Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY

Thứ tư - 06/03/2024 23:00 |   193
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng từ đằng xa, vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,11-13)

09/03/2024
THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY
Thánh Phanxica Rôma, nữ tu

t7 t3 MC

Lc 18,9-14

HÃY TỰ HÀO TRONG CHÚA
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng từ đằng xa, vừa đấm ngực, vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,11-13)

Suy niệm: Thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su kể dụ ngôn này nhắm đến “những người tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác.” Ông Pha-ri-sêu ấy nghĩ rằng, ông được nên công chính nhờ những việc ông làm, nên sinh ra kiêu ngạo mà coi khinh người khác (c.11). Nhưng ông quên rằng con đường đích thực để nên công chính không phải là nhờ công trạng của ông mà là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Con đường này được Thiên Chúa vạch ra và hoàn thành qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô: “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 3,22). Thế nên Chúa Giê-su khẳng định: “người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính; còn người Pha-ri-sêu thì không” (c.14).
 

Mời Bạn: Thánh Gia-cô-bê bảo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm ở đây không phải là điều kiện để được nên công chính, mà là hoa trái trổ sinh của ơn công chính đó, là dấu hiệu của đức tin đang sống sung mãn. Vì thế, chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Nếu ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31).
 

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian xét mình xem: những việc tôi làm có phải là hoa trái của đức tin mình đã lãnh nhận hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.

Thứ Bảy MC III: Lạy Chúa! Chỉ có người thu thuế trở về được nên công chính, bởi vì, ông ta đã khiêm nhường xác định đúng căn tính của mình là một thụ tạo nhỏ bé không thể tự mình cứu được mình, nhưng phải cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa. Ông đã sống tâm tình như Đức Maria: đơn sơ phó thác hoàn toàn cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa, như chiếc lá khô bay trong làn gió Thánh Thần. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: đừng biến Chúa thành con nợ, nhưng biết buông mình trong tay Chúa, để Chúa hoàn toàn định đoạt những gì Chúa muốn cho cuộc đời chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người, Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi của ngươi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, này chúng con vui mừng cử hành phụng vụ Mùa Chay thánh. Xin cho chúng con được thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua, để tận hưởng ơn Chúa cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hs 6, 1b-6

“Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. “Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất”.

Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab

Ðáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Xướng: Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng ban ơn thanh tẩy tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng cử hành lễ tế cực trọng này; xin giúp chúng con đem tất cả lòng sùng mộ để dâng lễ tế này lên trước tôn nhan Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Người thu thuế đứng xa xa, đấm ngực mà nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa không ngừng rộng tay ban phát bánh bởi trời cho chúng con; xin cho chúng con biết hết lòng quý trọng của ăn thánh này, và năng lãnh nhận với tất cả niềm tin. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ (Lc 18,9-14)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng…

Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!

Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.

Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.

Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.


THẤM NHUẦN MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
(THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta đang vui mừng cử hành phụng vụ Mùa Chay Thánh, xin Chúa cho chúng ta được thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua, để tận hưởng ơn Chúa cứu độ.

Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ, Người là Đấng Cứu Độ đích thực của chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Các vật dụng để trong Nhà Tạm được ghi lại, để giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào. Thư gửi tín hữu Hípri sẽ giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa, khi chiếu lên các đồ thờ phượng một ánh sáng mới. Thật vậy, tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn nhà tạm. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây, nhờ liên kết với ông Môsê.

Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta, Người đã tự đồng hóa mình với những kẻ hèn mọn. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nadien đã nói: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Xưa Thầy đói, anh em đã cho ăn; Thầy khát, anh em đã cho uống; Thầy là khách lạ, anh em đã tiếp rước. Thầy bảo thật anh em, mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em đã làm cho chính Thầy vậy.

Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê đã cho thấy: Không ai cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho bằng Ítraen, khi họ nói: Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia cũng nại đến Lòng Thương Xót để kêu xin Chúa: Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là nhận biết: ơn cứu độ  là của Chúa, hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Chúa, để rồi, chúng ta luôn biết tin tưởng, cậy trông vào Chúa, chứ không dựa vào sức riêng của mình, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đã nhắc nhở chúng ta điều đó: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính, còn người Pharisêu thì không.

Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế trở về, là được nên công chính, bởi vì, ông ta đã khiêm nhường xác định đúng căn tính của mình trước Chúa: là một thụ tạo nhỏ bé không thể tự mình cứu được mình, nhưng phải cậy nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa. Ông đã sống tâm tình như Đức Maria nữ tỳ hèn mọn, đơn sơ phó thác hoàn toàn cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa, như chiếc lá khô bay theo làn gió Thánh Thần. Chiếc lá khô không có ý riêng, gió thổi và mang nó đi, nó đi cùng gió. Người Pharisêu cố công làm rất nhiều việc đạo đức với niềm kiêu hãnh, nhưng, điều đó chẳng giúp ích gì cho ông, ngược lại, còn phương hại đến việc trở nên công chính của ông. Ước gì chúng ta sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: buông mình trong tay Chúa, để Chúa hoàn toàn định đoạt những gì Chúa muốn cho cuộc đời chúng ta, ước gì chúng ta đừng biến Chúa thành con nợ: phải trả công cho chúng ta về các việc lành, mà chúng ta cố gắng thực thiện. Ước gì được như thế!


CHÌM VÀO VỰC BẤT XỨNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”.

A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là chiếc cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trần trụi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng, một người thu thuế! Anh đã dâng một “lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình. Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người là “tình yêu”, mà không cần bất cứ điều gì khác!

Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; Ngài chỉ muốn tình yêu, “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại chỉ ngần ấy!

Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong Tin Mừng dâng Thiên Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác! Lời cầu nguyện của ông bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’ và tệ hơn, lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh dể người khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘diễn văn’. Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; nhưng ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”.

Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”. Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội của mình. Lời cầu của ông xuất phát từ một tấm lòng tan nát; ông ý thức sự bất xứng của mình trước một Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông càng đau đớn hơn để ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay, điều này rất đẹp lòng Chúa và Ngài thích thú!

Đức Phanxicô nói, “Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa. Ở nước tôi, chúng tôi gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi”, tên của những người đó. Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: 
“Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”; và điều đó khiến bạn buồn cười!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”. Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai! Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người. Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”. Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể nhận được tất cả; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa ‘chìm vào vực bất xứng’ để chỉ biết cầu xin lòng Chúa xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’. Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây