Lời Chúa THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 07/01/2024 02:02 |   131
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-28)

09/01/2024
THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

 

t3 t1 TN

Mc 1,21-28


UY QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-28)

Suy niệm: Nhà ảo thuật lừng danh David Copperfield đã làm biết bao người sửng sốt kinh ngạc vì những màn ảo thuật ‘động trời’ của ông: làm biến mất tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Dù công chúng không biết nhà ảo thuật đã làm thế nào để ‘mà mắt’ họ, nhưng chẳng có ai tin rằng ông ta có quyền năng siêu phàm gì, chẳng qua chỉ là khéo sử dụng kỹ xảo và đạo cụ mà thôi. Những người Do Thái nghe Chúa Giê-su giảng dạy thì khác. Họ có phần hiếu kỳ thật đấy, nhưng họ thực sự sửng sốt vì họ cảm nhận được một quyền uy toát ra từ những lời thốt ra từ miệng Ngài: những lời quyền năng nhưng thấm đầy yêu thương và xác tín về sứ mệnh thiên sai đã dần dần hé lộ thiên tính và sứ vụ cứu thế của Ngài.

Mời Bạn: Bạn vẫn nghe Lời Chúa hàng ngày đấy chứ? Thế nhưng Lời Chúa có làm cho bạn ngạc nhiên, sửng sốt và thán phục không? Việc lắng nghe Lời Chúa có củng cố niềm tin của bạn vào Chúa Ki-tô không? Mời bạn chiêm ngắm dung mạo của Chúa Giê-su nơi Tin Mừng bạn được nghe, được đọc hàng ngày để nhận ra Đức Giê-su chính là Đấng Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Suy ngắm Lời Chúa hằng ngày và thường xuyên viếng Thánh Thể để tiếp nhận lấy nguồn sức mạnh Thần linh ngõ hầu sống tốt đời Ki-tô hữu của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho chúng con để chúng con có thể nhận ra được sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong đời sống chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 2, 5-12

“Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giê-su, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hóa và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.

Ðáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).

Xướng: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?

Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

Xướng: Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 1, 9-20

“Chúa nhớ đến bà An-na và bà đã sinh Sa-mu-en”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Si-lô, sau khi ăn uống, An-na chỗi dậy. Thầy tư tế Hê-li đang ngồi trên ghế trước cửa đền thờ Chúa, nhằm lúc An-na sầu khổ, khóc lóc thảm thiết cầu nguyện với Chúa và khấn xin rằng: “Lạy Chúa các đạo binh, nếu Chúa đoái nhìn đến nỗi khổ của nữ tỳ Chúa, và nhớ đến con, Chúa không quên nữ tỳ Chúa, và ban cho nữ tỳ Chúa một con trai, thì con sẽ dâng nó cho Chúa trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó”. Ðang lúc An-na mải mê cầu nguyện trước mặt Chúa, thì Hê-li để ý nhìn miệng bà. Vì An-na cầu nguyện thầm thĩ trong lòng, nên bà chỉ nhép môi, và không nói ra tiếng. Hê-li tưởng bà say rượu, nên nói: “Chừng nào bà hết say? Bà hãy đi giã rượu đi!” An-na đáp lại rằng: “Thưa ông, tôi không khi nào uống rượu; vì tôi là người đàn bà vô phúc nhất, nên tôi không thể uống rượu và mọi chất làm cho say, nhưng tôi đã giãi bày tâm sự tôi trước nhan thánh Chúa. Ông đừng nghĩ rằng nữ tỳ của ông đây như một đứa con gái Bê-li-an; vì quá đau khổ và đắng cay, nên tôi đã tỏ bày tâm sự cho đến bây giờ. Bấy giờ Hê-li nói: “Bà hãy về bình an, Thiên Chúa Ít-ra-en sẽ ban cho bà điều bà xin”. Bà liền thưa: “Ước gì nữ tỳ của ông được đẹp lòng ông”. Bà lui ra ngoài, ăn uống và mặt bà không còn vẻ buồn sầu nữa. Sáng hôm sau, vợ chồng thức dậy, thờ lạy Chúa, rồi trở về nhà ở Ramtha.

En-ca-na ăn ở với bà An-na, và Chúa nhớ đến bà. Sau một thời gian, An-na có thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Sa-mu-en, vì bà đã xin Chúa ban nó cho bà.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.

(Ðến thành Ca-phác-na-um), ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KINH NGẠC TRƯỚC LỜI CHÚA
Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu

Người Do thái trưởng thành thường tới hội đường vào các ngày Sa-bát để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Bởi đó, những người hiện diện trong hội đường hôm nay chắc chắn đã nhiều lần nghe các luật sĩ của họ cắt nghĩa lề luật. Thế nhưng, họ chưa bao giờ có cảm giác kinh ngạc cho đến khi lắng nghe những lời dạy từ miệng Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô nói với chúng ta rằng họ đã kinh ngạc với lời dạy của Chúa Giê-su bởi vì lời dạy của Ngài có uy quyền.

Mỗi giây phút của cuộc sống qua đi, chúng ta đối diện với rất nhiều âm thanh khác nhau từ mọi phía. Thế nhưng chỉ có Lời Chúa mới là lời chân thật và mang lại cho chúng ta sự sống. Chỉ có lời Ngài mới có thẩm quyền trên cuộc đời chúng ta và chỉ những lời ấy mới mang lại cho cuộc đời chúng ta niềm vui và hy vọng. Hãy chăm chú đọc và khám phá những điều kỳ diệu từ Lời Chúa. Hãy để cho những lời của Ngài làm kinh ngạc và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Amen.
 

MỘT NGÀY Ở CA-PHÁC-NA-UM
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su vào hội đường Ca-phác-na-um trong ngày hưu lễ để giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Đức Ki-tô mới mẻ vì biểu lộ tình yêu thương vô vị lợi. Ngài dạy dỗ như Đấng có uy quyền vì lời Ngài có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế. Sự hiện diện của Đức Giê-su làm cho thần ô uế phải tru tréo lên.  Mặc dù đối kháng với Thiên Chúa, nhưng ma quỉ cũng phải tuyên xưng Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa và Ngài đã chiến thắng chúng.

2. “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ”.

Khi giảng dạy, các rabbi Do thái phải dựa theo truyền thống của cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giê-su thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.

Chúa Giê-su là bậc Thầy duy nhất hiểu rõ và làm chủ hoàn toàn sứ điệp của Ngài cũng như thấu suốt khả năng thu thập của người nghe những gì hữu ích cho họ trong hoàn cảnh thực tế. Tước vị Thầy đó đã được chính Chúa Giê-su xác nhận với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì thật là đúng: kỳ thực Ta là thế” (Ga 13,13).

3. Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giê-su còn làm một phép lạ chữa một người bị quỉ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. Phép lạ Chúa Giê-su thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng. Trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy”? Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma, trong khi đó Chúa Giê-su lại đến giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỉ và tội lỗi.

Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và tiếp tục trong Giáo hội. Giáo hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước Trời.

4. Thần ô uế, hoặc ma quỉ, là những thiên thần sa ngã, chúng liên kết với Satan để chống lại Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Chúng cám dỗ con người phạm tội và gây ra biết bao đau khổ trong đời sống con người. Thế nhưng bất cứ khi nào chúng đối diện với Chúa Giê-su, chúng đều thảm bại. Chúa Giê-su dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát con người khỏi sự thống trị của ma quỉ.

Truyện: Chúa có quyền trên quỉ

Một bé trai hỏi bố:

– Quỉ lớn hơn con không”?

– Lớn hơn.

– Quỉ lớn hơn bố không?

– Lớn hơn.

– Quỉ lớn hơn Chúa Giê-su không?

– Không con ạ. Chúa Giê-su lớn hơn quỉ.

Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười:

– Vậy con không sợ quỉ (Góp nhặt).

5. Truyện: Phụng sự cho ai?

Trong kho tàng truyền thuyết của Giáo hội, chúng ta cũng có thấy một câu truyện dụ ngôn về một anh chàng khổng lồ muốn đi tìm một người mạnh mẽ nhất để phục vụ.

Truyện kể rằng: có một người không lồ sống tại đất Ca-na-an chán cuộc sống đơn điệu buồn tẻ, chàng muốn phiêu lưu và quyết tìm cho được một người nào mạnh nhất để phục vụ.

Thoạt đầu chàng nghĩ chẳng ai mạnh bằng tướng cướp, nên xin đi theo hộ vệ cho tướng cướp. Nhưng mỗi lần sắp đi cướp, viên tướng cướp này phải nhờ đến thầy phù thủy làm phép xuất quân, thế là chàng rời bỏ tướng cướp mà đi theo thầy phù thủy.

Một hôm, thầy phù thủy đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp. Thế là chàng khổng lồ bỏ rơi thầy phù thủy đến đứng bên cạnh Thánh giá, để chờ chủ nhân đó đến mà xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh giá.

Tình cờ anh nghe thấy có tiếng gọi thật nhẹ nhàng. Anh quay lại bắt gặp một cậu bé với đôi má phúng phính và mái tóc óng ánh. Cậu bé nhờ anh chàng này đưa cậu qua khúc sông gần đó. Nhận lời, nhắc cậu bé lên vai, người khổng lồ lội xuống dòng sông đang chảy siết. Nhưng kỳ lạ nước mỗi lúc một dâng cao và chảy mạnh. Cậu bé mỗi lúc một đè nặng trên vai, chống chọi với sông nước để cuối cùng đem cậu bé lên bờ bên kia. Người khổng lồ mới thốt lên:

– Này cậu bé, cậu nặng đến độ tôi tưởng chừng mang cả vũ trụ trên vai.

Cậu bé mỉm cười đáp:

– Ngươi mang Đấng còn hơn cả vũ trụ nữa. Bởi vì chính tôi đã tạo nên cả trời và đất.

Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá.

Thế là chàng khổng lồ kia xin phò tá Vị Chúa Tể trời đất. Chúa dạy rằng: muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông  thì ngươi hãy cõng người ấy sang.

Chàng khồng lồ tuân theo. Từ đó trở đi,người ta gọi tên chàng là Christophe, nghĩa là người mang Chúa Ki-tô trên vai.

Chúng ta đã chọn Đức Ki-tô là thủ lãnh của đời ta, chúng ta hãy tin theo và phục vụ Ngài. Nếu chúng ta muốn phụng sự Đức Ki-tô, chúng ta hãy theo gương thánh Christophe, bởi vì trên đời này không còn ai xứng đáng hơn ngoài Đức Ki-tô để cho ta đi theo phụng sự.

TÔI ĐANG LÀ TÔI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Đức Chúa!”.

Một giáo sư hỏi một thiếu nữ tân tòng, “Có phải cô là một tội nhân trước khi tin nhận Chúa?”; “Vâng, thưa ngài!”. “Bây giờ, cô vẫn là một tội nhân?”; “Vâng, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình là một tội nhân!”. “Vậy có gì thay đổi đâu?”; “Có chứ! Tôi không biết giải thích làm sao?”, cô nói; “Ngoại trừ tôi đã từng là một tội nhân ‘chạy theo tội lỗi’; nhưng giờ đây, một tội nhân ‘chạy trốn tội lỗi!’. ‘Tôi đang là tôi!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Tôi đang là tôi’, một tội nhân!”. Sẽ khá bất ngờ khi cả hai bài đọc hôm nay cho thấy điều cô gái thú nhận cũng là điều Thiên Chúa chờ đợi nơi bạn và tôi, sự chân thành! Cả Anna lẫn người bị thần ô uế ám ‘đang chính là họ’; cũng thế, Chúa Giêsu ‘đang chính là Ngài!’.

Bài đọc Samuel kể chuyện bà Anna, một người cùng đường. Với bà, cầu nguyện đâu cần chỉn chu; nó có thể bộc phát cách mộc mạc. Từ sâu thẳm nỗi đau, bà nỉ non với Chúa bằng những lời đứt đoạn. Thầy cả Êli nghĩ rằng, bà say. Không phải! Bà đang trút giận lên Chúa. Vì lẽ, bà héo hắt; vô phước bởi vô sinh! Vậy mà Chúa thích sự công kích này, Ngài ‘khoái’ khi bà cau có. Cầu nguyện đâu cần chải chuốt; chẳng cần quanh co! Chúa ‘đỡ tốt’ với bất cứ ‘đòn nào’ con người đánh vào Ngài. Vì thế, không lời cầu nào là thô lậu, kệch cỡm nơi một người chứng tỏ ‘tôi đang là tôi’ trước Chúa. Và Ngài đã nhậm lời, ban cho Anna một mụn con, Samuel. Bà đã cất lên Magnificat - Thánh Vịnh đáp ca - mà rồi đây, Maria sẽ làm vọng lại, “Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con!”.

Tương tự như thế, trong bài Tin Mừng, người bị quỷ ám nói với Chúa Giêsu theo cùng một cách. Anh ném vào Ngài, “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”. Đó là những lời giận dữ tạt vào Ngài. Tuy nhiên, như ‘Đấng ngự trong đền thờ’ không ‘lấy làm điều’ và không ‘hề gì’ trước oán trách của Anna, Chúa Giêsu, ‘Đấng là đền thờ’ cũng không ‘làm lớn chuyện’ với cơn thịnh nộ ma quái nơi con người khốn khổ này. Sau đó, Ngài răn đe, giải thoát anh khỏi quỷ ám. Bất cứ khi nào bạn mở lòng, tiết lộ cho Chúa Giêsu những gì đang có, kể cả những cảm xúc đen tối, bạn sẽ trải nghiệm sự hiện diện và xoa dịu chữa lành đầy xót thương của Ngài.

Chúa Giêsu trừ quỷ, mọi người kinh ngạc, “Thế nghĩa là gì? Lời dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền?”. Nhận xét của dân chúng ở đây cũng rất thật, họ đang là họ. Và bản thân Chúa Giêsu cũng thế, lời Ngài nói, việc Ngài làm cho thấy Ngài như muốn tiết lộ, ‘Tôi đang là tôi!’. Bởi lẽ, Ngài đang thể hiện quyền năng để mặc khải Ngài là ai, đến để làm gì? Ngài là Thiên Chúa, ban Lời quyền năng, Lời biến đổi và Lời làm cho sống.

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Tôi đang là tôi’, một tội nhân!”. Đó là ‘mệnh căn’ không suy suyển của bạn và tôi; đó là lý do Chúa Giêsu xuống thế làm người; và đó cũng là ý thức cốt lõi tiên thiên nơi mỗi người để Ngài có thể cứu họ. Ý thức mình là tội nhân, có nghĩa là tôi đang cần Chúa. Bởi lẽ, đến bao giờ chúng ta mới hết cần Ngài? Vậy, liệu bạn và tôi có là chính mình hay ‘đang là một ai khác’, nhất là khi cầu nguyện? Đừng quên, trước Ngài, không ai xứng đáng nhưng là một tội nhân không hơn không kém, kể cả các thánh. Chính lúc đó, Thiên Chúa mới có thể làm một điều tương tự như Ngài đã làm cho Anna, cho người quỷ ám.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo tội lỗi; cho con biết chạy trốn tội lỗi!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây