Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 06/06/2023 23:27 |   339
Khi Đức Giê-su rao giảng trong Đền thờ (…), đám người đông đảo nghe Người cách thích thú. (Mc 12, 35.37)

09/06/2023
THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Thánh
Epphrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t9 TN

Mc 12, 35-37

 
THÍCH THÚ NGHE LỜI CHÚA
Khi Đức Giê-su rao giảng trong Đền thờ (…), đám người đông đảo nghe Người cách thích thú. (Mc 12, 35.37)

Suy niệm: Một người trí thức sau khi gia nhập Công giáo đã chia sẻ: anh rất thán phục Đức Giê-su, bởi vì Ngài nói về những việc cao siêu bằng những lời lẽ rất bình dân, khiến người trí thức hiểu và những người ít học cũng thấu hiểu dễ dàng. Không riêng chi người tân tòng này, mà hầu như tất cả những ai nghe, đọc Lời Đức Giê-su đều có cảm tưởng này. Thính giả thời Đức Giê-su cũng đã từng há mồm nghe Ngài nói chuyện. Sách Tin Mừng thuật lại: khi nghe Ngài rao giảng, họ kháo láo với nhau: giáo lý gì mà mới mẻ vậy? Người dạy thì lôi cuốn. Khi được các thượng tế sai đi bắt Đức Giê-su, các vệ binh đã trở về tay không và nói: chưa thấy ai nói năng hay như ông này ! Thích thú, ngạc nhiên, thán phục, ghi nhớ để suy niệm, đó là tâm trạng của đông đảo dân chúng khi nghe lời Đức Giê-su giảng dạy.

Mời Bạn: Nhớ lại cảm tưởng của bạn khi đọc hoặc nghe Lời Chúa Giê-su: lơ là, buồn chán hay thích thú, thán phục, chăm chú lắng nghe và nỗ lực thực hành? Bạn hãy tự hỏi: Tại sao tôi chưa thích thú, thán phục đối với Lời Chúa? Bạn hãy chọn cho mình một tâm tình thích hợp đối với Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi phải điều chỉnh lại nếp nghĩ và lối sống của mình thôi. Phải có tâm tình trân trọng hơn với Lời Chúa và phải dành thời giờ nhiều hơn cho việc đọc và sống lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, rất nhiều người đã thích thú, say mê, thán phục với Lời Chúa dạy, vì họ khám phá bao điều lôi cuốn nơi Lời Hằng Sống của Chúa. Xin cho chúng con cũng có được tâm tình tốt đẹp ấy, để chúng con tìm đến Lời Chúa mỗi ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ. Xin Chúa nhìn xem cảnh lầm than khốn khổ của tôi, và tha thứ hết mọi tội lỗi cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Tob 11, 5-17

“Chúa đã sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi, đây tôi nhìn thấy con trai tôi”

Bài trích sách Tobia.

Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được.

Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: “Kìa, con mình đang về tới kia”.

Và Raphael nói với Tobia rằng: “Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn hãy lấy mật cá đem theo mình, xức lên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha của bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn”.

Bấy giờ con chó đi theo Tobia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tobia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình.

Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó.

Cả hai oà lên khóc vì vui mừng.

Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống.

Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình.

Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt.

Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được.

Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa.

Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi”.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 2abc, 7,8-9abc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa suốt cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 3, 10-17

“Kẻ sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô, đều chịu bắt bớ”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.

Con thân mến, con đã noi theo cha về giáo lý, đức hạnh, dự định, lòng tin, khoan dung, yêu thương, kiên nhẫn, bắt bớ, đau khổ, như đã xảy đến cho cha ở Antiokia, Icôni và Lystra. Biết bao cuộc bắt bớ cha đã phải chịu, và Chúa đã cứu cha thoát khỏi tất cả. Vả lại, mọi kẻ muốn sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô đều chịu bắt bớ. Còn những kẻ tội lỗi và gian trá, thì sẽ đi sâu vào tình trạng tệ hại hơn, vì họ lầm lạc và làm cho kẻ khác lầm lạc. Phần con, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 157. 160. 161. 165. 166. 168

Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).

Xướng: Nhiều người bắt bớ và nhiễu hại con, nhưng con chẳng sai trật lời nghiêm huấn của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Căn bản lời Chúa là sự thật, mọi chỉ dụ công minh của Chúa tồn tại muôn đời. – Ðáp.

Xướng: Các vua chúa bách hại con vô lý, nhưng lòng con vẫn kính sợ lời Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa, không có gì làm cớ cho họ sẩy chân. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, con mong ơn Ngài phù trợ, để thực thi những chỉ thị của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Con tuân giữ huấn lệnh và những lời truyền của Chúa, vì bao đường lối của con hiện ở trước nhan Ngài. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Alleluia.)

Phúc Âm: Mc 12, 35-37

“Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bời Chúa nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, và xin nghe rõ tiếng tôi.

Hoặc đọc:

Chúa Phán: “Thầy bảo thật các con: tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẤNG KITÔ (Mc 2, 35- 37)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc… Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Đức Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.

Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (x. Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!

Qua câu hỏi đó của Đức Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!

Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường… Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.

Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực… Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.

Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền…

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được Lời Chúa dạy để biết sống điều Chúa muốn. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây