Lời Chúa THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 13/01/2024 18:52 |   124
Đức Giê-su nói tiếp: “Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người, chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sa-bát, bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” (Mc 2,23-28)

16/01/2024
THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

t3 t2 TN

Mc 2,23-28


GIỮ GIỚI RĂN VỚI TÌNH YÊU MẾN
Đức Giê-su nói tiếp: “Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người, chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sa-bát, bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” (Mc 2,23-28)

Suy niệm: Có bạn trẻ than van: “Đạo Chúa sao nhiều luật lệ quá, nhiều cấm đoán quá!” Bạn trẻ ấy quên rằng trong xã hội loài người, bất cứ một cơ cấu nào cũng phải có luật lệ để ổn định và phát triển. Bạn tới một ngôi nhà và thấy dép giày sắp lớp ở cửa, bạn biết rằng nhà này có qui định cởi giày dép trước khi bước vào. Một gia đình nhỏ cũng có luật lệ riêng đấy chứ! Tuy nhiên, luật lệ trong Hội Thánh khác luật lệ của tất cả các cơ chế khác ở điểm này: Đức Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay, “Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” Người môn đệ Đức Giê-su không bị chi phối bởi một số điều răn hay một hệ thống luân lý phải giữ, mà là bị chi phối bởi một Đấng, là Đức Ki-tô. Họ giữ luật vì yêu mến Chúa Ki-tô, vì biết rằng những điều Ngài muốn họ phải giữ chỉ vì lợi ích thật sự và trường cửu của họ.

Mời Bạn: Thử lượng giá lại cách giữ luật thánh hoá ngày Chúa Nhật của mình: nặng nề, miễn cưỡng hay vui tươi vì biết rằng luật thánh hoá ngày Chúa Nhật ấy cũng vì yêu mến, vì con người.

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để sống tâm tình mến Chúa yêu người đặc biệt trong ngày Chúa nhật?

Sống Lời Chúa: Chương trình của tôi mỗi ngày Chúa Nhật sẽ là tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, làm việc tông đồ, bác ái và nghỉ ngơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hiểu rằng Chúa là Đấng chi phối tất cả cuộc đời chúng con, chứ không phải các điều răn này nọ. Xin cho chúng con, vì yêu mến Chúa, vui tươi và sẵn sàng tuân giữ mọi điều răn ấy. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 6, 10-20

“Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.

Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Áp-ra-ham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Áp-ra-ham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giê-su đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước.

Xướng: Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 16, 1-13

“Sa-mu-en xức dầu cho Ða-vít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên ngài”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Sa-mu-en rằng: “Ta đã loại bỏ Sao-lê không cho cai trị Ít-ra-en nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà I-sai dân thành Bê-lem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Sa-mu-en thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Sao-lê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?”

Vậy Sa-mu-en làm như lời Chúa dạy và đi đến Bê-lem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Sa-mu-en mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho I-sai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Sa-mu-en gặp ngay Ê-li-áp và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Sa-mu-en: “Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. I-sai gọi A-bi-na-đáp đến và dẫn đến trước mặt Sa-mu-en. Sa-mu-en nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. I-sai cho dẫn Sam-ma đến. Sa-mu-en lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. I-sai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Sa-mu-en. Sa-mu-en nói với I-sai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Sa-mu-en nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” I-sai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Sa-mu-en nói với I-sai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. I-sai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Sa-mu-en lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ða-vít từ ngày đó trở đi. Còn Sa-mu-en đứng dậy trở về Ra-ma.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 20. 21-22. 27-28

Ðáp: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta 

Xướng: Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. 

Xướng: Ta đã gặp Ða-vít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. 

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của tôi”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.  

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 23-28

Ngày Sa-bát làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sa-bát”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Vào một ngày Sa-bát, Chúa Giê-su đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sa-bát người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ða-vít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế A-bi-a-ta thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sa-bát làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sa-bát; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sa-bát”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LUẬT LỆ HAY TÌNH YÊU
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu

Trong bài nói chuyện với các chủng sinh Hà Nội nhân dịp các thầy về chúc Tết bề trên giáo phận cuối năm 2023 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giu-se đã đề cập đến một trong những nguy cơ về sự ảo tưởng đức tin nơi không ít Ki-tô hữu hiện nay. Theo đó, nhiều người giáo dân hiểu lầm rằng đức tin là những sinh hoạt bên ngoài như thổi tham gia hội kèn, hội trống, những buổi ca nhạc, dâng hoa, và hội hè… Họ tin rằng bao lâu còn tham gia tích cực những hoạt động này, bấy lâu đức tin của họ còn vững mạnh. Họ thực sự an tâm với đời sống đức tin của mình, dựa trên những sinh hoạt bề ngoài ấy, mà không quan tâm đến việc đào sâu mối tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa. Cám dỗ giới hạn đời sống đức tin vào những thực hành bên ngoài cũng được tìm thấy nơi những người Biệt Phái mà chúng ta vừa nghe ở trong Tin mừng hôm nay. Nhóm Biệt Phái bao gồm những người giữ luật cách nghiêm ngặt. Họ thậm chí còn chia nhỏ luật thành những điều khoản nhỏ hơn để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào của lề luật. Chính vì thế, khi thấy các môn đệ của đức Giê-su vì đói mà bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát, những người Biệt Phái đã lập tức kết án các ông đã vi pham luật ngày Sa-bát. Đối với nhóm Biệt Phái, không có một lý do nào, dù khẩn cấp hay không khẩn cấp, có thể biện minh cho việc phạm luật ngày Sa-bát. Luật là luật. Không có ngoại trừ. Nhìn vào thực tế xung quanh, lối sống đạo khô cứng này cũng đang phổ biến nơi nhiều người giáo dân. Như đã đề cập ở trên, mối nguy của những người an tâm với việc giữ luật hay lễ nghi bên ngoài là một lúc nào đó họ đánh mất phương hướng trong đời sống đức tin. Họ chỉ còn chạy theo và tôn thờ chính mình qua việc tuân giữ lề luật tỉ mỉ, hơn là đi tìm Thiên Chúa. Càng tuân giữ luật lệ cách tỉ mỉ, người ta càng nghĩ mình thánh thiện và dần dần họ chở nên chúa của chính họ. Lối sống này lâu dần cũng khiến người ta trở nên vô cảm và bất nhân với người khác. Không cần quan tâm đến lý do, họ chỉ tập trung vào việc giữ luật cách máy móc mà thôi. Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án lối sống này. Đối với ngài, tình yêu và lòng thành tín chúng ta dành cho Thiên Chúa mới là đích điểm. Chính bản thân ngài đã tập trung vào mối tương quan cá vị của ngài với Chúa Cha hơn là chú tâm cách thái quá vào việc tuân giữ luật lệ. Những luật lệ hay sinh hoạt bên ngoài chỉ là phương tiện giúp chúng ta đào sâu hay diễn tả mối tương quan cá vị mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Một khi chúng ta quên đi đích điểm này để tập trung vào những hoạt động hay luật lệ bên ngoài, chúng ta đang đi sai đường và cần phải trở lại. Nên nhớ rằng Thiên Chúa làm chủ ngày Sa-bát và tình con thảo của chúng ta dành cho ngài mới là điều quan trọng nhất.

 

TRANH LUẬN VỀ NGÀY HƯU LỄ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Chúa Giê-su đi ngang đồng lúa với các môn đệ. Các ông đói nên bứt lúa ăn. Nhóm biệt phái thấy vậy thì trách các ông làm việc cấm trong ngày hưu lễ. Chúa hỏi họ: Các ông có biết vua Đa-vít và bạn hữu vua làm gì khi đói không? Vua đã vào đền thờ lấy bánh ăn, thứ bánh mà không ai được ăn chỉ trừ các tư tế. Ngày hưu lễ được lập ra vì loài người, chớ không phải loài người được dựng nên vì ngày hưu lễ. Và chính tôi là chủ của ngày hưu lễ. Tôi có quyền trên ngày hưu lễ.

2. Để hiểu luật nghỉ làm việc trong ngày hưu lễ (Sa-bát) được ghi trong Xh 20,8-11), Linh mục Ca-rô-lô đã giải thích như sau: Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sa-bát, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giê-su về việc làm của các môn đệ Ngài.

Còn Chúa Giê-su thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân Do-thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai-cập, Mai-sen đã ra luật nghỉ ngày Sa-bát, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người Do-thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đến là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ Do-thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai-cập trước kia đã phạm đối với họ.

Theo tinh thần ấy,Chúa Giê-su dám tuyên bố 2 câu “nảy lửa”: a/ Ngày Sa-bát được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sa-bát; b/ Con người (tức là Chúa Giê-su) là chủ của ngày sa-bát.

3. Khi muốn hình thành dân Ít-ra-en, Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, nhưng rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nên văn hóa chung quanh, người Do-thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết. Bộ sách Luật ấy người Do-thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật, chia ra 365 khoản cấm và 248 khoản buộc.

Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do-thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại: một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).

4. Nguyên nhân cuộc xung đột này chỉ là việc các môn đệ ngắt mấy bông lúa khi đi qua cánh đồng lúa. Một sự việc tầm thường không đáng kể. Luật chỉ cấm gặt và trục lúa thôi, nhưng ở đây các người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm trong ngày sa-bát. Sở dĩ người biệt phái xét nét khắt khe như vậy là cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của người biệt phái, đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giê-su về việc kiêng việc xác ngày sa-bát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột, cãi vã, và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.

Chúa Giê-su lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo hội cũng như trong cộng đoàn đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.

Maurice Zundel trong quyển “Sự hiện diện khiêm hạ” có viết: ”Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tình trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị  là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa”.

5. Truyện: Luật là để yêu thương

Một người thợ xây đang ở trên giàn ráo cao thì bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.

Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:

– Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta bằng cách đó, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn giáo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.

Nghe tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt, răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.

AI SẼ CỨU CON NGƯỜI?
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbat!”.

Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc uỷ cho một tác giả viết tiểu sử Hudson Taylor, nhà truyền giáo vĩ đại của lục địa này, với mục đích bôi nhọ ông và xuyên tạc sự thật. Nhưng càng nghiên cứu, tác giả ngày càng ấn tượng bởi tính cách thánh thiện và đầy niềm tin của Taylor. Cuối cùng, trước nguy cơ mất mạng, ông gác bút, vượt biên, từ bỏ chủ nghĩa vô thần và tin nhận Chúa Kitô. Ông nói, “Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi biết bao!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi biết bao!”. Câu nói này không chỉ xuất phát từ cảm nhận của người viết tiểu sử Taylor, nhưng còn từ trải nghiệm thất bại của chính quyền Trung Quốc, khi tác giả không chỉ ‘không làm bồi bút’, mà còn tin nhận Chúa Kitô! Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ điều đó.

Các môn đệ đang đói đưa tay hái lúa mà ăn. Rủi thay, hôm ấy là ngày Sabbat. Các biệt phái bắt lỗi. Khi luật trở thành mục đích, đứng trên con người, cả những người đói, thì ‘ai sẽ cứu con người?’. Là những nhà lãnh đạo, các biệt phái đã chôn sâu luật Thiên Chúa bên dưới lớp luật nhân tạo của họ, đến nỗi cả những người đói cũng không được phép hái những bông hạt để ăn trong ngày Sabbat. Vậy thì làm thế nào nhân loại có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường đích thực dẫn đến sự cứu rỗi, mà không vướng vào gai gốc của những nghi lễ sai lầm và những giới luật tuỳ tiện một cách vô vọng! ‘Ai sẽ cứu con người?’. Con Thiên Chúa, Đấng hạ mình làm người, đem đến sự thật viên mãn; một sự thật giải thoát con người bằng tình yêu.

Trước những biệt phái đường bệ, Chúa Giêsu không nhượng bộ nhưng nhân ái thu phục họ bằng việc trích dẫn đoạn Thánh Kinh mà họ biết rất rõ; từ đó, Ngài tiết lộ sự thật theo cách mà họ có thể chấp nhận. Rằng, họ đã lạc xa tôn giáo chân chính; trong đó, tình yêu đối với Thiên Chúa và con người chiếm ưu thế. Không dừng ở đó, Ngài còn táo bạo thốt lên, “Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbat!”. Ngài muốn nói rằng, thẩm quyền của Ngài ngang bằng thẩm quyền Thiên Chúa. Vì thế, điều Ngài chờ đợi nơi họ không gì khác hơn là một hành vi đức tin, tin nhận ngôi vị Thiên Chúa của Ngài.

‘Ai sẽ cứu con người?’. Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị ‘Đấng Sẽ Cứu’ đó từ ngàn xưa. Ngài reo lên qua Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đavít!”. Đúng thế, bài đọc Samuel tường thuật việc chuẩn bị đó. Loại bỏ Saun, Thiên Chúa đã chọn Đavít. Từ dòng dõi này, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ra đời.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ai sẽ cứu con người?’. Chính Chúa Kitô! Đức Phanxicô nói, “Bất cứ điều gì dẫn bạn đến với Chúa Kitô đều có giá trị cứu rỗi, và chỉ những gì đến từ Chúa Kitô mới có giá trị. Ngài là trung tâm! Hãy luôn tự hỏi, điều này có đưa bạn đến với Chúa Kitô không? Hãy tiếp tục! Thái độ này có đến từ Chúa Kitô không? Hãy tiếp tục! Nhưng nếu nó không dẫn bạn đến với Chúa Kitô và nếu nó không đến từ Ngài thì điều đó khá hiểm nghèo. Nếu bạn không thể tôn thờ Chúa Kitô, thì thiếu một điều gì đó. Vì Ngài là Cứu Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy thanh tẩy con khỏi mọi giả hình của ‘chủ nghĩa pháp lý’ và ‘chủ nghĩa lễ nghi!’. Cho con một trái tim luôn thổn thức vì con người như trái tim của Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây