Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 21/05/2024 19:12 |   170
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,1-12)

24/05/2024
thứ sáu tuần 7 THƯỜNG NIÊN

t6 t7 TN

Mc 10,1-12


hôn nhân linh thánh
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,1-12)

Suy niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Mô-sê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pha-ri-sêu còn “hỏi thử” Chúa Giê-su có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pha-ri-sêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giê-su cho biết hiện trạng của luật Mô-sê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.

Mời Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Ki-tô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chúc phúc và thánh hoá mối giây liên kết vợ chồng. Xin cho các gia đình trung thành với lời cam kết hôn nhân để nên nhân chứng tình yêu Chúa ở giữa thế gian.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 7 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Chúa cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 6, 5-17

“Không gì sánh được với người bạn trung thành”.

Trích sách Huấn Ca.

Lời nói ngọt ngào gia tăng số bạn hữu và thoa dịu những kẻ thù; lưỡi êm dịu nơi người hiền tăng thêm hoà khí.

Ngươi nên có nhiều bạn hữu, nhưng chỉ nên chọn một trong ngàn người làm cố vấn.

Nếu ngươi có được người bạn hữu, hãy thử thách rồi hãy nhận, và đừng dễ dàng tin tưởng người đó. Vì có thứ bạn hữu chỉ thân trong lúc vận hên và không trung thành trong cơn khốn khó. Có thứ bạn hữu sau trở thành thù địch. Có thứ bạn hữu tiết lộ những chuyện oán thù, tranh chấp và ghen tương của ngươi. Có thứ bạn hữu chỉ thân lúc ở bàn ăn, gặp lúc gian truân không nhìn thấy bóng. Có thứ bạn hữu khi được thâu nhận sẽ trở thành bình đẳng với ngươi, vì tự do hành động trong những điều thuộc nội bộ nhà ngươi. Nếu ngươi bị người ta hạ nhục, hắn sẽ phản lại ngươi, và hắn sẽ xa tránh mặt ngươi. Ngươi hãy xa lánh kẻ thù và hãy đề phòng với bạn hữu.

Người bạn trung thành là chỗ dung thân vững chắc. Ai gặp được người bạn hữu như thế, là gặp được kho báu. Không có gì sánh được với người bạn trung thành, không số lượng vàng bạc nào có thể cân nặng hơn lòng trung tín tốt lành của người bạn đó. Người bạn hữu trung thành là liều thuốc trường sinh bất tử. Những ai kính sợ Chúa, sẽ gặp được người bạn đó. Ai kính sợ Chúa, người đó cũng có tình bạn tốt, vì người bạn hữu của người đó sẽ giống như người đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 12. 16. 18. 27. 34. 35.

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài

Xướng: Thân lạy Chúa, Ngài muôn phúc đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Con lấy thánh chỉ Ngài làm hoan lạc, và lời Ngài dạy, con chẳng dám quên.

Xướng: Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

Xướng: Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.

Xướng: Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.

Xướng: Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 9-12

“Kìa quan toà đã đứng trước cửa”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính tiến dâng lễ vật này, để tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, để lễ tế hôm nay đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Lạy Đấng Tối Cao, tôi sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, và sẽ đàn ca danh Chúa.

Hoặc đọc:

Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô- Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai ăn bánh này; giờ đây xin nhớ lại lời hứa mà ban cho chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CÓ ĐƯỢC PHÉP LY DỊ KHÔNG? (Mc 10,1-12)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Hôm nay thánh Mác-cô cho chúng ta biết: Đức Giê-su đến Ga-li-lê, dân chúng tấp nập kéo đến nghe Ngài giảng. Và nhóm biệt phái đến hỏi thử Ngài: chồng có được phép rẫy vợ không? Chúa  lại quay ra hỏi họ: Ông Mai-sen dạy họ làm sao? Họ thưa: Mai-sen cho phép họ ly dị vợ. Chúa liền bảo cho họ biết: tại vì lòng chai dạ đá của các ông mà ông Mai-sen phải buộc lòng cho phép họ làm như thế, chứ thực ra ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên người nam, người nữ và kết hợp họ nên một. Đó là điều Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly.

2. Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường đối ngược nhau về vấn đề ly dị này.

– Lập trường dễ dãi do rabbi Hillel đứng đầu chủ trương cho phép ly dị vì những lý do rất tầm thường.

– Lập trường khắt khe do rabbi Shammai đứng đầu chủ trương chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Hôm nay khi người biệt phái đến hỏi Đức Giê-su xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” – vì Đức Giê-su biết họ có ý gài bẫy Ngài sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hê-rô-đê – thì Đức Giê-su lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu Thiên Chúa sáng tạo loài người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau và Ngài nhắc lại câu: Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”.

3. “Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Mai-sen cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Đức Giê-su: Ông Mai-sen cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Mai-sen cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.

Như vậy, Đức Giê-su xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

4. Sự kỳ thị nam nữ trong luật Do-thái.

Sách Đệ nhị luật chương 24,1-3 có ghi: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, và sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ và chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.

Chúng ta thấy ngay có sự kỳ thị nam nữ trong luật ấy. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ.

5. Như vậy, ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam và một người nữ để thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu duy nhất và chung thủy: Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly”.

Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Đức Giê-su và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công giáo. Không ai có quyền hủy bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa. Luật ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc.

6. Truyện: Án Tử trung thành với vợ.

Án Tử, người nước Tề, là một người nổi tiếng thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh  tảo tần buôn bán để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của vợ.

Dù cuộc sống có đầy cạm bẫy, ông vẫn trung thành. Một hôm vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Án Tử liền giới thiệu đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, ông mới đề nghị với Án Tử: “Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự: “Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.

Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái của vua.

TỪ BI NHÂN HẬU
(THỨ SÁU TUẦN 7 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 7 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm quy hướng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên cho thấy: Đối với người Ítraen đạo đức, không có gì có thể so sánh với niềm tin vào việc Thiên Chúa thưởng phạt. Ấy thế mà, niềm tin đó cũng chỉ là phù vân, bởi vì, nếu thưởng phạt là chuyện chắc chắn, thì hậu quả của việc đó, mắt phàm chúng ta lại không thể lường được: Biết bao phen, ta thấy điều trái ngược trong cuộc sống: người công chính gặp tai ương; kẻ bất chính cứ thịnh đạt hoài. Phủ nhận việc thưởng phạt của Thiên Chúa là bắt ta đi tìm câu giải đáp cho vấn nạn, không phải trong cuộc sống trên trần gian này, nhưng là, một nơi khác, sau này, các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa đã mang lại ánh sáng chung cuộc cho chúng ta: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người. Con người không thể nhận ra mọi việc Thiên Chúa làm.

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm noi theo lòng từ bi nhân hậu của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Arighentô đã nhắc nhở chúng ta khi suy gẫm câu Thánh Kinh Gv 9,7: “Vậy cứ ăn cho vui vẻ, uống cho thoả thích, vì Thiên Chúa đã vui nhận những việc bạn làm”: Chúng ta hãy vui vẻ ăn bánh và hoan hỷ uống rượu, không dùng lời lẽ gian tà và mưu mô ám muội, nhưng đúng hơn, hãy luôn suy tưởng những điều ngay thẳng, và chừng nào có thể, hãy lấy lòng nhân từ và đại lượng mà trợ giúp những kẻ nghèo nàn thiếu thốn. Một khi tận tâm lo toan và hành động như thế, chắc hẳn chúng ta sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Tư tưởng, lời nói và việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói và việc làm vững tin vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Thiên Chúa là Đấng Chân Thật, chính Người là Đấng thấu suốt mọi sự, và biết rõ điều gì tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta chỉ thấy điều mắt thấy, còn Chúa nhìn thấy tận đáy lòng. Chúng ta thường oán trách Chúa, khi gặp những nghịch cảnh: bị hiểu lầm, bị oan ức, và chúng ta cũng thường chất vấn Chúa: Tại sao ác nhân cứ thịnh đạt hoài, còn người công chính thì cứ gặp tai ương hoạn nạn? Tại sao chúng ta cứ phải giữ lòng chung thủy, sống bên cạnh người chồng, người vợ chẳng ra gì? Khi đứng trước một hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể nói với Chúa: Nếu là con, thì con sẽ không để cho điều đó xảy ra. Chúng ta khôn hơn, giỏi hơn Chúa chắc? Ước gì khi đứng trước những vấn nạn, mà ta không thể chấp nhận được, thay vì, nổi loạn, khủng bố, chúng ta biết ngước nhìn lên thập giá, có Đấng đã bị kết án và bị giết chết cách bất công, để hiểu được phần nào Đấng từ bi nhân hậu luôn quan phòng mọi sự tốt đẹp cho ta. Ước gì được như thế!

KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”.

“Thập giá cũ giết chết con người, thập giá mới cứu sống nó; thập giá cũ kết án con người, thập giá mới chuộc lại nó; thập giá cũ huỷ diệt niềm tin vào thân xác, thập giá mới khích lệ nó. Tất cả tiết lộ một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa!” - A. Tozer.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Kế hoạch yêu thương’ của Thiên Chúa, một lần nữa, được bộc lộ qua Lời Chúa hôm nay. Cùng Tozer và Giacôbê, Thánh Vịnh đáp ca tóm tắt, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!” với kế hoạch của Ngài. Ngài tạo dựng con người có nam có nữ; Ngài có một ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác của nó, “Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”.

Các biệt phái đặt vấn đề với Chúa Giêsu, ‘Rẫy vợ hay không rẫy vợ?’. Câu hỏi này không đúng! Câu hỏi đúng là, “Chúa muốn hai người nam nữ yêu nhau thế nào?”. Sự khác biệt nằm ở trạng thái của trái tim! Người cởi mở, yêu mến Chúa, sẽ tìm cách yêu người phối ngẫu như ý muốn của Thiên Chúa; người khép kín - thường là nô lệ của tội lỗi - chỉ tìm ích kỷ và ý riêng mình. Mục tiêu của họ là biện minh cho những gì họ muốn: ‘Rẫy vợ!’. Tại sao? Bởi trái tim họ không sẵn sàng để sống trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa nhắm đến; điều Ngài nhắm đến trong hôn nhân là hai người “sẽ thành một xương một thịt”. Chúa Giêsu nói lên sự thật này và ban ân điển để chúng ta sống. Ngài thách thức chúng ta vượt quá những điều tối thiểu, vượt quá những điều “ngươi không được” để tiến xa hơn đến chỗ “Thiên Chúa muốn gì?”.

“Xác thịt” Thiên Chúa tạo ra là thánh, là đền thờ vốn được hoạch định cho sự sống vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu cũng đã trở nên “xác thịt” và sau đó, hiến tặng chúng ta. Chỉ trong Thánh Thể, chúng ta mới có thể tìm được ý nghĩa của xác thịt cũng như ý nghĩa ơn gọi yêu thương của chính mình, đó là ‘tự hiến vì sự sống người khác’. Bắt chước Thánh Thể, sự nên một bất khả phân ly của hôn nhân công bố chìa khoá của tình yêu, “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, một cuộc sống, một sở thích, một ơn gọi ‘tự hiến vì sự sống người khác’. Như thế, một đôi vợ chồng không thể nói về “bản thân tôi”, mà chỉ có thể nói về quà tặng “những gì Thiên Chúa đã kết hợp hai chúng tôi”. Đó là ‘kế hoạch yêu thương’ của Thiên Chúa!

Kính thưa Anh Chị em,

“Cả hai sẽ thành một xương một thịt!”. Thiên Chúa chúc phúc cho sự kết hợp này, nhờ đó, hai người được nên thánh. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, bạn và tôi hãy tự hỏi, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thế nào?”. Nhìn vào thập giá, chúng ta sẽ nghe câu trả lời “Yêu như Thầy yêu” và “Yêu đến cùng”. Đúng thế, Thánh Giá, Thánh Thể khích lệ và tiết lộ ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác từ Thiên Chúa! Trung thành với ơn gọi của mình - hôn nhân hay thánh hiến - ai ai cũng phải chiến đấu triền miên. Tự sức con người, không thể được; nhưng đừng quên, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”, Ngài chuẩn bị thần dược cho chúng ta qua các Bí tích. Hãy thường xuyên đến với Ngài, kín múc nguồn sức thiêng hầu có thể yêu đến cùng như Ngài đã yêu; nhờ đó, hoàn tất ‘kế hoạch yêu thương’ cho thân xác mình như Ngài hằng mong mỏi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thanh tẩy lòng kính trọng của con trước sự thánh thiêng của “Thân Xác” Chúa, thân xác con và thân xác anh chị em con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây