mắt, mũi và tâm hồn để suy tưởng, cho họ đầy sự hiểu biết và trí năng. Người tạo cho họ trí thông minh và cho lòng họ biết cảm giác, chỉ cho họ biết phân biệt lành dữ. Người đặt mắt Người vào lòng họ, chỉ cho họ thấy sự huy hoàng các công trình của Người, để họ ca tụng thánh danh Người, và họ được vinh hiển trong những việc lạ lùng của Người, hầu họ cao rao sự vĩ đại của những kỳ công Người. Người ban thêm cho họ sự thông minh và cho họ thừa hưởng luật trường sinh. Người thiết lập với họ một giao ước vĩnh cửu, chỉ cho họ biết công minh thẩm phán. Và mắt họ đã nhìn thấy sự huy hoàng vinh hiển của Người, tai họ đã nghe tiếng Người. Rồi Chúa phán với họ: “Các ngươi hãy lánh xa mọi gian ác”. Và Người truyền cho mỗi người trong họ biết những giới răn liên quan đến tha nhân. Ðường lối của họ luôn luôn ở trước mặt Chúa và không hề ẩn náu khỏi mắt Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 13-14. 15-16. 17-18a.

Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người.

Xướng: Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng ta, Người nhớ rằng tro bụi là chính chúng ta!

Xướng: Thân con người, cuộc đời như nắm cỏ, như bông hoa ngoài đồng nội, nó nở ra. Một cơn gió vừa lướt trên hoa, hoa không còn nữa, không ai còn nhận thấy chỗ ở của hoa!

Xướng: Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 13-20

“Lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ai trong anh em buồn sầu, người đó hãy cầu nguyện. Còn ai hân hoan, người đó hãy ca hát thánh vịnh. Ai trong anh em ốm đau ư? Hãy mời các trưởng lão giáo hội đến, để các ngài cầu nguyện và nhân danh Chúa xức dầu cho người đó. Lời cầu nguyện phát xuất tự lòng tin sẽ cứu được bệnh nhân và Chúa sẽ cho người đó được bình phục; và nếu người đó mắc tội, thì sẽ được tha. Vậy anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả.

Anh em thân mến, nếu ai trong anh em lạc đường chân lý, và có kẻ làm cho người đó trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: kẻ làm cho người tội lỗi bỏ đường lầm lạc mà trở lại, sẽ cứu linh hồn người tội lỗi khỏi chết, và che lấp được nhiều tội lỗi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 140, 1-2. 3 và 8

Ðáp: Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm (c. 2a).

Xướng: Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, xin mau chóng phù trợ con, nguyện nghe tiếng con, lúc con kêu cầu Chúa. Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm, tay con giơ lên thành như của lễ lúc chiều hôm.

Xướng: Lạy Chúa, xin đặt quân gìn giữ miệng và lính canh gác gần cửa môi con. Ôi lạy Chúa, con mắt con hướng nhìn về Chúa, con tìm nương tựa nơi Ngài, xin đừng huỷ mạng sống con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.- Alleluia)

PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16

“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TRẺ EM (Mc 10,13-16)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Người Do-thái có thói quen đem con mình đến với những người tốt lành có thế giá để họ chúc lành cho các em. Hôm nay người Do-thái đem các trẻ nhỏ đến cho Chúa chúc lành, nhưng các môn đệ sợ chúng quấy rầy nên đuổi đi. Chúa không bằng lòng nên quở các ông, và bảo hãy để yên cho chúng đến với Ngài, vì Nước Trời là của những người sống đơn sơ, vâng lời, trong sạch và hoàn toàn phó thác giống như chúng. Rồi Chúa ẵm chúng vào lòng và ban phúc lành cho chúng.

2. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Đức Giê-su để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng, chứng tỏ Đức Giê-su rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ  đem các trẻ em đến với Ngài... Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do-thái, Đức Giê-su đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: “Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn”.

3. Những đức tính của trẻ nhỏ.

Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách để đạt được mục đích chức quyền… Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán lợi hại hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn.

– Hình ảnh trẻ nhỏ  còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

4. Một nhận xét bi quan đáng quan tâm.

Có người đưa ra nhận xét: bản chất trẻ em hôm nay không khác gì trẻ em thời Đức Giê-su… Và có lẽ trẻ em thời nào cũng vậy: rất thiên thần. Tuy nhiên cách hành xử thì có lẽ đã khác đi rất nhiều: trẻ em hôm nay – quả thực – là không còn “thiên thần” mấy nữa… Và đây là điều người lớn chúng ta cần coi lại. Dù các em làm gì, nói gì… thì cũng chỉ là những gì các em nhìn thấy nơi người lớn. Còn nhỏ thì nhìn thấy nơi cha mẹ, anh chị… Lớn lên thì thấy nơi thầy cô, chú bác… Vào đời là những trải nghiệm học được từ trường đời… Trường đời càng ô trọc con người càng gian manh. Vì thế cần phải được giáo dục trong những môi trường tốt lành ngay từ còn nhỏ.

5. Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin con cái cho những vị lãnh đạo tinh thần hay thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.

Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.

6. Hãy để cho trẻ nhỏ đến với Chúa.

Một cách nào đó, chúng ta vô tình hay hữu ý đã ngăn cản trẻ nhỏ đến với Chúa khi:

– Ngay những ngày đầu trẻ được sinh ra, chúng ta bê trễ việc lo cho trẻ lãnh Bí tích Thánh tẩy làm con cái Chúa.

– Không tập tành cho con trẻ làm quen tiếp xúc và yêu mến Lời Chúa, kinh nguyện hằng ngày cùng những việc đạo đức ngay tại nơi gia đình.

– Không ngăn cản hoặc tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với những thứ văn hóa xấu (bạo lực, phim ảnh, sách báo xấu, trò chơi thiếu lành mạnh), chính những thứ đó gián tiếp ngăn ngừa trẻ tiếp cận với Chúa.

– Không sống nêu gương đạo đức và thánh thiện cho trẻ.

– Đối với những người lớn, chúng ta không ngăn cản những sáng kiến riêng tư đơn sơ của họ trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.

7. Truyện: Một thầy dạy bất đắc dĩ.

Ông Tamba, một nhà trí thức tại Indenosia và cũng là một tín hữu Kitô đã kể lại như sau:

Tôi rất hãnh diện và tôi cho rằng tôi là người tín hữu duy nhất trong giáo xứ Palembang có được bằng tiến sĩ đại học Siuydaia, mà còn là chủ tịch hội luật gia, đồng thời là chủ tịch hội trí thức trong tỉnh nữa. Với tất cả những danh hiệu và chức vụ này tôi tưởng như chẳng ai bằng tôi. Thế nhưng, tôi lại bê trễ việc đạo vì quá bận rộn. Tôi không còn quan tâm gì đến việc cầu nguyện nữa.

Lúc ấy, Chúa sai một người thầy đến dạy tôi. Người thầy là đứa cháu trai mới có bốn tuổi. Tôi thường nói với cháu rằng, người tin Chúa phải cầu nguyện trước khi đi ngủ. Một hôm, cháu đến nhà tôi chơi và ở lại ngủ chung phòng với tôi. Khi tôi lên giường ngủ, cháu hỏi:

– Cậu ơi, sao cậu không cầu nguyện? Cậu cãi nhau với Chúa Giê-su rồi đấy à?

Câu hỏi ngây thơ của đứa cháu làm tôi tỉnh ngộ. Thật đúng là Chúa đã dùng một đứa bé mới có bốn tuổi làm nhân chứng cảnh tỉnh tôi và nhắc nhở tôi. Tôi đã lập tức cầu nguyện ngay trước mặt đứa cháu. Và từ đó tới nay, tôi không bao giờ quên cầu nguyện trước khi đi ngủ nữa.

TÂM HỒN TRẺ THƠ
(THỨ BẢY TUẦN 7 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 7 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta: hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm luôn tìm nương ẩn bên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên đã cho thấy: Vào cuối đời, cái gì chờ đợi chúng ta? Đâu phải là niềm vui của người được thỏa chí toại lòng, sau một chuỗi ngày dài hạnh phúc, nhưng là, nỗi luyến tiếc những năm tháng đã qua, và nỗi lo sợ khi cái chết mỗi ngày một đến gần hơn: Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng. Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm luôn hướng nhìn lên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Arighentô đã nói: Mọi niềm hoan lạc đều do Đấng là Mặt Trời soi đường công chính, ban cho những ai ngắm nhìn Người, như lời ngôn sứ Đavít: Những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Chúa đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng, và đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm.

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm luôn đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 140, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu xin: Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con. Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều. Lạy Chúa là Chúa Tể, con ngước mắt nhìn Ngài, bên Ngài con ẩn náu, đừng để con thiệt mạng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. Tâm hồn đơn sơ bé nhỏ là tâm hồn luôn mở lòng ra trước Chúa, tìm nương ẩn bên Chúa, và luôn ngước mắt nhìn lên Chúa với niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối, như con thơ hướng nhìn Cha hiền. Ước gì chúng ta biết đặt bàn tay bé nhỏ của mình vào lòng bàn tay Chúa, để Chúa có thể dắt chúng ta đi qua những nẻo đường, mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới, dù có phải vượt qua bão tố mưa giông, chúng ta vẫn vững dạ an lòng, như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ. Ước gì chúng ta biết để cho Chúa làm chủ mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta, để mọi suy nghĩ, nói năng, và hành động của chúng ta luôn thuận theo ý Chúa, hầu chúng ta có thể làm đẹp ý Chúa trong mọi sự, như Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình, trong suốt Tuần 7 Thường Niên này. Ước gì được như thế!

HỒN NHIÊN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

“Hầu hết những gì thực sự cần biết về cách sống, tôi đã học được ở nhà trẻ. Trí tuệ không nằm trên đỉnh núi của các trường cao học, mà ở trong mấy hộp cát của trường mẫu giáo. Hồn nhiên và lành mạnh biết bao!” - Robert Fulghum.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Fulghum được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Thật thú vị, Chúa Giêsu lấy trẻ em để lưu ý người lớn! Ngài chỉ ra cách thức đón nhận Nước Thiên Chúa như tính cách của trẻ em: không dè giữ, ngờ vực nhưng cởi mở, vui tươi và ‘hồn nhiên’.

Thế giới ngày càng ‘vong bản’ vì những ham muốn sai lầm của con người. Thèm muốn nhục dục có xu hướng chiếm hữu và thống trị nền văn hoá của chúng ta theo cách gần như bình thường, khi con người coi người khác là đối tượng của ham muốn. Tội lỗi do dục vọng tràn lan, ảnh hưởng đến con người tới mức ràng buộc, đến nỗi nạn nhân không thể thoát ra. Kết quả đáng buồn là con người như đã mất đi những tình cảm trong sáng đối với tha nhân. Trong một nền văn hoá ‘vẩn đục’ như thế, bạn và tôi có thể dễ dàng nhìn thấy mọi thứ qua lăng kính vọng tưởng và vọng động.

Với Chúa Giêsu thì không! Ngài hồn nhiên với mọi người. “Cứ để trẻ em đến với Thầy”; “Rồi Ngài ôm lấy các trẻ, đặt tay chúc lành cho chúng”. Không chỉ các trẻ, một phụ nữ ngoại tình đã ‘bám lấy’ chân Ngài; một phụ nữ tiếng tăm khác “lấy nước mắt tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm đổ lên”; và Gioan tông đồ, người đã “tựa đầu vào lòng” Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Dẫu thế, tất cả vẫn lành mạnh và ‘hồn nhiên’. Bằng cách ấy, Tin Mừng tiết lộ sự thánh thiện của Chúa Giêsu vốn không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho tất cả mọi hạng người.  

Với Ngài, tình cảm phải được ‘thanh tẩy và cứu chuộc’ theo cách nó hiến dâng mà không một động cơ ích kỷ nào có thể len vào; và dĩ nhiên, không có những ham muốn rối loạn! Một khi điều này được thực hiện, thì cái ôm của cha mẹ, của một người bạn với một người bạn, của vợ hoặc chồng với người phối ngẫu… là một biểu hiện thánh thiện của một tình yêu trong sáng. Để có sự thánh thiện này, Giacôbê nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cho mình và cho người khác - bài đọc một. Chỉ trong cầu nguyện, bạn mới có thể ‘hồn nhiên’. “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay toả trước thánh nhan!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”. Đức Phanxicô nói, “Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phục vụ những kẻ bé mọn mà còn phải nhìn nhận mình là kẻ bé mọn. Đó là bước đầu tiên để chúng ta mở lòng với Chúa. Trong thịnh vượng, sung túc, chúng ta ảo tưởng rằng, mình tự cung tự cấp, rằng chúng ta không cần đến Chúa. Đây là sự lừa dối, bởi vì mỗi chúng ta là một kẻ bé mọn đang cần giúp đỡ. Phải ‘hồn nhiên’ tìm kiếm sự nhỏ bé của chính mình và nhận ra nó; ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lây nhiễm văn hoá thế tục; thay vào đó, cho con thể hiện một tình yêu thánh khiết với bất cứ ai, nó sẽ vị tha và ‘hồn nhiên’ như Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây