Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH

Thứ hai - 29/04/2024 19:56 |   179
“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9-11)

02/05/2024
THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

t5 t5 PS

Ga 15, 9-11


ở lại trong tình yêu chúa
“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9-11)

Suy niệm: “Ở lại trong tình yêu của Chúa” thực ra có nghĩa là gì? Các nhà thần học nói đó là một ‘kinh nghiệm thần bí’ mà đại đa số chúng ta chỉ hiểu một cách lờ mờ. Câu trả lời của Đức Giê-su thật đơn giản để những tâm hồn đơn sơ nhất cũng có thể lĩnh hội: nó giống như tình trạng cành nho gắn liền với thân nho, nhận lấy nhựa sống từ thân nho để sống, nhờ đó cành nho có thể trổ sinh hoa trái. Nhất là, chỉ vì yêu thương - chỉ vì “Chúa Cha yêu mến Thầy, và Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”, - mà Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta được hưởng điều đó. Đồng thời, Ngài còn dạy chúng ta phương thế để có thể ở lại trong tình yêu của Ngài, đó là: “Hãy tuân giữ các điều răn của Chúa”. Thánh Gio-an cho biết: ai mến Chúa thì giữ các điều răn của Chúa, “mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu?” (1Ga 5,3).

Mời Bạn: ‘Yêu mến Chúa-thực thi lời Ngài-ở lại trong tình yêu của Ngài’ đó là một chuỗi liên hoàn duy nhất làm nên đời sống người Ki-tô hữu. Bạn có thể thực hành chuỗi liên hoàn ấy như sau: ngay khi thức giấc, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài thánh hoá ngày mới của mình; dành ít phút để suy niệm một câu Lời Chúa để mọi việc trong ngày, bạn thuận theo ý Chúa; thường xuyên tham dự thánh lễ và rước Chúa để bạn luôn có Chúa ở với bạn; và v.v… Bạn sẽ bắt đầu chuỗi liên hoàn đời sống Ki-tô hữu của bạn bằng việc gì?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút viếng Thánh Thể hoặc thinh lặng suy niệm 1 câu Lời Chúa và xin được ở lại trong tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ tình thương của Chúa cho chúng con và xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Người đáng ca tụng ngợi khen. Chúa là sức mạnh và là khúc ca của tôi, chính Người đã cho tôi được ơn cứu độ – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương thánh hoá chúng con là những người tội lỗi, đã giáng phúc cho chúng con là những người bất hạnh. Xin gìn giữ những ơn Chúa đã ban và củng cố những việc Chúa đã làm; này chúng con là những kẻ nhờ tin mà được nên công chính, xin Chúa ban sức mạnh giúp chúng con bền đỗ đến cùng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 15, 7-21

“Tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi đã cứu xét kỹ càng, Phêrô đứng lên nói: “Hỡi anh em, anh em biết rằng từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi để dân ngoại được nghe lời Phúc Âm do miệng tôi và tin. Thiên Chúa đã thấu biết các tâm hồn và đã minh chứng bằng cách ban Thánh Thần cho họ, như đã ban cho chúng ta; Người không phân biệt chúng ta với họ, vì dùng đức tin thanh tẩy tâm hồn họ. Vậy giờ đây sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi? Nhưng chúng ta tin rằng nhờ ơn của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được cứu độ cùng một thể thức như họ”. Tất cả đám đông đều im lặng, rồi họ nghe Barnaba và Phaolô kể lại bao nhiêu phép lạ, và việc kỳ diệu Thiên Chúa đã nhờ các ngài mà thực hiện giữa các dân ngoại.

Khi hai ngài dứt lời, Giacôbê lên tiếng nói rằng: “Hỡi anh em, hãy nghe tôi. Simon đã thuật lại cách thức Thiên Chúa trước tiên đã thương chọn cho danh Người một dân giữa chư dân. Lời các tiên tri cũng phù hợp như vậy, như đã chép rằng: “Sau đó Ta sẽ trở lại và tái thiết lều của Ðavít đã sụp đổ. Ta sẽ tu bổ những chỗ hư hại và sẽ dựng nó lên, để các kẻ còn lại và tất cả dân ngoại kêu cầu danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán và thực hành các việc đó. Từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm”. Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa, nhưng truyền cho họ kiêng những ô uế của tượng thần, đừng gian dâm, và kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng máu. Vì chưng từ thời xưa người ta đã rao giảng Môsê trong mỗi thành, họ đọc sách của người mọi ngày Sabbat trong các hội đường”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 10

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng:  Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Alleluia: Ga 16, 17 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 9-11

“Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa đã thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi thật kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới, nhờ kết hợp với Ðức Kitô phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Chúa Giê-su yêu con người với tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài tha thiết mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu thương của Ngài.

Giống như sự liên kết giữa cây nho và cành nho, động từ “ở lại” diễn tả một sự kết hợp mật thiết, thân tình của con người với Chúa Giê-su. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể “ở lại” trong tình thương của Ngài. Chúa đã chỉ cho chúng ta con con đường cụ thể: đó là tuân giữ các điều răn của Chúa, là những đòi hỏi căn bản và nền tảng cho nếp sống của người tín hữu. Tuy nhiên, tất cả giới răn này đều quy hướng về tình yêu thương (x. Mt 22,34-40) và suy cho cùng, Chúa Giê-su muốn chúng ta “ở lại” trong tình yêu của Ngài, nghĩa là hãy sống với tình yêu mà Ngài đã yêu chúng ta, tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,12-13).

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong một bài giảng tại nhà nguyện Thánh Mác-ta đã giải thích rằng việc Chúa Giê-su mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu của Ngài bởi vì trong cuộc sống hôm nay còn có nhiều tình yêu khác đang lôi cuốn chúng ta: tình yêu tiền của, tình yêu danh lợi, tình yêu vị kỷ, tình yêu quyền lực… Nhưng tất cả những tình yêu này không phải là tình yêu của Chúa Giê-su, không phải là tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúng chỉ làm cho chúng ta dần rời xa tình yêu của các Ngài.

Là người tín hữu, mỗi chúng ta được mời gọi ý thức tình yêu cao cả mà Đức Giê-su đã dành cho chúng ta. Trong mỗi Thánh Lễ, qua bàn tay linh mục, hy tế thập giá xưa kia của Chúa được tái hiện lại để ban Mình và Máu Thánh, dưới hình bánh rượu, là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta. Mỗi khi rước Mình Thánh Chúa, chẳng phải chúng ta đang “ở lại” trong tình thương của Ngài? Xin đừng để những thói xấu, tội lỗi của trần gian làm cho chúng ta trở nên bất xứng với ân huệ cao vời mà Ngài đã dành cho chúng ta.

 

NẾU… THÌ SẼ…!
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.

Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình… Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.

Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng… đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót… Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?

Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!

Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Hoặc đọc:

Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục A-tha-na-xi-ô được can đảm đứng lên bên vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Ðức Ki-tô, Con Một Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết nghe lời người giảng dạy để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật chúng con dâng tiến trong ngày kính nhớ thánh A-tha-na-xi-ô. Xin cho chúng con được cùng với thánh nhân tuyên xưng đức tin vẹn toàn để được hưởng nhờ ơn cứu độ Chúa đã hứa cho những người làm chứng cho chân lý. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã cùng với thánh A-tha-na-xi-ô vững vàng tuyên xưng Ðức Giê-su là Thiên Chúa thật. Ước gì Con Một Chúa, qua bí tích Thánh Thể ban cho chúng con sức mạnh và sức sống dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo thời gian, thánh Athanase là tiến sĩ đầu tiên trong số tiến sĩ và Giáo phụ của Hội thánh. Các Giáo Hội Coptes và Byzantin từ lâu đã kính nhớ thánh nhân vào ngày 2 tháng 5. Lễ này được các tín hữu ở Pháp biết đến vào thế kỷ XII và tại Rô-ma vào thế kỷ XVI mà thôi.

Thánh nhân là người Ai Cập, gốc Alexandrie, sinh vào cuối thế kỷ thứ III. Khoảng năm 313, giám mục Alexandrie bảo trợ cho ngài và như thế, cậu thanh niên Athanase được gia nhập vào hàng giáo sĩ tại Alexandrie. Ngài biết nói tiếng cổ Ai Cập, tiếng Hy Lạp bình dân và Hy Lạp cổ điển. Khoảng năm 320, ngài viết tác phẩm đầu tay: Luận thuyết về Lương dân và Ngôi Lời Nhập Thể, trong đó, một trong các chủ đề chính được phát biểu như sau: “Công cuộc cứu rỗi không phải do từ một kẻ chết, mà do từ một Đấng sống động là Thiên Chúa”.

Năm 325, sau khi làm phó tế được 5 năm và thư ký cho giám mục thành Alexandrie, ngài được tham dự Công đồng chung thứ nhất tại Nicée (ngày nay là Isnik, ở Thổ Nhĩ Kỳ). Công đồng chung này được triệu tập “nhằm tái lập sự hiệp nhất đang bị đe dọa nặng nề”. Thật vậy, linh mục Arius đã truyền bá một lạc thuyết, chủ trương “Ngôi Lời Thiên Chúa không hiện hữu từ đời đời, nhưng được Thiên Chúa Cha sinh ra trong thời gian”. Lúc ấy, Athanase còn là một phó tế trẻ ba mươi tuổi, đã nổi bật như một nhà vô địch, đấu tranh cho đức tin chính truyền. Nhờ tài hùng biện và sức thuyết phục, ngài được nhóm lạc giáo Arius nể sợ.

Sau cùng, ngày 19 tháng 6 năm 325, đúng theo chiều hướng của lời Athanase biện hộ, và sau khi công bố “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha”, Công đồng soạn thảo lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta được biết như ngày nay, dưới tên gọi là “Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée”: “Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất… Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô…”

Athanase được bổ nhiệm làm giám mục Alexandrie lúc ba mươi lăm tuổi. Nhưng cuộc khủng hoảng do nhóm Arius gây nên vẫn tiếp tục gia tăng, khiến ngài phải sống một cuộc đời lưu đày. Trong bốn mươi năm làm giám mục, ngài phải sống mười tám năm lưu đày: ở Trèves bên nước Đức, tại Rôma, rồi sa mạc Ai Cập… Tuy nhiên, bất chấp tất cả, thánh tiến sĩ vẫn viết được một tác phẩm đáng kể: Luận thuyết chống bè Arius; Chống lương dân; Bàn về Ngôi Lời Nhập Thể; Thư gửi Épictète; Thư gửi Sérapion; Các thư mục vụ… và cuốn Tiểu sử thánh Antôn là tác phẩm ưa chuộng nhất và là cuốn sách mẫu mực về hạnh các thánh. Bộ sách quí giá này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết và phổ biến lối sống đan tu lúc khởi đầu.

Athanase qua đời đột ngột trong đêm 02 rạng ngày 03 tháng 05 năm 373, thọ bảy mươi tuổi, trong khi được thánh Basile thành Césarée khuyến khích, ngài đang tích cực chăm lo tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội Antiochia.

Thông điệp và tính thời sự

a. Phụng Vụ tôn vinh lòng trung tín của thánh Athanase, là người bảo vệ tuyệt vời đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như Công đồng Nicée xác định: “Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Quả vậy, tiền xướng nhập lễ trích dẫn lời Kinh thánh: Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ phục vụ theo lời Ta và ý muốn của Ta (1 Sm 2,35).

Qua lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa cùng Chúa, là Đấng “đã chọn thánh giám mục Athanase để bênh vực niềm tin của Hội thánh về thiên tính của Đức Kitô, Con Một Chúa”. Như thế, chúng ta làm nổi bật công đức lớn lao nhất của vị thánh tiến sĩ này: gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lạc thuyết Arius, với một quyết tâm kiên cường, lúc nhu lúc cương, ngài đã góp phần đem lại chiến thắng cho đức tin tông truyền, vì thế đã mở một khúc ngoặc mới trong lịch sử Kitô giáo.

b. “Cùng với thánh Athanase, chúng con tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật...” (Lời nguyện hiệp lễ). Thật vậy, con người không thể được cứu rỗi, nếu Đức Kitô không là Thiên Chúa thật. Vì thế, Athanase nói: “Thiên Chúa làm người để con người được nên giống Thiên Chúa”. Việc kết hợp Logos, Ngôi Lời của Thiên Chúa với con người Giêsu làm cho toàn thể nhân tính cũng phần nào mang tính chất của “lời” (chống bè Arius III,3). Vì vậy bài đọc một trong Thánh lễ đã được trích dẫn từ 1 Ga 5,1-5: Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra… Vậy ai thắng được thế gian? không phải là người đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa sao?

Niềm tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và là người thật – là trọng tâm Kinh Tin Kính của Hội thánh.

Enzo Lodi
 

HIỂU BIẾT VÀ YÊU MẾN CHÚA HƠN
(THÁNH ATHANAXIÔ 02/05)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Athanaxiô, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh giám mục Athanaxiô được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Đức Kitô, Con Một Chúa. Xin nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng ta biết nghe lời người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

Thánh nhân sinh năm 295 tại Alêxanria. Người cộng tác, rồi kế vị giám mục Alêxanria. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại Công Đồng Nixêa. Cũng vì đó, người bị công kích khắp nơi, nhưng, dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là, giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm để làm sáng tỏ và để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373.

Hiểu biết và yêu mến Chúa hơn: càng nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng yêu mến Người hơn; càng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng hiểu biết hơn về những kỳ công Chúa đã thực hiện vì chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền đã dùng các hình ảnh để cho thấy trước: công trình tạo dựng cuối cùng sẽ thành công rực rỡ. Sau khi đau khổ, tội lỗi, chết chóc được chấp nhận và thay hình đổi dạng nhờ Chúa Kitô, thì kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện mỹ mãn.

Hiểu biết và yêu mến Chúa hơn: thánh Athanaxiô càng hiểu biết về thần tính của Đức Kitô, thánh nhân càng yêu mến Đức Kitô, và càng mạnh dạn bảo vệ tín điều này, cho dẫu, phải đối mặt với biết bao bắt bớ, đày ải. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã làm sáng tỏ mầu nhiệm Thiên Chúa là người. Chúa đã dùng thánh nhân như dùng ngôn sứ Giêrêmia: Ngươi sẽ nên như miệng của Ta; đối với dân này, Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi.

Hiểu biết và yêu mến Chúa hơn: Sau khi các Tông Đồ nghe thánh Phaolô và thánh Banaba thuật lại các dấu lạ điềm thiêng, Thiên Chúa đã dùng các ngài, mà làm giữa các dân ngoại, thì các Tông Đồ hiểu biết hơn về công trình cứu độ của Thiên Chúa, vì thế, trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô và các Tông Đồ đã quyết định: Không gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại mới trở lại đạo nữa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia cũng khao khát cho muôn dân được nhận biết Chúa qua những kỳ công Chúa đã làm, để họ có thể yêu mến Người hơn: Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm. Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Muốn yêu mến Chúa, chúng ta phải hiểu biết Chúa. Muốn hiểu biết Chúa, chúng phải nghe và làm theo những gì Chúa dạy. Càng hiểu biết, sẽ càng yêu mến; càng yêu mến, sẽ càng hiểu biết. Không phải chúng ta làm theo những gì Chúa dạy, để trở thành con cái Thiên Chúa, nhưng, bởi vì, chúng ta đã là con cái rồi, cho nên, chúng ta phải sống xứng đáng với phẩm giá đó. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Athanaxiô, xin Chúa cho chúng ta: có được hiểu biết đúng đắn: Chúa là Cha, chúng ta là con cái, để chúng ta luôn biết yêu mến Chúa hơn. Ước gì được như thế!



NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy!”.

“Chúa Kitô là đầu, Giáo Hội là thân mình Ngài. Đầu phải có một thân! Để làm công việc của Chúa Kitô - đúng theo nghĩa đen - Giáo Hội là đôi tay; để lên đường rao truyền Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi chân; để công bố Lời Chúa Kitô, Giáo Hội là tiếng nói. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội; chống đối Chúa Kitô, thì không chỉ chống đối Ngài, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!” - William Barclay.

Kính thưa Anh Chị em,

Khi nói “Ở lại trong tình thương của Thầy”, Chúa Giêsu không chỉ nói đến tình yêu của chúng ta đối với Ngài; ‘nhưng còn là Giáo Hội’ Ngài đã thiết lập và hết sức yêu thương!

Như Evà hình thành từ cạnh sườn Ađam, Giáo Hội hình thành từ cạnh sườn Chúa Kitô. Giáo Hội và Chúa Kitô là một! Bạn không thể nói, “Lạy Chúa, vâng! Và Giáo Hội, không!”. Chính nhờ Giáo Hội, bạn và tôi chào đời trong đức tin, lãnh nhận bao ân tứ đức tin và lớn lên trong đức tin.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay đúc kết ‘sắc dụ’ của ‘Công Đồng đầu tiên’ về việc “Cắt bì hay không cắt bì!”. Các tông đồ - bản quyền đại diện Chúa Kitô - vốn không phải là một tổ chức thuần tuý nhân loại, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Thánh Thần - với sự trợ giúp của Ngài - đã tìm ra giải pháp tối ưu cho nan đề này! Giáo Hội đã tránh được những thực hành không là trọng tâm của đức tin; cùng lúc loại bỏ những gì không thiết yếu. Nguyên tắc vàng ‘khoan dung’ được tuân thủ từ cả hai phía ‘bảo thủ’ và ‘tiến bộ’; nhờ đó, Giáo Hội hiệp nhất và Tin Mừng tiếp tục toả lan, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Với những con người đầu tiên đó, Chúa Kitô xây nên Toà Nhà Hội Thánh; và hơn 2.000 năm qua, luôn có các đấng kế vị bảo tồn, canh tân và lưu truyền. Vì thế, Chúa Kitô muốn chúng ta yêu thương các Giám mục, Linh mục; đặc biệt, Đức Thánh Cha, đại diện Ngài. Chúng ta cần biết những giáo huấn ngài dạy, khó khăn ngài gặp… để hiệp thông, cầu nguyện cho ngài. Chỉ cần một chút quan tâm, một chút thời gian, bạn có thể tiếp cận ngài; có thể biết các khó khăn của các mục tử, cả sự kiên trì của họ. Chính nhờ các ngài, Thánh Thể, các Bí tích hiện diện khắp nơi. Hãy cám ơn Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục; cám ơn Giáo Phận, Giáo Xứ và cộng tác theo sức mình.

Kính thưa Anh Chị em,

“Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội!”. Đức Phanxicô nói, “Bạn không trở thành Kitô hữu từ phòng thí nghiệm; Giáo Hội sinh chúng ta như bà mẹ sinh con! Tại giếng Rửa Tội Latêranô, có một bản khắc Latin: “Nơi đây, sinh ra một dân tộc, dòng dõi Thiên Chúa, bởi Thánh Thần, Đấng làm nước này nên phong phú. Mẹ Giáo Hội sinh con cái trong sóng nước này!”. Đẹp không? Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc về một hiệp hội; nhưng như ‘cuống rốn’ nối kết sinh tử với mẹ mình!”. Mọi bà mẹ đều thiếu sót. Khi ai nói tới các thiếu sót của mẹ mình, chúng ta che lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi! Tôi có yêu Giáo Hội như yêu Mẹ tôi không? Tôi có giúp Mẹ tôi đẹp hơn không?”. Đừng quên, tôi càng thánh thiện, khuôn mặt Mẹ tôi càng xinh; tôi càng bất xứng, khuôn mặt Mẹ tôi càng khó nhìn! Mẹ tôi sáng láng hay lấm lem, tuỳ ở tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chỉ là con, ‘nhưng còn là Giáo Hội’. Con là Giáo Hội, Giáo Hội là Mẹ con. Đừng để con quên, khuôn mặt Mẹ con xinh đẹp hay lem luốc, tuỳ con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây