Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 30/09/2024 21:42 |   46
“Anh em hãy ra đi…. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,1-12)
03/10/2024
THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

 
t5 t26 TN

Lc 10,1-12

 
loan báo tin mừng, quyên ưu tiên số 1
“Anh em hãy ra đi…. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,1-12)

Suy niệm: Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những chiếc xe cứu thương hay xe chữa cháy bóp còi inh ỏi, đèn đỏ chớp nháy liên hồi, lao vun vút trên đường phố trong khi tất cả cả các phương tiện giao thông khác phải nhường đường tránh lối. Chúng ta biết rằng những xe đó có quyền ưu tiên vì đang thực hiện sứ mạng khẩn cấp liên quan đến sinh mạng con người. Chúa Giê-su dùng những ngôn từ rất mạnh để nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đó là công việc phải làm ngay, bất chấp cả hiểm nguy, làm trước các việc khác, dù phải hy sinh cả những mối quan hệ thân thiết nhất, phải làm cho bằng được, dù thiếu phương tiện hoạt động, và thiếu cả những nhu cầu cơ bản nhất để sống còn.

Mời Bạn: Bạn có thấy việc loan báo Tin Mừng ngày nay còn khẩn thiết hơn không? Bạn làm gì để dành quyền ưu tiên số một cho việc loan báo Tin Mừng? Bạn đang sống, đang làm việc giữa anh em lương dân, đó có phải là cơ hội để bạn biến các việc đời thường của mình thành lời rao giảng Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn tự nhắc nhở mình làm thật tốt việc đó với tinh thần truyền giáo loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chung quanh chúng con, còn nhiều người chưa nhận biết Chúa. Không thiếu sách vở, tranh ảnh về Chúa, nhưng chứng tá đời sống của các cá nhân và cộng đòan chúng con mới là những lời nói thuyết phục nhất. Xin Chúa gởi tới cánh đồng truyền giáo những sứ giả biết ghi dấu ấn Tin Mừng trong tất cả đời sống.

Ngày 3: Lạy Chúa! Đếm chuỗi hạt như đếm tháng ngày sống: Thời gian trôi qua như một cái búng tay, năm nào còn quan tâm được mất, tính toán bại thành, giờ đã tan thành mây khói. Đếm từng hạt chuỗi: trải qua bao năm tháng, thử thách bụi trần, xin cho tất cả tùy thuận theo ý Chúa, một đời thuận theo ý Chúa, chúng con mới được tự do tự tại. Với tràng chuỗi trên tay, miệng đọc lâm râm, trí lòng suy gẫm, tâm hồn chúng con sẽ trở nên an bình thơi thái. Xin cho chúng con biết bắt chước các cụ già: thường thích cả ngày đắm chìm trong Chuỗi Mân Côi, để cùng với Mẹ, đếm những ân huệ đời mình, kết thành tràng chuỗi tri ân cảm tạ. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
“Thầy Esdra mở sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!”

Trích sách Nơkhemia.

Trong những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.

Thầy thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc.

Nơkhemia là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.

Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta”.

Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: “Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn”. Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 19, 21-27
“Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp nói: “Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?

“Vì tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Chúa”. 
Xướng: Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con.
Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc:
Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

BẢY MƯƠI HAI MÔN ĐỆ ĐI TRUYỀN GIÁO (Lc 10,1-12)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin Mừng. Và mối ưu tư ấy đã được diễn tả  trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2).

Sau khi đã trang bị cho họ những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giê-su đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn  nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và trở về trong hân hoan. Đức Giê-su cho họ biết họ hãy vui mừng vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước Trời.

2. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Chúa muốn nơi họ là lòng tin tưởng tuyệt đối  vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 72 môn đệ được sai đi tay không. Chúa cũng không ra lệnh cho họ đến các Hội đường hay các ngã ba đường để rao giảng, nhưng là đến từng nhà và hội nhập vào đó, hiện diện như một phần tử trong gia đình, ăn những gì người ta dọn cho. Nhờ đó Tin Mừng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn, bởi vì Tin Mừng không còn là sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, mà là một sức sống từ người rao giảng truyền sang những người khác và đâm rễ sâu trong lòng họ (Mỗi ngày một tin vui).

3. Bảy mươi hai môn đệ là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giê-su đã nói: Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Ki-tô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi mình nỗi lo âu của Đức Giê-su trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng sẽ làm nảy sinh những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas).

4. Ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giê-su đặt công việc truyền giáo trong cái nhìn cấp bách và khẩn thiết. Cho nên Chúa tuyển chọn 12 tông đồ và sau đó là 72 môn đệ, huấn luyện và sai đi truyền giáo. Hội thánh ngày hôm nay cũng không ngừng tiếp tục mời gọi những người thành tâm thiện chí tiếp tục ra đi loan báo sứ điệp tình thương và ơn cứu độ của Chúa cho trần gian, qua mọi thời đại. Cần ý thức rằng, qua bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu cũng là một nhà truyền giáo, được sai đi để làm công việc của Chúa là cứu chữa các linh hồn (5 phút mỗi ngày).

5. Trong tinh thần ấy, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê hồi còn là sinh viên ở trường đại học Paris, đã nghe được lời mời gọi trở thành linh mục và sau đó ngài là một nhà truyền giáo ở Ấn-độ. Một trong những lá thư của ngài từ Ấn-độ vang vọng lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay. Đây là một phần của lá thư:

“Nơi đây, nhiều người không trở nên Ki-tô hữu được, chỉ vì lý do là không có ai sẵn sàng đảm nhận việc dạy dỗ cho họ về Chúa. Tôi thường nghĩ đến việc đi tới trường đại học ở châu Âu và kêu gọi những người thợ đến thu hoạch mùa ở Ấn-độ”.

6. Đức Giê-su đã kêu gọi và ngày nay Hội thánh cũng kêu gọi chúng ta hãy tích cực tham gia vào trong việc truyền giáo này. Đức Giê-su đã không dành riêng việc rao giảng Tin Mừng cho các Tông đồ, mà còn sai 72 môn đệ ra đi. Nói khác đi, Ngài muốn gửi sứ mạng rao giảng đến mỗi người chúng ta. Ước gì chúng ta luôn ý thức sứ mạng rao giảng đó, không những bằng lời nói mà nhất là bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ.

Nói một cách cụ thể, chúng ta có thể tham gia vào việc truyền giáo bằng cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo. Đây là một việc mọi người có thể làm bất cứ lúc nào. Cầu nguyện còn chứng tỏ lòng tin tưởng cậy trông của chúng ta, vì từ việc sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo, cho đến việc cứu độ thực sự là làm cho người ta chấp nhận Tin Mừng, trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ.

7. Truyện: Đôi tay của Chúa.

Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay Đức Quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng mình cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giê-su đã được dựng lên ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia.

– Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được. Vì các mảnh vụn lớp thì bị bể quá nhỏ, lớp thì đã bị nát thành như bụi.

Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn những người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều khách du lịch đến vùng này để được tận mắt xem hàng chữ đầy ý nghĩa. Các bạn có thể đoán được hàng chữ này không? Đó là “CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”.

NGUY HIỂM NHẤT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói!”.

“Ta là Mục Tử, sẽ thuần hoá những con thú dữ, sẽ biến sói thành chiên, biến những kẻ ngược đãi nên người trợ giúp những ai bị ngược đãi. Ta sẽ biến những kẻ làm hại các sứ giả của Ta thành những người chia sẻ các kế hoạch đạo đức của chúng. Ta tạo ra và phá huỷ mọi thứ. Không gì có thể chống lại ý muốn của Ta!” - Cirillô Alexandria.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi truyền giáo “như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Điều này có thể đáng lo ngại khiến chúng ta tự hỏi liệu Ngài đang sai họ vào một tình huống mà họ sẽ gặp nguy hiểm? Vậy điều ‘nguy hiểm nhất’ là gì?

Bình luận điểm này - như thánh Cirillô - thánh Ambrôsiô giải thích, “Không có lý do gì để các môn đệ phải sợ hãi, vì Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành luôn bảo vệ đàn chiên!”. Thật hữu ích khi suy gẫm về các loại nguy hiểm mà các môn đệ sẽ gặp phải trong sứ mệnh và tất cả các sứ mệnh trong tương lai; đồng thời, đối chiếu các mối nguy hiểm đó với hình thức ‘nguy hiểm duy nhất’ - ‘nguy hiểm nhất’ - chúng ta phải sợ.

Những “con sói” ở đây là một số lãnh đạo tôn giáo và dân sự tàn ác cũng như những ai sẽ từ chối sứ điệp. Nhìn vào các mối nguy do người đời mà Chúa Giêsu và các môn đệ gặp phải, chúng ta thấy đó là mối nguy bị ngược đãi. Nhưng đó không phải là “mối nguy” đáng sợ! Ngài không bao giờ khuất phục nó. Với Ngài, “mối nguy” thực sự chỉ là thứ gây tổn hại vĩnh viễn cho tâm hồn của một người, đó là “tội lỗi!”.

Tội lỗi và ‘chỉ tội lỗi’ mới có khả năng gây tổn hại thực sự chứ không phải ngược đãi hay thậm chí, cái chết. Vì vậy, khi sai môn đệ “như chiên con đi vào giữa bầy sói”, Chúa Giêsu hoàn toàn nhận thức sự ngược đãi mà họ sẽ phải chịu; dẫu vậy, Ngài vẫn sai họ đi, vì Ngài biết, cả khi cuối cùng họ phải chịu sự ngược đãi và cái chết, đức tin và lòng can đảm của họ giữa những điều đó sẽ giúp họ có được công trạng trong cuộc sống vĩnh hằng; họ sẽ trở thành công cụ ân sủng cho những người khác trong đời sống đức tin - “Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh người có đạo!”. Ngài không muốn họ sợ cái chết của thể xác hoặc danh tiếng thế gian - chỉ sợ cái chết của linh hồn - mà Ngài, với tư cách Mục Tử Nhân Lành, đã hết sức bảo vệ.

Kính thưa Anh Chị em,

“Như chiên con đi vào giữa bầy sói!”. Giữa bầy sói, bạn đừng ngạc nhiên nếu gặp phải sự khắc nghiệt, sự phán xét và thậm chí là sự ngược đãi dưới nhiều hình thức khác nhau. Hãy đáp lại bằng đức hạnh; giữ vững đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái luôn sống động trong cuộc sống và đừng sợ những kẻ có thể làm hại bạn theo những cách không tồn tại mãi mãi. Thay vào đó, hãy vững vàng trong sứ mệnh yêu thương, chia sẻ lòng thương xót và chân lý của Chúa trong thế giới, bất kể hậu quả ra sao. Làm như vậy, bạn và tôi sẽ mang lại vô vàn phước lành bên trong của ân sủng và sẽ cho phép Thiên Chúa sử dụng chúng ta như một công cụ của ân sủng Ngài theo những cách vượt xa những gì bạn có thể hình dung.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sợ bất cứ điều gì trong hành trình sứ vụ. Dạy con biết sợ điều ‘nguy hiểm duy nhất’ - ‘nguy hiểm nhất’ - đó là tội lỗi!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây