Lời Chúa THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 18/05/2024 19:35 |   63
“Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9,30-37)

21/05/2024
thứ ba tuần 7 THƯỜNG NIÊN

t3 t7 TN

Mc 9,30-37


ai lớn hơn ai?
“Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9,34)

Suy niệm: Chúng ta không lạ lẫm gì khi biết nhóm này nhóm nọ có lúc tranh dành xem ai lớn hơn ai. Việc tranh giành này có khi đưa tới chỗ đánh nhau vỡ đầu sứt trán; có lúc âm ỉ thù hận như lò thuốc súng chực chờ bùng nổ. Nơi các môn đệ ngày ấy cũng vậy, cãi cọ tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nhóm là căn bệnh thuộc loại mãn tính: trong nhà, ngoài đường, thậm chí cả trong Bữa Tiệc ly. Thầy Giê-su kiên nhẫn đợi đến nhà mới hỏi các ông; khi các ông làm thinh, Ngài cũng chẳng ép các ông phải trả lời. Là thầy thuốc tâm hồn tài giỏi, Ngài chữa trị căn bệnh mãn tính của học trò bằng cách dạy các ông hiểu thế nào là đứng đầu trong Nước Trời; minh họa làm người rốt hết cách cụ thể qua hình tượng một em nhỏ; cuối cùng, đồng hóa mình với em nhỏ, hình tượng người rốt hết ấy. Sau này, Ngài còn quỳ hẳn xuống rửa chân cho các môn đệ, làm công việc của đầy tớ, nêu gương rằng muốn làm lớn phải biết phục vụ mọi người, làm người rốt hết.

Mời Bạn: Có thể bạn sốc khi Chúa đảo lộn một số các giá trị ta quen hành xử. Thế mới biết đó là ý Chúa. Ý Ngài không phải lúc nào cũng như ta nghĩ, nhưng nâng tầm hiểu biết và ứng xử của lên tầm cao mới của người công dân Nước Trời. Là môn đệ Chúa, bạn có dám sống như Ngài dạy không, hay còn ngại ngùng, sợ sự phê phán của người khác?

Sống Lời Chúa: Làm một việc mọn hèn kín đáo để phục vụ trong cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con vì con cũng mắc căn bệnh mãn tính như các Tông đồ. Xin ban cho con thêm can đảm, được giải thoát khỏi những ràng buộc tầm thường của đời sống để vươn lên đỉnh trọn lành Chúa muốn.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 2, 1-13 (Hl 1-11)

“Hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu cám dỗ”.

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, khi con đến phụng sự Thiên Chúa, con hãy sống công chính và kính sợ, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Con hãy gìn giữ tâm hồn và chịu đựng. Hãy lắng tai nghe và nhận lấy lời dạy của lương tri; và đừng vội vã trong lúc cùng quẫn.

Con hãy nương tựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa và hãy liên kết với Người, và kiên nhẫn để con được thăng tiến trong ngày cuối cùng. Con hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho con và hãy kiên trì trong đau khổ, hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn: vì vàng bạc được thử trong lửa, còn những người được Chúa chọn, thì được thử trong khổ nhục. Con hãy tin vào Thiên Chúa, và Người sẽ nâng đỡ con; hãy cứ thẳng đường và hy vọng vào Người. Con hãy kính sợ Người và bền vững mãi như thế.

Hỡi những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông đợi lòng từ bi của Người, Các ngươi đừng rời xa Người kẻo phải sa ngã. Các ngươi là kẻ kính sợ Chúa, hãy tin vào Người và phần thưởng của các ngươi sẽ không mất đâu. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông cậy vào Người, thì người sẽ lấy lòng từ bi ban thưởng cho các ngươi được hân hoan. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy yêu mến Người, và lòng các ngươi sẽ được chiếu sáng.

Hỡi các con, hãy ngắm nhìn các dân thiên hạ, và hãy biết rằng không ai trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn. Vì có ai sống trong giới răn của Người mà bị ruồng bỏ đâu? Hoặc có ai kêu cầu Người mà Người chê chối đâu? Vì Thiên Chúa khoan hậu và nhân từ, và trong ngày nguy khốn, Người tha thứ tội lỗi; Người là Ðấng bênh vực tất cả những kẻ tìm kiếm Người trong chân lý.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40.

Ðáp: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và để chính Người hành động

Xướng: Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.

Xướng: Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no.

Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu: bởi vì Thiên Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành.

Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 4, 1-10

“Anh em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em. Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao? Vậy kẻ nào muốn thân thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: “Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt trong anh em, đến nỗi ghen lên”. Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng: “Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người khiêm nhường!” Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ, và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em. Hỡi những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.

Ðó là lời Chúa

Ðáp Ca: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23

Ðáp: Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).

Xướng: Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ. Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng.

Xướng: Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng.

Xướng: Vì tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường chúng đi dạo.

Xướng: Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không để người hiền lương muôn đời xiêu té.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36 (Hl 30-37)

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GẶP CHÚA GIÊ-SU NƠI NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Vào thời Chúa Giê-su, trẻ em thường không có vị trí và tiếng nói trong đời sống tôn giáo và xã hội. Đôi khi cha mẹ có thể hủy bỏ trách nhiệm pháp lý đối với một đứa trẻ và chúng có thể sẽ bị bỏ lại tại bãi rác địa phương, một khu vực “bỏ rơi an toàn”. Chế độ nô lệ là một phần của cuộc sống cổ đại. Trong trường hợp nô lệ để trả nợ, một đứa trẻ có thể phục vụ trong một hộ gia đình khác để trả nợ cho gia đình và sau đó trở về với gia đình của chính chúng.

Thật lạ là trong một bối cảnh xã hội như thế, Chúa Giê-su lại “đem một em bé lại đặt giữa các tông đồ, rồi ôm nó mà nói với các ông” (Mc 9,35). Hành động này của Chúa Giê-su cho thấy ngài có một thái độ hoàn toàn khác với trẻ em. Ngài quý trọng và quan tâm đến chúng trong khi xã hội không cho chúng điều đó. Hơn nữa, ngài còn đồng hóa bản thân của ngài với các em nhỏ này khi nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình thầy” (Mc 8.36).

Khi chọn một đứa trẻ để ôm ấp và giáo huấn các môn đệ, Chúa Giê-su cũng ám chỉ tới tất cả những người yếu thế và bị bỏ rơi khác trong xã hội. Những người nghèo khổ, đói khát và bị bỏ rơi cũng là những người không được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Họ cũng ở trong tình trạng thấp kém như các trẻ em thời Chúa Giê-su. Thế nhưng họ không hề nhỏ bé và thấp kém trong mắt Thiên Chúa. Thế nên, bất cứ khi nào chúng ta đón tiếp những người bé nhỏ, khó nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại… này là chúng ta cũng đang đón tiếp chính Chúa Giê-su và xa hơn là chính Thiên Chúa.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta khao khát gặp Chúa. Chúng ta ước ao kết hợp với Chúa. Chúng ta mong muốn được ở trong Chúa. Tin mừng hôm nay quả là một tin vui cho chúng bởi Chúa Giê-su cung cấp cho chúng ta một con đường khác để gặp ngài. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh thánh, làm các việc đạo đức, chúng ta cũng có thể gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, đói khát, và bị bỏ rơi ở ngay bên cạnh chúng ta. Ước mong chúng ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ thời cơ để gặp Chúa qua những anh chị em đáng thương này của chúng ta. Amen.

 

CHÚA NÓI VỀ TINH THẦN PHỤC VỤ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su đã mạc khải cho các môn đệ  Ngài là ai: Ngài là Đấng Mê-si-a đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại. Các ông chẳng hiểu gì mạc khải đó vì các ông vẫn quan niệm về một Đấng Mê-si-a vinh quang hiển hách. Vì thế trên đường đi các ông tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong nước của Ngài. Về đến nhà, Ngài hỏi các ông trên đường đã tranh cãi với nhau về cái gì, các ông không dám trả lời. Nhân dịp này Ngài dạy các ông: Ai muốn làm lớn, phải làm đầy tớ mọi người. Rồi Ngài dẫn một trẻ nhỏ đến giữa các ông mà phán: Ai đón nhận trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy và sống đơn sơ không tham vọng như nó là đón tiếp chính Thầy, và ai tiếp nhận Thầy là tiếp nhận Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

2. Tranh giành quyền lực là chuyện thường tình của thế gian, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có chuyện người thủ lãnh, kẻ thuộc hạ, người làm lớn kẻ làm nhỏ, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, người được danh dự kẻ bị quên lãng. Nhưng trong Giáo hội của Ngài, Đức Giê-su đã đưa ra nguyên tắc lãnh đạo: ai muốn làm người đứng đầu thì phỉ làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Đức Giê-su không chỉ phục vụ và hầu hạ, lại còn hầu hạ và phục vụ đến chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là thể hiện tột cùng của lãnh đạo và phục vụ. Vì thế, người được đặt làm thủ lãnh để phục vụ phải là người sằn sàng chết cho mọi người. Qui luật này có giá trị cho mọi Ki-tô hữu. Làm môn đệ của Đức Giê-su là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng.

Vì thế, ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Đức Giáo hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: Servus servorum”: tôi tớ của các tôi tớ. Đây là tinh thần mà Đức Giê-su muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo hội phải có, như được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

3. Bác sĩ Elizabeth Couplaros là giáo sư về môn tâm lý trị liệu tại đại học Chicago, Hoa kỳ. Một trong những tác phẩm bán chạy nhất của bà có tựa đề “Sự chết và Chết”. Cuốn sách ghi lại sự phỏng vấn của tác giả với hàng trăm người đã từng bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng bỗng dưng sống lại. Có thể nói người chết sống lại này đều cho biết rằng trong khoảnh khắc mà bác sĩ gọi là chết ấy họ như sống lại cả quãng đời của họ, cứ như thế họ xem lại cuốn phim về cuộc đời của họ. Khoảnh khắc ấy có nghĩa gì không? Bác sĩ Couplaros đã nhận định như sau: “Khi bạn trải qua khoảnh khắc ấy, bạn chỉ thấy có hai điều quan trọng trong cuộc đời, một là bạn đã phục vụhai là bạn sống yêu thương, còn tất cả những điều mà chúng ta xem trọng như danh tiếng, tiền của, uy tín và quyền lực đều vô nghĩa”.

4. Một điều nghịch lý cần chấp nhận.

Chúa phán: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Để các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Đức Giê-su đưa ra một dụ ngôn: Ngài đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp nhận một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho ai được cái gì. Ngài hàm ý nói rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng đón tiếp bản thân Ngài và khi người ta tiếp đón vì danh Ngài, một người yếu đuối, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tức đoạt nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

5. Truyện: Cần tinh thần phục vụ.

Những thuộc viên cao cấp của Bà-la-môn ở Ấn Độ không bao giờ cúi xuống làm việc của người đầy tớ. Vì thế Shirman Naraayan sốc làm sao khi ông được giao nhiệm vụ mà ông thấy như mình bị hạ thấp khi ông dành thời gian làm tại trung tâm Grandhi (là một trung tâm tĩnh tâm của người Hindu).

Tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Kinh Tế Luân Đôn, chàng thanh niên này đã đến tìm hướng đi cho tương lai. Chàng không biết rằng mọi người tại trung tâm này đều được giao nhiệm vụ cụ thể, và Shirman phải chùi nhà vệ sinh. Thấy bị xúc phạm ghê gớm, anh đi thẳng đến chỗ Grandhi và phàn nàn: ”Tôi có bằng tiến sĩ. Tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn, tại sao lại bắt tôi phải phí thời gian và tài năng vào việc lau chùi phòng vệ sinh vậy”? Grandhi trả lời: “Tôi biết anh có thể làm được nhiều việc lớn, nhưng tôi cũng phải xem thử anh có đủ năng lực để làm những việc nhỏ không đã”.

Có thể bạn đủ năng lực để phục vụ Chúa một cách đặc biệt. Qua nền giao dục bạn hấp thụ và ân tứ bạn có được, có thể bạn có khả năng làm những công việc lớn lao và hiệu quả. Nhưng bạn có sẵn lòng khiêm nhường làm những việc của đầy tớ nếu Chúa giao công việc đó cho bạn không? Bạn có sẵn lòng lau chùi nhà vệ sinh hay rửa chân cho người khác không (Ga 13,14-15)? Đó mới thật sự là điều một môn đệ vâng lời cần làm.

QUY HƯỚNG VỀ CHÚA
(THỨ BA TUẦN 7 TN, NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 7 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói, việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.

Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa, là thái độ hoàn toàn thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên đã cho thấy: Hoạt động của con người có thể dẫn đến những hậu quả hoàn toàn trái ngược nhau. Cách xử sự của Thiên Chúa, con người không thể hiểu được, cho nên, thái độ hợp lý nhất là: hạ mình chấp nhận tất cả những gì Người muốn. Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Bộ mặt thế gian này đang biến đi, thời gian chẳng còn bao lâu; vậy kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.

Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa, là thái độ quy phục quyền bá chủ của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nítxê nói: Tác giả sách Giảng viên nói: Có một thời để sinh ra và một thời để chết. Ngay từ đầu, ông đã dùng lời lẽ khéo léo để nói lên mối liên hệ thiết yếu đó, khi nối kết chuyện sinh tử với nhau. Quả thật, cái tử nhất thiết theo sau cái sinh, và mọi người sinh ra rồi cũng biến tan trong cái chết. Chúa cầm quyền sinh tử, Chúa đánh phạt, rồi Chúa lại chữa lành; không ai cứu khỏi tay Chúa được. Chúa giữ chìa khóa của tử thần và âm phủ.

Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa, là thái độ quy hướng mọi sự về Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 54, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này, khi kêu gọi: Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại việc các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Giêsu nói: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. Thập giá luôn là cớ vấp phạm đối với thế gian và với những người môn đệ của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã dùng nghịch lý của thập giá để đánh bại sự kiêu hãnh thế gian: Muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ; Phục vụ, chính là cai trị (servire est regnare). Ước gì chúng ta chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá của Đức Kitô, để chúng ta ngày một trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô vác thập giá, chịu sỉ nhục, chọn chỗ rốt hết, và sẵn sàng cúi xuống phục vụ, cho đến nỗi, bằng lòng chịu chết vì người mình yêu. Ước gì chúng ta luôn biết quy hướng mọi sự về Đức Kitô và thập giá của Đức Kitô trong tư tưởng, lời nói và việc làm, hầu, mọi suy nghĩ của chúng ta luôn hướng về những gì là thiêng liêng cao thượng, và mọi lời nói, việc làm của chúng ta luôn quy hướng về những gì đẹp ý Chúa. Ước gì được như thế!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây