Thử tìm hiểu quan điểm của Edith Stein về phụ nữ

Thứ hai - 11/10/2021 21:30 |   614
 Thử tìm hiểu quan điểm của Edith Stein về phụ nữ

 Thử tìm hiểu quan điểm của Edith Stein về phụ nữ

Vũ Văn An
 
Cuộc trở lại mầu nhiệm của Thánh Nữ Edith Stein, xét về một khía cạnh nào đó, có thể so sánh với cuộc trở lại đầy huyền nhiệm của Thánh Phaolô. Từ một tín đồ ngoan đạo của Do Thái Giáo, kinh qua một tuổi trẻ vô tín ngưỡng, trên đường miệt mài nghiên cứu triết lý hiện tượng luận của Husserl, bỗng tìm ra sự thật Kitô vào đúng mùa hè 1921, cách nay đúng 100 năm. Cũng như Thánh Augustinô, với lệnh truyền huyền nhiệm Tolle et lege (hãy cầm lên mà đọc), ngài đã cầm cuốn tự truyện của Thánh nữ Teresa Avila tại thư viện nhà người bạn và đã đọc liên hồi thâu đêm suốt sáng. Và khi đặt cuốn sách xuống, ngài thốt lên, “đây đúng là sự thật”.

Thế là ngài sẵn sàng bỏ hết để bước chân theo Đức Kitô, sẵn sàng dâng phần còn lại của cuộc đời, phần còn rất dài vì lúc ấy ngài vẫn chỉ là một người đàn bàn còn rất trẻ, rất tươi trẻ và sáng chói trên bầu trời học thuật, cho Chúa Kitô. Ngay sau khi chịu phép rửa gia nhập Giáo Hội Công Giáo, ngài muốn gia nhập Dòng Cát Minh của Thánh Nữ Teresa không chần chừ.

Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội đầy mẫn cảm đã ngăn cản việc ấy vì không muốn gây đau lòng cho người mẹ rất thân yêu của Thánh Nữ, người từng một mình vừa nuôi dậy 7 người con nên người vừa quán xuyến công việc kinh doanh buôn gỗ của chồng để lại và là người hết lòng yêu thương đứa con gái út đầy thông minh linh lợi này, những mong con sẽ theo bước chân mình thờ phượng đấng Giavê của Ápraham, của Isaác và của Giacóp, chứ không phản bội đi tôn thờ "cái con người tự xưng mình là Thiên Chúa kia".



Trong khi chờ đợi ngày được thỏa mãn ý nguyện, các vị linh hướng của ngài khuyên ngài nên dùng khả năng thiên phú để truyền giảng đức tin. Ngài đã vâng theo và chọn nói chuyện với các phụ nữ. Vì ngài vốn là nạn nhân của nền văn hóa trọng nam khinh nữ hồi ấy: dù được Husserl và sau này cả Heidegger đề cử, luận án thạc sĩ (habilitation), tức bằng cấp hậu tiến sĩ để có thể dạy Đại Học của ngài hai lần bị bác bỏ, chỉ vì ngài là đàn bà. Vả lại, Edith Stein vốn là người tranh đấu cho phụ nữ có quyền bỏ phiếu.

Trong bài “Edith Stein Convert, Nun, Martyr” trên trang mạng https://www.catholiceducation.org/en/culture/catholic-contributions/edith-stein-convert-nun-martyr.html), Laura Garcia cho rằng các trước tác của Edith Stein trong giai đoạn này về phụ nữ khó mà đánh giá quá cao được cả về tính độc đáo và mức nhìn thông sáng lẫn ảnh hưởng sâu rộng của bà.

Đức Hồng Y Lustiger của Paris, bản thân là một người Do Thái cải đạo sang Công Giáo, đã gọi Edith Stein là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Đức Hồng Y cho rằng người học trò hạng nhất của ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bất cứ ai đã đọc thông điệp của vị Giáo hoàng này về Phẩm giá và Ơn gọi của Phụ nữ, hoặc Bức thư gửi Phụ nữ sau đó của ngài, sẽ thấy ngay chúng nợ công trình tiên phong của Edith Steins về chủ đề này nhiều như thế nào.

Theo quan điểm của Stein, động lực thúc đẩy những tìm hiểu này về bản chất và ơn gọi của phụ nữ là nhu cầu giáo dục phụ nữ theo cách hoàn thiện hóa họ, không những chỉ như những con người nói chung, mà phải như các phụ nữ. Stein bác bỏ chủ trương của phái nữ quyền cấp tiến vốn cho rằng không có sự khác biệt quan trọng giữa nam giới và nữ giới. Là một nhà triết học đi tìm cơ sở cho nữ tính đích thực, ngài bắt đầu với điều có thể gọi là hữu thể học [ontology] về người đàn bà.

Sau khi trở lại Đạo Công Giáo, Stein đã chuyển sang nghiên cứu mạnh mẽ về triết gia Công Giáo vĩ đại và Tiến sĩ của Giáo hội, tức Thánh Tôma Aquinô. ngài bị cuốn hút bởi quan điểm của Thánh Tôma về con người. Không giống như thuyết nhị nguyên triệt để của Descartes, vốn trình bầy linh hồn và thể xác như hai thực thể khác nhau và khác biệt, Thánh Tôma nhấn mạnh vào sự thống nhất tồn hữu của con người, thể xác và linh hồn, vì mỗi bản thể tự nhiên là tổng hợp của mô thức và chất thể. Hơn nữa, vì chất thể là điều phân biệt con người này với con người khác, nên thể xác là thiết yếu đối với con người, chứ không chỉ đơn giản là một cỗ máy hay một lớp vỏ cho linh hồn mà ta có thể vứt bỏ mà không gây tổn hại nghiêm trọng nào đến bản ngã thực sự.

Linh hồn khác biệt của người đàn bà

Cùng với Thánh Tôma và Aristốt, Stein thừa nhận rằng có những đặc điểm độc đáo đối với linh hồn con người, những khả năng (hoặc ít nhất là những đặc điểm thuộc thiên hướng) có chung với mọi thành viên của chủng loại. Tính hợp lý, và cùng với nó là sự lựa chọn tự do, thuộc về mọi hữu thể nhân bản và mọi phụ nữ trong tư cách một nhân vị. Nhưng nếu linh hồn là mô thức của thân xác, và mô thức của nhân tính được cá biệt hóa nhờ được hợp nhất với thân xác này hay thân xác nọ, Stein lý luận rằng linh hồn phụ nữ có một phẩm chất tinh thần khác biệt với linh hồn của nam giới. Ngài không cho rằng sinh học là định mệnh, nhưng các khác biệt về thể chất giữa nam và nữ đánh dấu sâu sắc nhân cách của họ. Thân xác phụ nữ đóng dấu linh hồn họ bằng những phẩm chất đặc thù chung cho mọi phụ nữ nhưng khác với những đặc điểm nam tính khác biệt. Stein coi những khác biệt này có tính bổ sung chứ không có tính phẩm trật về giá trị, và vì vậy chúng nên được công nhận và tôn vinh hơn là giảm thiểu và phàn nàn. Có hai cách để trở thành con người, là đàn ông hoặc đàn bà.

Stein chống đỡ quan điểm của mình bằng cả việc dùng triết học nại tới tính thân thiết trong mối liên hệ thể xác / linh hồn lẫn các lý thuyết tâm lý tập chú vào các kiểu nhân cách, hơn là chỉ tập chú vào hành vi mà thôi. Ngài coi các khác biệt giữa nam và nữ là điều hiển nhiên ngay cả với luơng tri, và vì vậy cần một chút lập luận. Luận đề của ngài ngày nay hẳn bị nhiều nhà duy nữ phủ nhận, nhưng có lẽ không phải bất cứ ai có con thuộc cả hai phái tính. Sự khác biệt giữa trẻ gái và trẻ trai là điều hiển nhiên và xem ra hoàn toàn cưỡng lại việc thao túng. Thiên nhiên khá ngoan cố trong việc tự khẳng định mình hoàn toàn không quan tâm đến các lý thuyết của chúng ta.

Các thiên hướng sâu sắc

Stein dựa vào các trình thuật tạo của dựng của Sách Sáng thế để rút tỉa điều được ngài coi là ơn gọi tự nhiên của người phụ nữ. Vì có mối liên hệ chặt chẽ với sự hạ sinh và phát triển của con người, người phụ nữ tìm kiếm và đón nhận bất cứ điều gì sống động, bản vị và toàn bộ. Được nâng niu, canh giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển là niềm khao khát mẫu thân rất tự nhiên của nàng. Người đàn bà tự nhiên tập trung vào những gì là nhân bản và có xu hướng dành cho các mối liên hệ tầm quan trọng cao hơn công việc, thành công, danh tiếng, v.v. Ở đây, đường hướng suy nghĩ của Stein phù hợp với các tác giả tân duy nữ gần đây như Carol Gilligan, người cho rằng phụ nữ tiếp cận các vấn đề luân lý một cách chú ý nhiều hơn tới những người bị ảnh hưởng bởi các hành động và quyết định của họ hơn là những xem xét trừu tượng và phi bản vị về nghĩa vụ, quyền lợi và công lý.

Người phụ nữ tự nhiên đồng điệu với cá nhân hơn, và do đó với một con người cụ thể, đặc thù với mọi nhu cầu và tiềm năng riêng của họ. Hơn nữa, sự quan tâm của người mẹ này nhằm sự phát triển toàn diện của người kia như một thể thống nhất gồm thể xác, linh hồn và tinh thần. Không có một khía cạnh nào của nhân cách phải hy sinh cho bất cứ khía cạnh nào khác. Đặc biệt, không có chuyện phân ly giữa tinh thần và thể xác, đối xử với người ta (đặc biệt là các sinh viên) như thể họ là những trí tuệ không có thân xác.

Khía cạnh làm mẹ của ơn gọi phụ nữ liên quan đến việc giúp đỡ người khác phát triển hết tiềm năng của họ, và đối với những người đã kết hôn, điều này bao gồm cả chồng cũng như con của họ. Chức làm mẹ là ơn gọi phổ quát của phụ nữ, và vì vậy không phải là một nhiệm vụ chỉ được thực hiện đối với những đứa con sinh học mà thôi. Mối quan tâm của phụ nữ đối với lợi ích của con người phải mở rộng đến tất cả những ai mà cuộc sống của họ có liên hệ cách nào đó với nàng.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ơn gọi của phụ nữ này lên tầm cỡ thực sự vũ trụ, trông mong phụ nữ sẽ tái nhân bản hóa một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa duy vật. Trong Tin Mừng Sự Sống, ngài kêu gọi phụ nữ dạy người khác rằng mối liên hệ giữa con người với nhau sẽ chân chính nếu họ cởi mở đối với việc chấp nhận người khác: một người được nhìn nhận và yêu thương vì phẩm giá vốn phát xuất từ việc là một con người chứ không phải từ những suy xét khác, chẳng hạn như tính hữu dụng, sức mạnh, trí thông minh, sắc đẹp hoặc sức khỏe. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng sự đóng góp này của phụ nữ là điều tiên quyết không thể thiếu cho một sự thay đổi văn hóa chân chính, để thay thế nền văn hóa sự chết bằng nền văn minh tình yêu.

Ngoài chức phận làm mẹ về văn hóa hoặc thiêng liêng này ra, Stein coi ơn gọi của phụ nữ bao gồm cả chiều kích vợ chồng, tức vai trò đồng hành [companionship]. Điều này liên quan đến việc chia sẻ cuộc sống của người khác, đi vào cuộc sống đó và biến các quan tâm của người đó thành của chính mình. Người ta có thể lập luận rằng đây là một ơn gọi cho cả nam lẫn nữ, và có lẽ Stein không phủ nhận điều này. Nhưng điều cũng có thể đúng là phụ nữ có một thiên tài đặc biệt về tình bạn, có lẽ vì họ vốn hướng chiều về khía cạnh nhân bản và bản vị, và họ có khả năng thể hiện lòng tương cảm [empathy] nhiều hơn. Luận văn của Steins về chủ đề tương cảm đã được hoàn thành vài năm trước khi bà diễn giảng về vai trò của phụ nữ, nhưng người ta có thể thấy ảnh hưởng của nó đối với công việc sau này. Bà mô tả sự tương cảm như là nhận thức rõ ràng về một người khác, không chỉ đơn giản về nội dung trải nghiệm của họ, mà còn về trải nghiệm của họ đối với nội dung đó. Trong sự tương cảm, một người thay thế người kia mà không trở nên đồng nhất với họ. Nó không chỉ là hiểu kinh nghiệm của người kia, mà theo một nghĩa nào đó, coi chúng như là của riêng mình.

Rõ ràng khả năng bước vào cuộc sống của một người khác này đặc biệt hữu ích trong hôn nhân, nhưng nó cũng có thể và nên được thực hiện trong các mối liên hệ khác. Đối với những phụ nữ độc thân, hoặc những người đã dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, khía cạnh này trong ơn gọi của họ nên mang lấy một phạm vi phổ quát hơn, và kêu gọi một loại tình yêu bất vụ lợi hơn {tức là một điều thần thiêng hơn}. Tất cả những ai biết Edith Stein đều nói với chúng ta rằng ngài là một điển hình sống động về khả năng tương cảm này. Vị linh hướng của ngài vào cuối thập niên 1920, Đan viện trưởng Raphael Walzer, đã viết rằng ngài sở hữu một sự lắng lo dịu dàng, thậm chí mẫu thân, đối với người khác. Ngài thẳng thắn và trực tiếp với những người bình thường, có học với các học giả, một người cùng tìm kiếm với những người đang đi tìm sự thật. Người ta dám nói ngài là một người tội lỗi với những người tội lỗi.

Các phụ nữ trong các chuyên nghiệp

Vai trò của các phụ nữ trong xã hội được Stein quan tâm rất sâu sắc. Bản thân ngài là một phụ nữ chuyên nghiệp, và ngài đã dạy những phụ nữ trẻ hơn ở cấp trung học và sau đó ở cấp đại học, đúng vào thời điểm họ đang quyết định cuộc đời mình nên đi theo con đường nào. Có nên giới hạn phụ nữ trong lãnh vực nội trợ ở trong nhà và bên lò sưởi không? Stein trả lời: không thể nào. Ngài coi các thành tựu mà phong trào phụ nữ đạt được về mặt này là tích cực, mở ra những nghề nghiệp và sinh hoạt chính trị cho phụ nữ và mang lại cơ hội bình đẳng trong những lĩnh vực này.

Stein đã dịch cuốn Ý niệm về một Trường Đại học của Newman sang tiếng Đức, và ngài cho rằng một nền giáo dục khai phóng có thể cũng hữu ích cho việc đào tạo phụ nữ y như cho việc đào tạo nam giới. Nếu một số đề tài hấp dẫn hoặc thú vị hơn một cách tự nhiên đối với phụ nữ, có lẽ vì mối liên hệ rõ ràng với những gì sinh động và có bản vị, thì các chủ đề khác có thể là những điều hữu ích để điều chỉnh các quan điểm quá ư bản vị. Vì các kỹ năng nội trợ có thể học ở nhà, Stein đề nghị một chương trình giảng dạy cho phụ nữ đại học sẽ không khác biệt đáng kể so với những gì được cung cấp cho nam giới. Tuy nhiên, ngài cảm thấy điều quan trọng hơn cả là các bậc thầy dạy phụ nữ phải biết cách kết nối chủ đề giảng dạy của họ với những mối quan tâm và nhạy cảm đặc thù của phụ nữ. Ngài nghĩ rằng điều rất quan trọng là các trẻ gái và phụ nữ phải được dạy trước nhất bởi phụ nữ.

Khi được hỏi liệu ơn gọi tự nhiên của phụ nữ có loại trừ một số nghề không phù hợp với họ hay không, Stein trả lời: Người ta có thể nói rằng trong trường hợp cần thiết, mọi phụ nữ bình thường và khỏe mạnh đều có thể giữ một chức vụ. Và không có nghề nào mà người phụ nữ không thể làm được. Có lẽ một số ngành nghề sẽ tiếp tục thu hút nhiều phụ nữ hơn nam giới, một phần do thành tố nhân bản mạnh mẽ của chúng. Chúng ta có thể mong đợi tìm được một bách phân lớn các phụ nữ được thu hút vào các lĩnh vực như giảng dạy, y khoa, luật, công tác xã hội, tâm lý học, v.v. Rõ ràng, không phải ai cũng được lựa chọn khi bước vào thị trường lao động như loại công việc nào họ thấy hấp dẫn nhất, và nhiều phụ nữ (cũng như nhiều nam giới) sẽ làm những công việc không đặc biệt thích hợp với họ. Nhưng mọi nghề đều có thể được thực hành một cách theo nữ tính; nghĩa là, mọi nghề đều có thể được nhân bản hóa, trở nên thân thiện hơn với con người và tiếp xúc nhiều hơn với các mối quan tâm của con người.

Vì vậy, việc phụ nữ nên có mặt trong mọi ngành nghề là một điều rất tốt cho xã hội. Nói về vai trò của phụ nữ trong đời sống quốc gia, Stein thúc giục, Quốc gia... không đơn giản chỉ cần điều chúng ta có. Nó cần điều chúng ta đang có. Điều tương tự cũng có thể nói về nhà máy, văn phòng, các ngành nghề, lĩnh vực chính trị, cũng như trường học và gia hộ.

Stein đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Bà cảm thấy sự quan tâm mẫu thân của phụ nữ nên dẫn họ tới một quan tâm sâu sắc đối với đời sống cộng đồng, từ Hội Phụ Huynh đến chức chủ tịch. Vì các quyết định được đưa ra tại quảng trường công cộng có tác động sâu sắc đến gia đình và các nhân vị nói chung, nên phụ nữ tự động có quyền lợi lớn trong đó. Trong những thời kỳ đen tối, như trong thế hệ của những Edith Stein, nhưng cả trong chính thế hệ của chúng ta, phụ nữ được đặc biệt kêu gọi can đảm lên tiếng và tạo tác động ở bên ngoài gia đình và cộng đồng của họ. Đối với Stein, việc tham gia vào cuộc sống công cộng này không hẳn hệ ở việc chiếm giữ quyền lực. Thay vào đó, bà dường như nghĩ đến một loại nhân chứng công cộng mà phụ nữ có thể cung hiến.

Stein thường thúc giục phụ nữ nhìn vào các bà mẹ của chính họ để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành một người phụ nữ. Những bài tiểu luận về phụ nữ của ngài phần lớn nhờ tấm gương của mẹ ngài, và rõ ràng là ngài đã cảm nhận được tình yêu và tình bạn sâu sắc dành cho cụ trong suốt cuộc đời ngài. Stein khuyến khích mọi phụ nữ tìm cách sống thực lý tưởng làm phụ nữ đích thực trong cuộc sống và hoàn cảnh của mình. Điều này có nghĩa là đặc biệt thực thi ơn gọi làm mẹ, một ơn gọi chủ yếu dành cho phụ nữ, và là điều ít chói sáng hay quyến rũ đối với nhiều phụ nữ ngày nay.

Phần lớn công việc của một bà mẹ bị che khuất, và các tưởng thưởng của nó cũng vô hình. Đây chính là lý do tại sao Edith Stein trông mong các phụ nữ duy trì trong xã hội loài người các giá trị tinh thần không thể đo lường được. Tất nhiên, các thành tựu công khai của phụ nữ không phải là không quan trọng, nhưng phụ nữ không nên quên các mục đích mà tất cả những thứ khác chỉ là phương tiện. Trong một lá thư của mình, Stein viết: Về vấn đề liên quan đến các đồng phụ nữ chúng ta, các người lân cận của chúng ta, nhu cầu tinh thần vượt lên trên mọi điều răn. Mọi thứ khác chúng ta làm chỉ là một phương tiện dẫn đến một mục đích. Nhưng tình yêu đã là một mục đích rồi, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Trong một bài diễn văn ngay trước khi Hitler lên nắm quyền, Edith Stein đã thúc giục một nhóm phụ nữ Công Giáo đấu tranh cho những sự thật này: Có lẽ đã đến lúc người phụ nữ Công Giáo sát cánh với Đức Maria và với Giáo hội dưới chân thập giá. Sẽ là điều xấu hổ nếu để ngài đáp trả ơn gọi một mình.

Kỳ tới: Edith Stein đã giúp tôi trở thành một người đàn bà
 
 Tags: các thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây