Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 05/01/2024 19:05 |   314
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,7-11)

08/01/2024
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su chịu phép rửa

t2 t1 TN

Mc 1,7-11


CHÚA CHA HÀI LÒNG
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,7-11)

Suy niệm: Những bậc làm cha mẹ hài lòng khi kỳ vọng mà họ đặt nơi con cái được chúng thể hiện. Tương tự, đối với Thiên Chúa, dù vạn vật luôn tuân theo ý định của Ngài nhưng chính Đức Giê-su mới thực sự làm Ngài hài lòng vì đây đích thực là Người Con yêu dấu làm cho ý Chúa Cha được thể hiện. Và ý của Cha là muốn mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4). Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Gio-đan chịu phép rửa Ngài làm cho “ý Cha được thể hiện” cách công khai trước mặt toàn dân. Nhưng đó mới là khởi đầu của sứ mạng cứu độ, còn việc hoàn tất sứ mạng đó thì phải đợi đến đồi Can-vê; và Chúa Giê-su luôn trăn trở để hoàn tất ‘phép rửa’ này: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50). Chẳng những Ngài muốn thổ lộ niềm vui của “Cha hài lòng về Con” cho cả nhân loại mà còn muốn mọi người được thông dự vào niềm vui ấy khi Ngài kêu gọi chúng ta “hãy vâng nghe lời Người.”

Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Thế nhưng lắm khi chúng ta bận tâm đến việc làm hài lòng người ta, làm thoả mãn chính mình hơn là làm hài lòng Chúa. Chúng ta hãy đi theo bước chân của anh cả Giê-su để thực hiện ý muốn của Chúa Cha đó là hy sinh bản thân mình để thông hiệp với Giê-su, chúng ta góp phần cứu độ anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Hy sinh quên mình để phục vụ tha nhân như chính Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin tha thứ cho sự nông nổi của chúng con và cho chúng con biết kiên tâm đợi chờ, để chúng con từ nay chỉ biết sống và làm mọi việc cốt cho Cha hài lòng mà thôi. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.

Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9

Ðáp: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người 

Hoặc đọc: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất 

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu. 

Xướng: Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. 

Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 1, 1-8

“Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ”.

Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.

Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: “Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. 

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-ru-sa-lem hỡi! 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GỌI BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN (Mc 1,14-20)
Lm Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Nghe tin Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su trở về Ga-li-lê và giảng cho mọi người biết: Nước Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin theo Người… Và khi đi rao giảng dọc bờ biển, Người gặp ông Si-mon và anh là An-rê đang thả lưới. Người gọi hai ông theo Người để “lưới người ta”. Và Người cũng gặp ông Gia-cô-bê và em là Gio-an đang vá lưới. Người cũng gọi hai ông. Hai ông liền bỏ chài lưới và cha là Giê-bê-đê mà theo giúp Người.

2. Sự việc Gio-an bị tống giam trong ngục đã chấm dứt sứ vụ của ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lời đầu tiên Chúa Giê-su dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giê-su đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Chúa Giê-su Ki-tô.

Sa-tan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa”? (Góp nhặt).

3. Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết. Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha Nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.

Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc…

4. Chúa Giê-su nhìn sự việc Gio-an bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên và Người coi đó là sứ vụ dọn đường của Gio-an chấm dứt, nên Người khởi sự đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, hòng mọi người sẽ được hưởng ơn cứu rỗi.

Để thực hiện chương trình đó, Chúa đã kêu gọi nhiều người đến cộng tác với Người trong công cuộc lớn lao này. Đúng như lời thánh Au-gút-ti-nô đã nói: Khi dựng nên chúng con, Chúa không cần chúng con, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa cần chúng con giúp Chúa”. Chúa đã gọi các tông đồ đầu tiên trong hoàn cảnh đời thường như làm nghề chài lưới và ít chữ nghĩa, nhưng Chúa chỉ cần người ta có thiện chí và nhiệt thành theo Chúa. Nên khi gọi bốn tông đồ đầu tiên, thì “Lập tức các ông đã bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).

5. Chúa gọi các môn đệ trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ. Mác-cô cho thấy họ đang sinh hoạt  bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: “Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là Chúa quan phòng.

Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng (Áp-ra-ham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Mát-thêu là ngươi thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người: chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai. Việc Chúa làm thật bất ngờ!

6. Truyện: Chúa làm những việc không thể ngờ.

Trong dịp lễ nhậm chức của Đức Tổng Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn người ta đọc được bài thơ này:

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già,

Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng, Thế là Mai-sen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đa-vít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phê-rô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phao-lô gốc thành Tác-sô.

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Ca nhập lễ

Sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người. Cùng lúc ấy, có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con chí ái của Ta, Người làm cho lòng Ta vui thỏa”.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  Hôm nay, Hội Thánh cử hành phụng vụ lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, và toàn thể dân công giáo khai mạc một giai đoạn mới trong năm phụng vụ, chu kỳ phụng vụ mùa thường niên. Chọn lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để khai mạc thời gian phụng vụ này, Hội Thánh muốn mời gọi tất cả chúng ta dân thân sâu xa hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và cuộc sống, vào Tin Mừng Cứu Độ mà Ngài đã loan báo cách đây hơn 2000 năm.

Ngoài ra cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay, Mẹ Hội Thánh còn muốn nhắc nhở con cái mình đặc ân Bí tích Rửa Tội, và khuyên dụ chúng ta hãy cố gắng gìn giữ chiếc áo trắng được tinh tuyển cho tới khi Chúa lại đến. Nhưng lúc này đây chắc hẳn không ai trong chúng ta dám tự hào mình vô tội. Vậy để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hốì lỗi          

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin...

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. 

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. 

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. 

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 6b-11

"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần." Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Mầu nhiệm phép rửa nơi Đức Kitô hôm nào bên bờ sông Giodan, cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã khởi sự cuộc đời rao giảng Tin Mừng từ biến cố đặc biệt này, và Ngài mời gọi chúng ta hãy tiếp tục ra đi từ giếng rửa tội của mỗi người. Vậy chúng ta cùng nguyện xin:

1. “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn”.- Xin cho các vị Mục tử có tinh thần khiêm hạ của Đức Kitô, để qua các ngài ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ trên đoàn dân mà các ngài chăm sóc.

2. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người" - Xin cho các Kitô hữu luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến Phục Sinh, và được thanh tẩy trong Thánh Thần, để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.

3. “Chúng ta cần chu tòan bổn phận" - Xin cho các nhà cầm quyền Quốc Gia biết chu toàn bổn phận của mình, để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc.

4. “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết sống hòa mình với mọi người, để trở nên men làm dậy bột thánh thiện nơi cộng đồng nhân loại, xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đã ngự trên Đức Giêsu và hướng dẫn Người trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho nhân loại, xin cũng ngự trị trên chúng con, biến đổi chúng con thành công cụ của công cuộc truyền giáo trên quê hương yêu dâu của chúng con, và trên toàn thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô..

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong ngày Chúa mặc khải Ðức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người là chính Ðấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh ! Thánh ! Thánh!

Ca hiệp lễ

Đây là Đấng mà ông Gio-an đã nói: “Tôi đã thấy và xin làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Người con yêu quý
Sưu tầm

Vào thế kỷ thứ IV, Ario truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại. Ario chủ trương rằng Đức Kitô không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đế Theôđôsiô đỡ đầu cho lạc thuyết này. Cũng vào lúc ấy hoàng đế phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông. Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi: Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao? Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và cùng hiện hữu với Ngài dưới danh hiệu Con Thiên Chúa.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Ngày nay có nhiều người, kể cả một số người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ hoặc nghi ngờ thiên tính của Đức Kitô. Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Việc Đức Kitô chịu phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.

Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.

Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài. Còn chúng ta thì sao?

Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu mến và phụng sự Cha trên trời, khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội, khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục, thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 6b-11).

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
 
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
 
Suy niệm
 
Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa vẫn mãi là một điều huyền nhiệm, bởi làm sao Con Thiên Chúa lại mặc lấy thân phận con người trong hình hài một em bé, nằm trong chiếc máng súc vật, được hiện diện giữa một gia đình nhân loại. Hơn nữa, khi bước vào những ngày loan báo tin mừng cứu độ công khai, Ngài còn xin được chịu phép thanh tẩy của Gioan như bao tội nhân khác. Quả thực là một điều phi lý và vô lý nữa. Nhưng tất thảy đều có lý khi đưa những câu chuyện đó vào trong quỹ đạo của tình yêu đến từ Chúa Cha. Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhân loại thấy mình như được sinh ra một lần nữa, để trở thành con của Thiên Chúa tình yêu, nhờ phép rửa của nước và Thánh Thần mà Con Thiên Chúa đem đến trong mầu nhiệm tình yêu này.
 
Khi loan tin vui cho dân Chúa, tiên tri Isaia đã nói với họ về một người tôi tớ của Giavê, Ngài đến trong sự tĩnh lặng của thế giới, Ngài đến trong sự nhẹ nhàng của tình yêu, Ngài đến trong sự gần gũi của tình trời: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người”. Nhân loại chìm ngập trong bóng đêm tội lỗi, Ngài đến khơi chút ánh sáng le lói còn sót lại trong thế giới, Ngài đến gieo hạt giống bình an khi nhân loại đang sống trong bất an vì tội lỗi, Ngài thổi sức sống mới của công lý vào địa cầu. Một người tôi tớ rất đặc biệt, không chỉ làm tròn trách vụ của mình, nhưng còn đem lại bao niềm hy vọng cho nhân loại trước sự tàn phá của sự chết. Quả thực đây là sứ giả của tình yêu, hòa bình và công lý.
 
Sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ đã lên đường theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ngài đi vào những lối nẻo của thế giới để gieo hạt giống của tình yêu, hòa bình và công lý. Là ân huệ đến từ Thiên Chúa, những ai tin và đồng hành với Ngài, sẽ được Thiên Chúa đưa vào trong gia đình của ngài, đồng thời tiếp tục sứ mạng loan tin bình an cho thế giới như Thiên Chúa mong đợi: “Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận”. Hình ảnh Con Thiên Chúa làm người được thánh nhân nhắc đến, như là lời chứng của sự thật, ai đón nhận Thiên Chúa là Cha, ngài sẽ xức dầu và sai đi như đã sai người con duy nhất của Ngài: “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. Sự khiêm tốn của Con Thiên Chúa làm người, được giới thiệu với nhân loại, để nhân loại ý thức hơn về sự cảm thông, chia sẻ và sự cúi xuống của Thiên Chúa, tất cả đến từ một tình yêu vô điều kiện, tất cả đến từ trái tim của một người Cha nhân lành.
 
Bước vào lịch sử nhân loại, Con Thiên Chúa đã trở thành con người thực sự, đã học được cách làm người từ gia đình. Từ bài học tâm linh trong đời sống cầu nguyện, đến những bài học tình người, tình gia đình. Tất cả như là hành trang cho Con Thiên Chúa vào đời. Khi bắt đầu lên đường cho sứ vụ mới, Đức Giêsu đã tự đặt mình vào thân phận tội nhân khi xếp hàng bước xuống sông Giodan xin thánh Gioan làm phép rửa. Cử chỉ cúi xuống lần thứ hai của Con Thiên Chúa làm người, để lại trong tâm khảm con người những điều bí ẩn của tình yêu: “Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Con Thiên Chúa đứng vào hàng của các tội nhân là một cử chỉ của sự cảm thông và chia sẻ. Con Thiên Chúa đâu có tội lỗi gì, sao lại xin được thanh tẩy, Con Thiên Chúa đâu cần bước xuống đó, nhưng Ngài đã chấp nhận dầm mình xuống dòng sông để được sạch. Quả thực là mầu nhiệm của tình yêu tự hiến.
 
Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xếp hàng cùng với các tội nhân, để con người được xếp hàng đi vào nước Thiên Chúa. Còn tình yêu nào đẹp và ý nghĩa cho bằng tình yêu tự hiến và chia sẻ như thế. Ngài nên giống các tội nhân là để thông cảm với thân phận mong manh và đầy khiếm khuyết của con người, Ngài xếp hàng với họ như là để gánh bớt những khổ đau, những nỗi lầm than của con người khi bị tội lỗi hành hạ và trói buộc. Từ sự cảm thông và chia sẻ đó, Con Thiên Chúa còn mở cánh cửa trời cao bấy lâu nay đã bị đóng lại do tội lỗi, từ cánh cửa được mở ra đó, con người được Ngài cầm tay dắt vào cõi sống đời đời, nơi đó, con người được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được trở nên những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa, có đầu là Đức Giêsu Kitô. Ngài đưa con người vào một gia đình mới, gia đình Thiên Chúa, gia đình Giáo hội, Ngài thay đổi con người cũ của nhân loại, cho họ mặc lấy chiếc áo trắng của sự tinh tuyền đến từ Thiên Chúa.
 
Đức Giêsu cúi xuống xin thanh tẩy như là một sự cúi xuống của Thiên Chúa, khi Ngài cảm thông với những nỗi đau của con người, và cũng là lúc Ngài chia sẻ với con người những nỗi niềm trong cuộc sống. Ngài cũng nối kết mọi chi thể là các thành viên trong gia đình của Thiên Chúa nên một cộng đoàn huynh đệ. Và hôm nay, Thiên Chúa đã trao cho những ai lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trách vụ nối kết mọi người trong thế giới này như là một cộng đoàn huynh đệ của Thiên Chúa. Ba chức vụ mỗi tín hữu Kitô được chia sẻ với Con Thiên Chúa là: Tư Tế - Ngôn Sứ - Vương Đế, đã đưa người tín hữu Kitô vào một vai trò mới trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. Là Kitô hữu, mỗi người có trách nhiệm xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô nơi cộng đoàn mình, họ có bổn phận chăm sóc cho cộng đoàn đó lớn mạnh cả về tinh thần lẫn thể lý.
 
Cảm thông, chia sẻ, chăm sóc và đồng hành với tha nhân, là những việc làm mà Công Đồng Vatiano 2 đã trao cho người giáo dân đang sống trong thời đại Chúa Thánh Thần. Họ phải lên đường đi vào thế giới này, một thế giới đang bị tục hóa, ngay cả đời sống tâm linh, để thanh tẩy những vết nhơ của tội bằng sự can đảm nói không với gương xấu, bảo vệ sự sống và chăm sóc sự sống cho tha nhân, không thỏa hiệp với sự gian dối và xu nịnh, không để cho tiền bạc và vật chất ngự trị trong mọi chương trình của Thiên Chúa, không trao những quyền lợi chính đáng của con người cho những kẻ phủ nhận Thiên Chúa, sống trong những tham vọng của thế gian. Tình yêu có những giá trị thiêng liêng cao quý, đồng thời cũng có những sức mạnh vô hình, giúp cho những ai tin nhận một Thiên Chúa làm người, sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn và hăng hái hơn trong trách vụ lớn lao Thiên Chúa đã trao ban. Ai sẽ là người được Thiên Chúa xếp vào bên phải trong ngày sau hết, nếu không phải là những người hôm nay đang can đảm bảo vệ những giá trị của Tin mừng, can đảm chống lại những kẻ thù của Chân lý và Sự sống. Hãy bắt đầu từ sự khiêm tốn của Con Thiên Chúa nơi dòng sông Giodan, để vào đời trong tình yêu Thánh Thần.
 
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Ngài xếp hàng bước xuống dòng sông xin chịu phép rửa, là hình ảnh báo trước về mầu nhiệm tử nạn của Ngài, một cử chỉ của tình yêu tự hiến, xin giúp chúng con hãy bắt đầu từ sự cúi xuống như Ngài, để con cảm thông với tha nhân, với những người bất hạnh và khổ đau, những người đang bị xã hội bỏ rơi. Chúa chấp nhận phận người yếu đuối để chia sẻ với chúng con khi chúng con đối diện với cám dỗ, với sự sa ngã, xin giúp chúng con đủ ơn của Chúa, để chúng con chỗi dậy, trở về trong sự sám hối và chân thành, hầu được tha thứ và đón nhận vào gia đình của Chúa trên trời. Amen.

 

CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG DIỆU KỲ
(Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa)
- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Để mạc khải tình yêu cho muôn loài, Con Thiên Chúa đã làm người. Để bày tỏ tình yêu đến cùng với con người, Thiên Chúa chọn con đường đồng thân với nhân loại. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Không chỉ mang lấy kiếp người, Con Thiên Chúa còn mang vào chính bản thân phận tôi đòi, phận tội nhơ của con người. Xếp mình vào đoàn dân đang tự nhận là tội nhân đến với Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan là một hành vi thật khó lý giải theo sự luận suy của lý trí. Con tim có lý lẽ của nó. Và chúng ta chỉ có thể hiểu động thái chịu phép rửa của Chúa Giêsu bằng con tim. Tuy nhiên, dưới ánh sáng lời mạc khải qua các bài đọc Thánh Lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta có thể nhận ra mục đích của Đấng Cứu Độ khi để cho Gioan làm phép rửa trên bờ sông Giođan.

1. Tự nguyện liên đới với mọi người để yêu thương hết mọi người.

Hai từ liên đới gợi mở cho ta hình ảnh gắn liền đai lưng với nhau. Nói đến chung lưng đấu cật là nói đến những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cần vượt qua. Chính vì thế không ai lại nói liên đới trong những thành công hay chung lưng trong những hoàn cảnh thuận lợi. Hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của con người có thể nói là khi gặp phải các sự dữ. Có những sự dữ do khách quan như thiên tai hay địch họa. Có những sự dữ lại do chủ quan là do bản thân tự gây ra cho chính mình. Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có một sự dữ đáng gọi là dữ, đó là tội lỗi. Các sự dữ khác chỉ có thể làm hại sự sống đời này, còn tội lỗi thì có thể làm thiệt hại cả sự sống đời này và cả sự sống mai sau.

Dù là Đấng vô tội, dù là Đấng ngàn trùng chí thánh, Chúa Giêsu vẫn muốn đồng phận với nhân loại chúng ta trong kiếp tội nhân. Khởi đầu bằng việc chung hàng với đoàn người tội lỗi và điều này đã làm đẹp lòng Chúa Cha: “Này là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không ngại ngần đến với những người tội lỗi và đồng bàn với họ, bất chấp những lời xầm xì của nhiều người nhóm biệt phái và luật sĩ (x.Lc 5,29-32; 15,1-2). Người còn tự nguyện đứng về phía những người nghèo, những người bất hạnh, cô thế, kém phận, dĩ nhiên vẫn không từ chối lời mời của những người quyền quý, lớn vai hay nhiều vế trong xã hội (x.Lc 7,36-50). Tất cả những sự việc ấy nói lên rằng Chúa Cứu Thế muốn bày tỏ tình yêu với hết mọi người.

2. Đi xuống tận cùng đáy sâu thân phận tội lỗi của kiếp người để nâng mọi người lên.

Tự dìm mình dưới dòng sông Giođan để cho thánh Gioan Tẩy giả làm phép thanh tẩy là quyết định khởi đầu của Con Thiên Chúa làm người khi công khai rao giảng Tin Mừng. Và điểm đến của quyết định ấy là cái chết trong phận một phạm nhân trọng tội. Con Chiên tinh tuyền của Thiên Chúa đã cúi mình xuống trước một Giuđa đã rắp tâm phản bội Thầy, trước một Phêrô lát nữa đây sẽ chối bỏ Thầy và trước cả nhóm môn đồ còn lại, vốn tham sinh, úy tử cách ích kỷ, sẵn sàng bỏ Thầy để giữ lấy mạng sống riêng mình. Người cúi xuống là để nâng con người lên.

Thiên Chúa không muốn bất cứ một ai trong nhân loại phải hư mất. Đấng Cứu độ đã đi xuống tận cùng của cảnh kiếp tội nhân. Và giờ đây không một ai, không một tội nhân nào là không có thể được tha thứ và cứu sống. Một tuơng lai tràn trề hy vọng đang mở ra cho từng người, cho toàn thể nhân loại. Nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “Không một thánh nhân nào là không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), vì thế, chẳng có một tội nhân nào mà chẳng có một tương lai”. Sự khả thể đang mở ra với nhân loại khi Đức Giêsu tự nguyện đồng phận với kiếp tội nhân của con người. Và điều khả thể này đã hiện thực cách rõ ràng với người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa: “Ta bảo thật với anh: Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Vấn nạn đặt ra cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

- Không được phép ngã lòng về bản thân mình cho dù ta đang trong hoàn cảnh bi đát hay tồi tệ thế nào. Không một ai là ngoài tình thương của Thiên Chúa. Không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng (x.Rm 8,38-39). Không một ai, không một tình trạng nào vượt quá quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26), chỉ trừ người phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là cố tình không đón nhận tình yêu cứu độ. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự nhưng Người vẫn tôn trọng tự do của con người, một món quà vô giá mà Người đã ban cho nhân loại. Mọi sự đều là có thể cho người luôn biết hy vọng và nỗ lực vươn lên trong niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

- Không được phép thất vọng về bất cứ một ai cho dù họ đang bê bối hay đáng chúc dữ dường nào. Biết bao người thời Chúa Giêsu rất đáng và đã bị Người chúc dữ thế mà vẫn được Người xin Chúa Cha tha thứ vì họ lầm chẳng biết (x.Lc 23,34). Con người là hữu thể đang chuyển thành (l’homme c’est l’ être en devenir). Chính vì thế, điều mà ta cần loại bỏ, cần xóa đi, đó là những định kiến của ta về tha nhân. Giữ mãi thành kiến không tốt về tha nhân là ta đang đóng đinh anh em mình bằng những chiếc đinh ác tâm, vô tình. Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét (x.Mt 7,1-5). Xin đừng quên chính khi đóng đinh tha nhân bằng định kiến là ta tự đóng đinh số phận của mình. Lời kinh nguyện duy nhất Chúa Giêsu dạy, nhắc nhớ chúng ta về sự liên đới với tha nhân như là một trong những điều kiện tất yếu để đón nhận hồng ân của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con…” (Mt 6,9-15).

Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là tán dương tình thương của Chúa, một tình thương vô biên và diệu kỳ. Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là phấn khởi và tích cực dưỡng nuôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Thiên Chúa đã nên hữu hình nơi Đức Kitô, Đấng không chỉ “không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”, mà còn “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,3; 7), Đấng đầy tràn Thánh Thần và đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa lại còn thôi thúc chúng ta tích cực đón nhận tha nhân để giúp nhau hoán cải, đổi mới và thăng tiến. Khoanh tay đứng nhìn hay cam chịu thúc thủ trước sự dữ là một thái độ “phỉ báng” hành vi cúi mình chịu phép rửa của Chúa Kitô trên dòng sông Giođan. Ước gì được một lần trong đời, ta thầm nghe được lời Chúa phán: “Này là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”, khi ta biết yêu thương nhau bằng con đường đi xuống (như nghĩa của từ Giođan).

CON RẤT YÊU DẤU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con là ‘Con rất yêu dấu’ của Cha!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu là ai? Bạn và tôi là ai? Trả lời hai câu hỏi đó, chúng ta hiểu được ý nghĩa của lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay. Ngài là ‘Con rất yêu dấu’ của Chúa Cha; bạn và tôi, chúng ta là ‘con rất yêu dấu’ của Chúa Cha.

Một câu hỏi khác đơn giản nhưng thú vị hơn, tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa? Ngài vô tội, sao Ngài làm thế? Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội để Chúa Cha tỏ cho nhân loại biết ‘chính danh’ của Con Một Ngài. Qua đó, Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là “Con rất yêu dấu” với sự chứng thực của Thánh Thần. Vì thế, phép rửa của Chúa Giêsu một phần, là lời tuyên bố công khai của Chúa Cha về Chúa Con là ‘Con Thiên Chúa, một Ngôi Vị thần linh, nên một với Cha và Thánh Thần’. Lời chứng công khai này là một ‘sự hiển linh’, một mặc khải về thần tính đích thực của Chúa Giêsu vậy!

Thứ đến, qua phép rửa, sự khiêm nhường đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu cho phép Ngài trở nên đồng nhất với tội nhân; hạ mình ngang hàng tội nhân để liên kết với tội nhân. Ngài chấp nhận đi vào chốn bùn lầy của con người để có thể cứu con người. Bằng cách dìm mình trong nước, tượng trưng sự chết; Ngài chiến thắng bước lên hầu cho phép chúng ta cùng Ngài sống lại một đời sống mới. Như vậy, Ngài đã thánh hoá nước, ‘rửa cho nước’, để bản thân nước từ đó, có sự hiện diện thiêng liêng của Ngài hầu thông truyền sự sống mới cho tất cả những ai được rửa nhân danh Ba Ngôi. Nhờ đó nhân loại tội lỗi được thông phần thực sự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.

Cuối cùng, phép rửa của Chúa Giêsu là một mặc khải về ‘con người mới’ mà trong Ngài, chúng ta trở nên ‘con rất yêu dấu’ của Cha, một con người mà chúng ta phải trở thành.

Một thiên nga lạc mẹ sống giữa đàn sếu; suốt ngày, nó cùng đàn sếu bắt ốc giữa đầm. Sau bao năm tìm con, ngày kia, thiên nga cha phát hiện con, nó quyết định cứu con. Bao lần tiếp cận, nó vẫn thất bại vì mỗi lần thấy nó, đàn sếu vụt bay. Nó quyết định tắm mình dưới bùn để có bộ lông xám như sếu; nó dò dẫm, lân la nhiều ngày. Cho đến một chiều kia, thoắt một cái, nó quắp ‘sếu nhỏ’ bay đi. Nó đem ‘sếu con’ đến một dòng suối, tự tắm mình trong nước. Hiện nguyên hình xinh đẹp, nó tắm cả ‘sếu con’ và nói, “Con là thiên nga; hãy xem, con xinh đẹp như cha”. ‘Sếu con’ mếu máo, “Con sẽ ăn gì, có ốc không?”. Nó đáp, “Con rất yêu dấu’, trong đền vua, con có tất cả… không phải là ốc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con là Con rất yêu dấu!”. Để cứu chúng ta, Con Thiên Chúa cũng nên lem luốc như chú thiên nga kia. Chúng ta được Mẹ Giáo Hội quắp vào dòng nước Giêsu; nơi đó, mỗi người được tẩy sạch những tanh tưởi của ao đầm, được chỉ cho thấy sự xinh đẹp, được phục hồi phẩm giá lấm lem vì nguyên tội và được ban Thánh Thần. Chúa Giêsu đã lội xuống dòng nước, để từ nay con người không còn ‘lạc mẹ giữa bầy sếu’, nhưng được vào đền Vua, với lời gọi ngọt ngào của Chúa Cha, “Con là con rất yêu dấu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tiếc nuối ‘món ốc’ tanh tưởi của đầm lầy. Bởi lẽ, con không phải là ‘sếu’, nhưng là ‘những thiên nga’ xinh đẹp, ‘con rất yêu dấu’ của Cha!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây