Lời Chúa THỨ BA TUẦN THÁNH

Thứ bảy - 23/03/2024 22:13 |   264
“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,21-33.36-38)

26/03/2024
THỨ BA TUẦN THÁNH

t3 tuan thanh

Ga 13,21-33.36-38

ĐAU ĐỚN ĐỢI CHỜ 
TRONG KHOAN DUNG
“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,21-33.36-38)

Suy niệm: Đức Giê-su đã nhẹ nhàng nhắc khéo Giu-đa (c. 27), để ông có cơ hội trở về, nhưng Giu-đa vẫn lạnh lùng thực hiện ý định bán thầy. Với Phê-rô, Ngài cũng cảnh báo trước cho ông biết (c. 38), nhưng ông vẫn chối thầy. Chắc chắn Thầy Giê-su buồn lắm, nhưng Ngài vẫn luôn bao dung chờ đợi người lầm lỗi trở về. Phê-rô đã tỉnh ngộ, ăn năn khóc lóc (x. Lc 23,62), được ơn tha thứ. Hình ảnh một Thiên Chúa bao dung nhân hậu như vậy luôn mời gọi chúng ta chiêm ngắm cho đến tận hôm nay. Ta vẫn biết, nhờ lý trí, tiếng lương tâm mách bảo, những gì nên làm và phải tránh. Thế nhưng, nhiều lần ta bỏ qua những gợi ý ấy, mà đâm đầu vào tội lỗi. Đã vậy, lắm lúc chúng ta lại ù lỳ trong tội, chần chừ, không muốn giao hòa với Chúa sớm hết sức có thể. Chúa vẫn bao dung chờ đợi lòng sám hối của chúng ta.
 

Mời Bạn: Phê-rô chối Thầy trong khoảnh khắc yếu đuối, thật ra ông vẫn yêu mến Ngài. Trái tim Đức Giê-su bị lỗi lầm của Phê-rô đâm thâu, nhưng Chúa không bao giờ đoạn tình với ông. Bạn cũng vậy, đừng vì những lầm lỡ nhất thời của mình, mà quên đi lòng khoan dung Chúa dành cho Bạn.
 

Sống Lời Chúa: Cảm nghiệm tình yêu không ngơi của Đức Giê-su dành cho nhân loại, bạn cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn hoán cải.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã thấy tội lỗi nhân loại chất lên vai Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết can đảm để trở về, bớt đi chút sức nặng mà Chúa phải vác trong cuộc Khổ nạn, để chúng con tìm lại niềm vui vì được ơn tha thứ và đổi mới. Amen.

Thứ Ba Tuần Thánh: Lạy Chúa! Chúa đã tiên báo ai sẽ chối mình, ai sẽ phản bội mình. Chúng con có bất trung với Chúa, Chúa vẫn trung thành với chúng con, bởi vì, Chúa không thể chối bỏ chính mình. Vũ trụ bao la này Chúa dựng nên cho chúng con hưởng dùng, nó vận hành trong trật tự hoàn hảo của Chúa: chim không ngừng cất tiếng hót, hoa không ngừng khoe nở. Chúng con có thế nào, Chúa yêu chúng con thế ấy, Chúa luôn chăm sóc giữ gìn chúng con. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: biết buông bỏ mọi ham muốn, để luôn mãi trung thành là thụ tạo của Chúa, thuộc trọn về Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN THÁNH

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin đừng trao nạp tôi cho ác tâm quân thù, vì có những nhân chứng gian dối nổi dậy chống tôi, và có những kẻ mưu dùng bạo lực

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho gia đình Chúa đem trót cả lòng tin sốt sắng cử hành mầu nhiệm Ðức Ki-tô chịu khổ hình hầu đáng hưởng ơn thứ tha của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 49, 1-6

“Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất”.

(Bài Ca thứ hai của người Tôi tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Gia-cóp về cho Người, và quy tụ Ít-ra-en chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17

Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh

Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.

Xướng: Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Thạch Ðầu, là chiến luỹ của con.Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác.

Xướng: Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa, từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con.

Xướng: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:

Kính lạy Vua chúng con, Ðấng vâng lời Chúa Cha, Ngài đã bị dẫn đi để chịu đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi giết.

Phúc Âm: Ga 13, 21-33. 36-38

“Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, (Chúa Giê-su đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giê-su yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giê-su. Vậy Phê-rô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giê-su và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giu-đa, con Si-mon Ít-ca-ri-ốt. Ăn miếng bánh rồi, Sa-tan nhập vào hắn. Chúa Giê-su nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giu-đa giữ túi tiền, nên Chúa Giê-su bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giu-đa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giu-đa đi rồi, Chúa Giê-su phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.

Si-mon Phê-rô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phê-rô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giê-su nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con là gia đình của Chúa dâng lên lễ vật này, xin Chúa đoái nhìn và vui nhận. Giờ đây chúng con được tham dự vào bí tích thánh, xin cho chúng con mai ngày cũng được tận hưởng những phúc lộc do bí tích này đem lại. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng thương khó II

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; ước chi tiệc thánh này, sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con vào quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Kinh nghiệm cho thấy tình yêu mà chúng ta dành cho người khác không phải lúc nào cũng được đáp lại cách tương xứng. Đây chắc chắn là kinh nghiệm mà Chúa Giê-su đã trải qua, nhất là trong những giờ cuối cùng của cuộc đời ngài. Ngài yêu tất cả các môn đệ của ngài. Ngài đã rửa chân cho tất cả các ông, kể cả chân của Giu-đa.

Trong nền văn hóa Đông phương thời bấy giờ, hành động của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay là nhúng một mẩu bánh vào đĩa và đưa cho Giu-đa là một dấu hiệu của sự tôn trọng và yêu mến. Tuy nhiên, tình yêu của Chúa Giê-su dành cho Giu-đa đã gặp phải sự cự tuyệt. Vào lúc Giu-đa nhận lấy miếng bánh, Sa-tan đã nhập vào ông. Ông vẫn quyết tâm phản bội Chúa Giê-su bằng cách nộp ngài cho kẻ thù. Mặc dù ánh sáng tình yêu của Chúa Giê-su để chiếu trên Giu-đa, nhưng ông vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng. Giu-đa rời khỏi căn phòng, tức là rời khỏi sự hiện diện của ánh sáng để đi vào bóng đêm. Tuy nhiên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục yêu Giu-đa cho đến cùng, hy sinh mạng sống mình cho ông cũng như cho những người khác.

Khi tình yêu chúng ta trao cho người khác không được nhận, nó có nguy cơ chết đi. Nhưng Chúa Giê-su thì không như thế. Ngài không để cho tình yêu ấy chết đi nhưng tiếp tục yêu những người không muốn đón nhận tình yêu của ngài. Ngài tìm kiếm những ai quay lưng lại với ánh sáng và đi vào bóng tối. Ánh sáng tình yêu của Chúa tiếp tục chiếu soi trong bóng tối và bóng tối không bao giờ khuất phục được.

Tuần Thánh này là một lời mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa, giống như người môn đệ Chúa yêu trong bài Tin Mừng hôm nay, và sau đó phản ánh tình yêu trung thành của Chúa cho người khác.

 

BÁO TRƯỚC SỰ PHẢN BỘI (Ga 13,21-33.36-38)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ lần sau hết, quen gọi là bữa Tiệc Ly. Bài Tin Mừng hôm nay kể  lại việc Đức Giê-su đã báo trước cho các môn đệ biết: có một người sẽ phản bội, sẽ nộp Ngài. Ngay cả đến lúc đó, nghĩa là sau thời gian gần ba năm huấn luyện các môn đệ, Đức Giê-su còn gặp phải một Giu-đa phản bội Ngài và một Phê-rô tự phụ đến chối Ngài. Thật không gì đau buồn cho Đức Giê-su  hơn là khi nhìn thấy kẻ Ngài đã chọn lại phản bội Ngài. Ngài nhìn thấy Giu-đa rời bàn tiệc để đi vào đêm tối, đi vào con đường từ chối tình yêu của Ngài. Ngài nhìn thấy và báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Ngài ba lần.

2. Chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su và đi vào tâm tư của Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Đức Giê-su xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước Cuộc Thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội  của các môn đệ, của Giu-đa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa.

Là một vị Thiên Chúa, Đức Giê-su ý thức rõ ràng điều sắp xẩy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh. Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.

(Mỗi ngày một tin vui).

3. Còn ông Phê-rô thì sao? Chúng ta thấy ông luôn là con người hăng say, rất tình cảm. Khi nghe Chúa báo trước về cái chết của Ngài, ông thề sẵn sàng chết với Ngài. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻ có tội… Chính Phê-rô nhanh nhảu muốn tìm ra kẻ tội đồ, nhưng cũng chính ông tuy không phải là kẻ bán Thầy lại là kẻ chối Thầy, bỏ trốn… như lời Chúa đã cảnh báo. Nhưng có cái hay là khi ông được Chúa nhìn ông, tức thì ông đã nhìn ra cái tội chối Chúa của ông, và ông đã ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết.

4. Còn anh Giu-đa? Đây là kẻ Đức Giê-su đã báo trước một cách rõ ràng: ”Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”, rồi Ngài cầm một miếng bánh trao cho Giu-đa”. Thánh Gio-an cho tội của Giu-đa là tội phản Thầy, tội rất nặng.

Mặc dầu Chúa đã dùng lời nói và việc làm để loan báo, cảnh giác và tỏ tình thương đối với Giu-đa, nhưng vì tính ham mê tiền của đã che lấp lòng trí, ông đã phản bội Chúa. Ông coi mạng sống của kẻ khác, của Thầy mình không nặng bằng tiền! Với Giu-đa, tiền trên hết, là tất cả! Bởi coi khinh mạng sống của người khác và coi trong đồng tiền, rốt cuộc đời-ông-rách-nát!

5. “Giu-đa liền ra đi, lúc đó trời đã tối”: Trời đã tối, ở đây tượng trưng cho giờ của mãnh lực bóng tối hoành hành. Một hành vi xấu xa tội lỗi có thể làm u ám, hoen ố môi trường xã hội. Đó là những gương xấu, làm ảnh hưởng đến tha nhân và cộng đoàn.

Người đời thường nói: ”Hoàng kim hắc thế tâm nhân” có nghĩa là đồng tiền làm đen tối lòng người. Mắt đã bị đồng tiền che mờ đi rồi thì không con nhìn ra công lý, không còn nhìn ra công tình thương. Nói rõ ra, Giu-đa đã đánh mất lương tâm.

Người da đỏ giải thích lương tâm như sau: Đó là một khối ba góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả (Weapons and Workers).

6. Chúng ta thấy sự yếu đối là đặc tính của con người, của Giu-đa, của Phê-rô… nhưng cách hành xứ của mỗi người mỗi khác sau khi đã phạm tội. Giu-đa đã tuyệt vọng đi thắt cổ chết. Còn ông Phê-rô? Cái làm cho Chúa thương Phê-rô không phải là sự hăng hái của ông nhưng có lẽ là sự thống hối của ông. Sau khi đã chối Thầy, Phê-rô đã ăn năn khóc lóc về sự hèn yếu của mình, có thể nói đó cũng là một hình thức phản bội. Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy, Chúa không bao giờ chấp tội lỗi yếu đuối của chúng ta, nhưng cái mà Chúa chờ đợi ở chúng ta là lòng ăn năn sám hối.

7. Truyện: Tội vô ơn của một đứa con.

Người con trai của một nhà truyền giáo bị bắt giữ, và bị qui cho tội phản động. Anh ta bị xét xử, kết án và cầm tù. Người cha già nua của anh, vốn nổi tiếng là người có học thức và là một Kitô hữu tốt lành, đã chạy đi khắp nơi tập hợp được hàng trăm chữ ký ký vào tờ đơn xin ân xá cho anh. Ông tìm đến tận Washington gặp Tổng thống Grant trình bày tờ đơn đó và van xin tha thứ cho con trai ông, nhờ vào những công lao đóng góp của cha mẹ anh ta.

Được sự phê chuẩn của Tổng thống, người cha già nua đó  vội vã đón xe lửa đến nhà tù gặp con trai.

Cầm trên tay tờ giấy được ân xá, ông nói với con trai:

– John ạ, cha có một tin vui mang đến cho con đây. Tổng thống Grant đã chấp thuận ơn xin ân xá của cha. Con có thể trở về nhà với cha ngay bây giờ, và kịp gặp được mẹ con trước khi mẹ con qua đời!

Nhưng con trai ông không đáp lại một lời. Người cha nói tiếp:

– Con có hiểu cha nói gì không, John? Đây là tờ giấy chứng nhận con đã được ân xá.

Anh con trai vô ơn đó trả lời:

– Thưa cha, con rất tiếc đã làm buồn lòng cha, nhưng con đã quyết định không đi theo hệ thống chính trị này, và con sẽ sống theo chọn lựa của con.

Trái tim của người cha già hầu như tan nát. Ông ngã nhoài xuống hàng lưới sắt, và được một người gác ngục dìu đi.


CỬ HÀNH MẦU NHIỆM THƯƠNG KHÓ
(THỨ BA TUẦN THÁNH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa cho chúng ta đem trót cả lòng tin mà sốt sắng cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó, hầu chúng ta đáng được Chúa thứ tha tội lỗi.

Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó là trở nên giống Đức Kitô khi gặp gian nan khốn khó. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin, đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục. Chính Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và nay Người đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.

Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó là cùng chết với Đức Kitô trong cái chết của Người. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Baxiliô Cả nói: Vậy làm thế nào để chúng ta nên giống Người trong cái chết của Người? Thưa, bằng cách cùng được mai táng với Người trong Bí Tích Thánh Tẩy. Vậy mai táng cách nào, và noi gương Người, thì kết quả sẽ ra sao? Trước hết, cần phải đoạn tuyệt với nếp sống cũ. Điều ấy không ai đạt được, nếu không sinh lại như Chúa nói. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.

Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó là đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã nói: Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì. Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 70, vịnh gia cũng đã cho thấy niềm trông cậy vững vàng của mình: Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban. Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ.

Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó là học cùng Đức Kitô bài học hiền lành và khiêm nhường vâng phục thánh ý Cha cho đến cùng, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Muôn lạy Vua Kitô, vì vâng lời Thánh Phụ, Ngài đã chịu dẫn đi đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã báo trước Người sẽ bị Giuđa phản bội, sẽ bị Phêrô chối bỏ. Tuy nhiên, các ông vẫn không hề có chút quan tâm nào đến lời cảnh báo của Đức Giêsu. Cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó là chúng ta đi vào trong chính mầu nhiệm Chúa đã dùng để cứu độ chúng ta. Một mầu nhiệm vừa đau thương vừa khó chấp nhận. Có lẽ, Giuđa khó chấp nhận mình là người sẽ phản bội Thầy, có chăng là, ý muốn của ông khác với ý định của Chúa. Có lẽ, Phêrô khó chấp nhận mình mà lại người chối bỏ Thầy, nhưng, thực tế đã để lại cho ông một bài học đau thương. Bắt chước Đức Kitô chịu thương chịu khó là bắt chước tinh thần hiền lành và khiêm nhường, hoàn toàn không theo ý mình, nhưng, xin vâng ý Cha đến cùng. Bao lâu chúng ta còn muốn theo ý mình như Giuđa, còn tự mãn ỷ vào sức riêng của mình như Phêrô, khi đó, chúng ta còn lạc xa con đường cứu độ của Chúa. Mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm trao nộp: Chúa Cha trao nộp Con Một của Người; Đức Giêsu trao nộp ý riêng trong Vườn Dầu, trao nộp Thần Khí cho Cha trên thập giá để cứu độ chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết trao nộp ý riêng, lòng tự mãn của mình cho Chúa, để ơn cứu độ của Chúa được thành toàn nơi chúng ta, và nơi tất cả mọi người. Ước gì được như thế!

LẦN THEO TRÁI TIM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến”, vì “Một người trong các con sẽ nộp Thầy!”.

Trong “In the Eye of the Storm”, “Giữa Tâm Bão”, M. Lucado viết, “Khi bạn không thể lần theo bàn tay Thiên Chúa, hãy lần theo trái tim Ngài, bất kể bão của bạn thuộc loại nào!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho biết, ngay “giữa tâm bão” của phản bội, bị bỏ rơi, Chúa Giêsu vẫn ‘lần theo trái tim’ Chúa Cha; nhờ đó, Ngài vượt qua tất cả và đi đến cùng.

Gioan viết, “Chúa Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến”. Điều này tiết lộ rõ nét nhân tính của Ngài! Là Thiên Chúa, nhưng với trái tim con người, Chúa Giêsu yêu Giuđa bằng tình yêu Chúa Cha yêu Ngài. Vì thế, dù bị phản bội, Ngài vẫn ‘thả neo’ trong tình yêu của Cha, luôn ‘lần theo trái tim’ Cha; nhờ đó, Ngài có khả năng yêu thương Giuđa đến cùng. Dẫu thế, Ngài vẫn xao xuyến! “Xao xuyến” theo nghĩa Ngài bất lực vì không thể làm gì khác hơn để thay đổi tâm trí và trái tim người môn đệ. Không phải Ngài bị xúc phạm hay Ngài nổi giận vì sự phản bội; đúng hơn, trái tim Ngài một lần nữa bùng cháy yêu thương với nỗi buồn sâu sắc trước việc mất một linh hồn mà Ngài đã yêu thương hết tình.
Giuđa có ý chí tự do, không có nó, Giuđa không đi theo Chúa Giêsu! Nhưng cũng với ý chí tự do, Giuđa chọn phản bội Thầy. Tại sao? Đó là một quá trình mà Giuđa đã để mình đi quá xa trong mối tương quan với Thầy, một tương quan ngày càng lỏng lẻo; bên cạnh đó là những tham vọng thế tục ngày càng tăng. Từ đó, tâm tưởng Giuđa ngày càng hư hỏng. Giuđa không lần theo bàn tay Thầy mình qua những việc Ngài làm, những lời Ngài dạy để nhận biết Ngài là ai, đến từ đâu; cũng không ‘lần theo trái tim’ Ngài, một trái tim yêu thương vô bờ, kể cả Giuđa, con người phản bội. Vì thế, Giuđa đi đến tuyệt vọng!

Tuần Thánh, thời điểm lý tưởng để bạn và tôi thử hỏi, liệu tương quan của tôi với Chúa Giêsu ngày càng nồng nàn hay lỏng lẻo? Nói cách khác, đời sống cầu nguyện của tôi thế nào? Chúa Giêsu có là tất cả đối với tôi? Cách sống của tôi có làm Ngài xao xuyến? Mỗi ngày, tôi được gọi để khám phá Ngài bằng tất cả sức mạnh và tình yêu; nhưng phải chăng, như Giuđa, tôi thường phản bội khi để những gì là thế tục làm hỏng hóc ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi tông đồ của mình? Lời Chúa giục giã chúng ta ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối’ và quỳ gối nhiều hơn, để lần theo những gì Thiên Chúa đã làm trong Hội Thánh, trong thế giới hoặc trong chính mình; và nhất là ‘lần theo trái tim’ Ngài để biết tình yêu Ngài dành cho bạn và tôi còn lớn hơn tình yêu Ngài dành cho Giuđa, kẻ phản bội!

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến”. Chính tình yêu dành cho Giuđa lớn hơn tội lỗi của ông làm xao xuyến trái tim Chúa Giêsu. Nếu không yêu Giuđa, việc bán Thầy của ông sẽ không gây thương tổn cho Ngài. Với bạn và tôi thì sao? Liệu trái tim Chúa Giêsu có đau đớn vì những chọn lựa của tôi trong cuộc sống? Hãy trung thực, đừng bao biện! Nếu Ngài “xao xuyến” theo bất kỳ cách nào do hành động của tôi, tôi vẫn không có lý do gì để tuyệt vọng. Đúng hơn, nó phải là nguyên nhân của sự vui mừng khi tôi nhận thức sự yếu đuối và tội lỗi của mình để ‘lần theo trái tim’ Ngài mà hoán cải khi còn kịp! Ngài yêu tôi hơn tôi yêu mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa bất kỳ tâm bão nào, giúp con chỉ ‘lần theo trái tim’ Chúa, một trái tim không còn chút máu, chút nước nào chỉ vì yêu thương con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây