Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH

Thứ sáu - 26/04/2024 19:06 |   174
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,21-26)

29/04/2024
THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH
Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

t2 t5 PS

Ga 14,21-26


VÂNG LỜI VÌ YÊU MẾN
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,21-26)

Suy niệm: Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giê-su và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Ki-tô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.

Chia sẻ: Giữa một việc lành nhưng được làm cách miễn cưỡng và cũng việc đó nhưng được làm cách tự nguyện vì yêu mến, có sự khác biệt rất sâu xa. Bạn làm gì để nhận ra sự khác biệt ấy?

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hoặc một việc công ích mà bạn cảm thấy ngại ngùng để làm với tâm tình mến yêu phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không xét theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn xem cõi lòng. Xin cho con biết tìm gặp Chúa qua những người anh em và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH

 

Ca nhập lễ

Đấng chăn Chiên nhân lành đã phục sinh, Người đã phó mạng sống mình vì con chiên và đã đoái thương chịu chết vì đoàn chiên – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17

“Chúng tôi rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận, và rao giảng Tin Mừng ở đó.

Lúc ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được. Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: “Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân lên”. Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la to bằng tiếng Lycaonia rằng: “Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với chúng ta”. Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.

Nghe tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân chúng mà la lên rằng: “Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ”. Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế các ngài.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 113B, 1-2. 3-4. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người ta nói: “Thiên Chúa của bọn này ở đâu?”

Xướng: Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo.

Xướng: Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người.

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 21-26

“Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui nhận bao ý nguyện cầu, cùng với những lễ vật chúng con tiến dâng làm hy lễ. Chúa đã thương thanh tẩy chúng con, xin cũng ban ơn phù trợ giúp chúng con ăn ở thế nào cho xứng với tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho cac con không như thế gian ban tặng – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

YÊU MẾN THẦY LÀ GIỮ GIỚI RĂN THẦY
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi ngả đôi nơi. Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21). Thầy cũng nói rõ cho trò biết: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14. 23), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và sâu sắc! Lời ấy có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giê-su, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền.

Thực hành lời Chúa Giê-su dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi: Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa: Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung quy lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em.

Chúng ta hãy để ý đến thuật ngữ Đấng Bầu Chữa, Trạng Sư, hay Đấng An Ủi. Trong ngành tư pháp Do thái, vị luật sư hỗ trợ thân chủ của mình và tư vấn, vì khi bào chữa cho thân chủ là lúc luật sư cố gắng bảo vệ chính mình. Điều này ám chỉ về Chúa Thánh Thần. Người nâng đỡ các môn đệ trong hành động cũng như lời nói, “Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự” (Ga 14, 26).

Lạy Chúa Giê-su, chúng con nài xin Chúa xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, và ở trên chúng con như đã ở với các môn đệ Chúa, để dạy chúng con mọi sự.

 

BẰNG CHỨNG LÒNG MẾN CHÚA (Ga 14,21-26)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su tiếp tục cho các môn đệ biết hoàn cảnh sinh hoạt sau khi Ngài ra đi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Đức Giê-su muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thì hành Lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài.  Tình yêu biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.

Điều khát mong của Đức Giê-su được bày tỏ qua lời trăng trối: “Hãy yêu thương nhau”. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, chúng ta có thể yêu người khác như chính mình.

2. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.

Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là bằng chứng của lòng yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Đức Giê-su nhắc lại cách tích cực về điều kiện để được Chúa yêu mến và tỏ mình cho, đó là tuân giữ Lời Chúa. Kiểu nói “ở lại” diễn tả hiệu quả của sự liên hệ mới: không chỉ đơn thuần là sự kết hợp với Chúa Giê-su, nhưng còn sát nhập những kẻ giữ Lời Chúa vào trong mối liên hệ mới với Chúa Cha nữa. Như vậy, Ngài trả lời cho ông Giu-đa biết: Chúa tỏ mình ra cho hết bất cứ ai tuân giữ Lời Chúa, chứ không chỉ riêng các môn đệ.

3. Trong cuốn sách “The living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị thầy sắp lìa trần, ngài cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì yêu mến”.

Chúa Giê-su trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giê-su không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (Mỗi ngày một tin vui).

4. Tình yêu không bao giờ chỉ là một thứ tình cảm thuần túy nhưng tình yêu đòi buộc phải có hành động. Chẳng ai có thể nói “yêu” người khác mà không có bất cứ một ‘hành động” nào để biểu lộ tình yêu của mình. Mà “hành động” ở đây có nghĩa là tất cả con người của mình, cả hồn lẫn xác, cả khối óc và con tim, cả tình cảm cũng như việc làm. Chúng ta có thể tìm thấy gương mẫu diễn tả tình yêu bằng “hành động” như vậy nơi Chúa Giê-su. Ngài yêu mến Chúa Cha bằng việc vâng lời chấp nhận nhập thể, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trước lúc chia ly các môn đệ, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các ông phải diễn tả tình yêu của mình bằng hành động cụ thể, đó là: Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23).

5. Yêu là tuân giữ Lời của Chúa: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm xuông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là một nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như thánh Grégoire le Grand đã khẳng định: “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”.

6. Khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu Ngài bằng một tình yêu đơn sơ chân thành. Tình yêu của con người đối với người cha. Tuy nhiên, để tình yêu được nên trọn vẹn, chúng ta còn phải có chiều kích thứ hai, đó là yêu tha nhân như Chúa yêu. Tức là yêu hết mọi người không phân biệt. Yêu người thương mình và yêu cả người ghét mình. Chỉ có tình yêu như thế, mới đem lại cho ta hạnh phúc thực sự. Ngược lại, nếu chỉ yêu kẻ làm ơn cho mình, thì phải chăng là thứ tình yêu tự nhiên thuần túy.

7. Truyện: Thánh Phan-xi-cô Át-si-si và người bạn.

Thánh Phan-xi-cô Át-si-si có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế, anh chia sẻ với Phan-xi-cô rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường. Ngài dừng lại hỏi người hành khất: “Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không”?

Người hành khất trả lời: “Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phan-xi-cô quay sang nói với người bạn: “Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mặt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh không yêu mến Chúa sao”?


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Đây là trinh nữ thông minh, và là một trong số những người khôn ngoan, đã cầm đèn cháy sáng đi đón rước Chúa Kitô – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Ðức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Ðức Kitô để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhận lễ tế cứu độ chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Ca-ta-ri-na, và cho chúng con được thấm nhuần giáo huấn của người để thêm lòng sốt sắng cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Nếu chúng ta đi trong sự sáng, như Thiên Chúa ở trong sự sáng, thì chúng ta được hợp nhất cùng nhau, và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Chúa Kitô nuôi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc. Lương thực này, xưa đã đem lại cho thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na sự sống của thân xác, nay xin cũng làm cho chúng con được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…


Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày lễ nhớ Catherine de Sienne cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ qua đời tại Rô-ma 29.04.1380, ngay lúc bắt đầu cuộc đại ly khai tại Tây Phương (1378–1417). Bà được phong thánh năm 1461 và được tôn làm Đấng Bảo Trợ nước Ý năm 1939, cuối cùng được phong tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Catherine Benincasa là người con thứ hai mươi lăm và là con út của một gia đình thợ thủ công. Người sinh tại Sienne vùng Toscane, có lẽ vào ngày 25.03.1347. Thân phụ là thợ nhuộm và thân mẫu là con của một thi sĩ. Bà có một tâm hồn thấm nhuần tinh thần thần bí sâu sắc và là “thần đồng kỳ diệu”, được Chúa ban cho những cảm nghiệm siêu nhiên từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thánh nữ nói đã “nhìn thấy” Đức Kitô và Mẹ Maria và tự hiến cho Thiên Chúa khi cử hành cuộc “hôn nhân thần bí” với Đức Giê-su lúc tám tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Catherine say mê đời sống cô tịch, khổ chế cùng kinh nguyện và được thâu nhận vào Dòng Ba Đa-minh ở Sienne, thường được dân chúng gọi là “Mantellate”. Như thế, chị thực hiện được giấc mộng xưa của mình: “Tôi muốn trở thành Nữ tu Đa-minh để rao giảng đạo Chúa và hoán cải những người lạc giáo”.

– Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Catherine qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và quận Venaissin. Họ đọc Kinh thánh, cùng nhau suy niệm, nghiên cứu các nhà thần bí và thần học của Tôma Aquinô cùng ngâm thơ trong tác phẩm “Hài kịch thần linh” của Dante … Ba môn đệ làm “thư ký” cho người – trong đó có Raymond de Capoue. Họ tuyển tập, sắp xếp và biên soạn tập nhật ký linh đạo của Catherine vì Bà không biết viết.

– Giai đoạn lịch sử trong đời Catherine được đánh dấu bởi việc các Giáo Hoàng sống lưu vong tại Avignon (1309 – 1376). Người ta gọi giai đoạn đáng buồn này là “Cuộc lưu đày Babylon lần thứ hai”. Thế nhưng, chính nhờ những lời nài nỉ của thánh Catherine de Sienne mà Đức Giáo Hoàng Grégoire XI chấm dứt cuộc “lưu đày” này. Bà đã viết cho Đức Giáo Hoàng vào năm 1371 như sau:

“Vậy xin Đức Thánh Cha hãy lắng nghe lời Đức Giêsu Kitô nói với ngài: Triều đại ngươi ở trần thế làm hại đến Thiên triều của Ta … Vì thế ngươi hãy trở lại Rôma, trở lại Giáo Tòa của ngươi càng sớm càng tốt”. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1376, thánh nữ đến Avignon với sự hộ tống của các tu sĩ thuộc “Gia đình” Dòng tu của mình. Ba tháng sau, khoảng cuối năm, Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.

– Vào ngày Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1378) qua đời và dịp bầu cử Đức Urbain VI, cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417) bùng vỡ. Đối lập với Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI ở tại Rôma, người ta đặt một Phản Giáo Hoàng khác, Đức Clément VII (1378 – 1394). Vị này tổ chức giáo triều của mình tại Avignon và được nước Pháp cùng vài nước đồng minh ủng hộ. Catherine de Sienne công nhận Đức Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI, và tự hiến làm lễ hy sinh để đem lại an bình. Song các hoạt động của Bà đã không chấm dứt được các mối phân rẽ đang xâu xé Hội thánh và các dân tộc ở Châu Âu.

– Catherine de Sienne qua đời tại Rô-ma, lúc ba mươi ba tuổi, trong khi phục vụ vị Giáo Hoàng mà Bà gọi là “Đức Ki-tô hiền lành tại thế”. Với tư cách là người tư vấn cho các Giáo Hoàng, là “dolcissima mamma” (mẹ rất hiền) cho “Gia đình” Tu sĩ lẫn giáo dân hằng tận tụy với Bà để phục vụ Tin Mừng, Bà được đặc ân lãnh nhận 5 dấu thánh, thánh nữ đã dâng hiến đời mình để chấm dứt cuộc đại ly giáo ấy.

– Ngoài vai trò chính trị và tôn giáo, Catherine de Sienne còn ảnh hưởng rất lớn đến nền Linh đạo thần bí, đặc biệt nhờ các tác phẩm của Bà: các Thư từ và cuốn Đối thoại được kể như là các tác phẩm cổ điển trong nền văn học Ý.

Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhắc đến tình yêu nồng nàn của thánh Catherine khiến Bà tha thiết chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu khổ nạn và hăng say phục vụ Hội thánh.

Catherine cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và dịu dàng, Chúa đang ở nơi nào, trong khi hồn con đang phải chịu đựng muôn vàn đau đớn như thế này ? – Đức Giêsu trả lời: Ta ở sâu thẳm trong lòng con. Quả thật, Ta không bao giờ rời xa tâm hồn của các bạn bè Ta… Ta ngự trong tâm hồn con cũng như Ta ở trên thập giá, trong một trạng thái đau đớn và hạnh phúc”. Trong cuộc đối thoại liên tục với “Đấng yêu dấu” đã có lần nói với thánh nữ: “Hãy nhớ đến Ta và Ta sẽ nhớ đến con”, thánh nữ chỉ biết lặp lại mỗi câu này: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Ngài ! Con chỉ yêu một mình Ngài”. Những lời sau cùng của Catherine cho thấy cả cuộc đời mình “tràn ngập tình yêu Thiên Chúa” nồng nàn: “Lạy Đấng con yêu mến, Ngài đã gọi con, giờ đây con xin đến ! Con đến mà không mang theo công trạng gì trong tay, nhưng chỉ trông chờ lòng nhân lành và quyền năng do Máu Thánh Chúa đổ ra”.

Tình yêu nhiệt nồng của Catherine là nguồn của mọi hoạt động khi Bà tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các Hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng ... “Tôi là Catherine, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của bà, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người...”

Một giáo thuyết chắc chắn và thâm sâu xuất phát từ tâm hồn Catherine và được diễn tả bằng các hình ảnh và biểu tượng như sau: “Đức Giêsu phán: Làm sao các tôi tớ của Ta ở đời này có được các vật bảo chứng cho cuộc sống đời đời ? Quả thật, Ta nói với con: họ có được khi nhận ra trong tâm hồn họ lòng nhân lành và chân lý của Ta. Sự nhận biết ấy là do Ta soi sáng trí tuệ và do đức tin là đôi mắt của tâm hồn chiếu soi… Ánh sáng đức tin khiến họ phân biệt, hiểu biết cùng noi theo con đường và giáo thuyết về chân lý là Ngôi Lời nhập thể” (Đối thoại chương 45).

b. Qua một lá thư, Catherine cổ vũ Hồng y Lune như sau: “Chính trong Máu châu báu của Đấng Cứu Thế mà chúng ta biết được chân lý dưới ánh sáng của đức tin rất thánh thiện… Thưa Cha kính mến, xin Cha hãy say mê chân lý. Như thế, Cha sẽ trở nên rường cột trong nhiệm thể Hội thánh”. Catherine mong ước Hội thánh trở thành một vườn hoa xinh tươi, trong đó chỉ có “Các bông hoa thơm ngát; vì các mục tử và các giám chức phải là những tôi tớ chân chính của Đức Giêsu Kitô, hằng chuyên cần hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các tâm hồn”. Vì thế, Catherine ý thức rằng mình “đến trần thế để xóa mờ gương xấu to lớn gây nên bởi cuộc ly giáo” nên thánh nữ đã cổ vũ Đức Giáo Hoàng Grégoire XI nhổ đi “Các bông hoa thối rữa, đó là các mục tử và bề trên đang làm hoen ố Hội thánh”.

c. Vậy Catherine đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu ? “Đức Giêsu nói với Bà: Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Bà vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm… Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài… Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc – Kinh sách).

– Bí quyết của sự khôn ngoan và nên thánh của Catherine de Sienne, tiến sĩ Hội thánh, được bày tỏ trong lời kinh khi chấm dứt cuộc Đối thoại của Bà với Cha muôn thuở: “Lạy Chúa là chân lý vĩnh cửu, xin cho con được mặc lấy Ngài, để con được đi qua cuộc đời hay chết này bằng niềm vâng phục đích thực đối với Chúa và dưới ánh sáng đức tin rất thánh thiện chiếu soi. Đó là nguồn ánh sáng khiến lòng con say sưa chiêm ngắm Chúa. Tạ ơn Chúa. A-men”

Enzo Lodi

THÔNG PHẦN KHỔ NẠN
(LỄ THÁNH CATARINA XIÊNA 29/04)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 5 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Catarina Xiêna, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhậm lời thánh nữ chuyển cầu mà cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa.

Thánh Catarina sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, say mê chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và hết mình phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh tổ phụ, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Ý, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Giáo Hội, và góp phần canh tân đời sống đạo đức. Chị đã viết nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Đến năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm Bổn Mạng nước Ý, rồi năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ghi tên chị vào số các tiến sĩ Hội Thánh.

Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, sẽ được cùng Người vinh thắng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là: “Lời của Thiên Chúa”. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa.”

Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, là thông dự vào sự khôn của thập giá, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Catarina Xiêna nói: Lạy Cha vĩnh cửu, điều này có nghĩa là Cha ban cho con được tham dự vào quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, sự khôn ngoan của riêng Con Một Ngài. Còn Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Ngài là Cha và từ Con của Ngài, lại ban cho con ý muốn, và nhờ đó làm cho con có thể yêu mến.

Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, là biết quy hướng mọi sự về Thiên Chúa, chứ không tìm vinh dự cho riêng mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô và thánh Banaba từ chối: không cho người ta tế lễ cho mình, và các ngài đã hướng lòng họ quay về với Thiên Chúa: Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 113, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi cầu xin: Lạy Chúa, xin đừng làm rạng rỡ chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ. Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên. Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành.

Câu Tung Hô Tin Mừng: mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta đến cùng Đức Kitô, để chúng ta chiêm ngắm tình yêu hiến tế của Người, cùng học với Người bài học hiền lành và khiêm nhường, để rồi, chúng ta dám mạnh dạn ra đi làm chứng cho Đức Kitô. Thánh Thần đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Catarina Xiêna, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang của Người. Ước gì được như thế!

NGẪU TƯỢNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”.

“Tội thờ ngẫu tượng là tội tôn thờ bất cứ thứ gì chỉ nên được sử dụng, hoặc sử dụng Bất Cứ Thứ Gì chỉ nên được tôn thờ!”. Những lời của thánh Augustinô đưa J. McMath đến kết luận, “Điều mà tôi sẽ cho đi bất cứ thứ gì để có, và không nhận bất cứ thứ gì để mất; đó là Thiên Chúa của tôi. Tôi không bao giờ tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật thú vị, rất hiển nhiên và khá bất ngờ. Rằng, con người luôn có xu hướng thờ ‘một thứ gì đó ít hơn Chúa!’, thờ ‘ngẫu tượng!’.

Tại Lystra, sau khi Phaolô chữa lành một người bại, một số người Lycaonia kết luận, “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Họ gọi Phaolô và Barnaba là thần; đồng thời, định đem bò và hoa để tế hai ngài. Phaolô xé áo mình ra và nói, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm!” - bài đọc một. Thấy được xu hướng ‘ngẫu tượng’ nơi họ, Phaolô chỉ cho họ biết phải tôn thờ ai! Phải tôn thờ Chúa là Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài, đừng thờ ‘một thứ gì đó ít hơn Chúa!’. Nói thay Phaolô, Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, lạy Chúa, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ!”.

Phải, con người luôn bị cám dỗ tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa! Một chủ nghĩa, một hệ tư tưởng, một thần tượng… có thể có một địa vị ‘gần như thần thánh’; và đôi khi, nó nhận được một lòng sùng bái lệch lạc vốn chỉ Thiên Chúa mới đáng có. Thờ ‘ngẫu tượng’ là tội căn bản, cội rễ mọi tội lỗi. Chính sức hấp dẫn của một thực thể nào đó, một con người nào đó, có thể là chất xúc tác để con người mọi thời coi nó như thần thánh. Theo lẽ thường, người Lycaonia sùng bái Phaolô và Barnaba. Họ chưa được soi sáng để điều chỉnh về các quan niệm đang có và các hành vi đang làm.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thừa nhận một nhu cầu cấp thiết mà các môn đệ của Ngài phải có. Đó là sự trợ giúp của Thánh Thần! Ngài nói, “Đấng Bảo Trợ sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Chính Thánh Thần sẽ dẫn dắt để ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi vào ‘ngẫu tượng’; giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn về tương quan mỗi người phải có đối với Chúa Giêsu, đối với Thiên Chúa, trên hành trình mỗi người cùng Ngài tiến về ‘Nhà của Cha’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Dẫu không la lên như người Lycaonia; nhưng khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thần thánh hoá những gì làm vui thoả, dễ chịu. Nó dẫn chúng ta đến một lối sống buông thả khi thoả hiệp với các giá trị thế tục; đó là những ‘ngẫu tượng’ khiến chúng ta tròn xoe đôi mắt, thán phục, mê mải; mụ mẫm và ngơ khờ chạy theo. Thuyết tương đối và chủ nghĩa tiêu thụ đang âm thầm hoặc công khai quyến rũ. Nó đầy hấp lực và tinh tế khiến chúng ta buông mình dõi theo mà không hay biết; từ đó, vô tình phá đổ các giá trị cao đẹp và linh thánh. Thấy trước điều đó, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần, Thầy Dạy tâm linh. Ước gì bạn và tôi biết đón nhận và yêu quý Quà Tặng vô giá này; đồng thời, ngoan nguỳ với Ngài, hầu không dễ buông mình cho việc tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘ngẫu tượng’ thường làm con hao tổn, mệt mỏi và lầm lạc. Cho con ‘dễ dạy’ với Thánh Thần hầu chỉ tôn thờ một “Giêsu”, ‘Một Ai đó’ nhiều Chúa nhất!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây