Lời Chúa CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH – B

Thứ năm - 04/01/2024 23:40 |   111
“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)

07/01/2024
CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH – B

cn hiẻn linh b

Mt 2,1-12


AI TÌM THÌ SẼ GẶP
“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)

Suy niệm: Các nhà chiêm tinh thấy ngôi sao lạ xuất hiện bên phương Đông, và theo ‘kiến thức’ của họ, họ tin rằng đó là dấu chỉ “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”. Chỉ cần có thế họ đã lên đường đi tìm kiếm Ngài. Vì sao lạ, dấu chỉ mong manh khi hiện khi ẩn, nhưng cũng giúp họ tìm đến được Giê-ru-sa-lem. Chính tại đây họ nhận được địa chỉ chắc chắn: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê” như lời chép trong sách ngôn sứ, dẫu rằng thông tin ấy được cung cấp bởi những kinh sư thông thạo Thánh Kinh nhưng thờ ơ, vô cảm và được chuyển đạt qua miệng ông vua Hê-rô-đê đầy dã tâm bày mưu tính kế tiêu diệt vị Ấu Vương chứ không hề có ý “đến gặp và bái lạy Người” như miệng ông nói. Người không muốn gặp Đức Ki-tô thì dù có biết rõ mười mươi cũng không thể gặp. Trái lại, người tha thiết muốn gặp Ngài thì dù hành trình có khó khăn, dấu chỉ có mờ nhạt, họ cũng  đi tìm và cuối cùng cũng gặp được.

Mời Bạn: Phúc âm Mát-thêu ghi lại Lời Chúa: “Anh em cứ tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,7). Những ai khao khát sự bình an, chân lý và thiện hảo sẽ tìm thấy chúng nơi Đức Ki-tô. Và những ai có thiện chí tìm kiếm Ngài thì sẽ được gặp. Bạn có khao khát tìm gặp Chúa qua việc dành thời giờ - cách riêng ngày Chúa Nhật - để cầu nguyện suy gẫm Lời Chúa, để phục vụ Ngài nơi tha nhân, để đến thờ lạy Ngài nơi bí tích Thánh Thể chưa?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày để cầu nguyện và xin ơn: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn khao khát và kiên trì tìm kiếm Chúa qua những dấu chỉ trong cuộc sống, vì chúng con xác tín rằng ai tìm Chúa sẽ gặp được Ngài. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Hiển Linh -Năm B

Ca nhập lễ

Này Chúa Tể càn khôn ngự đến, tay nắm trọn vương quyền, thế lực và vinh quang.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến, Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa. Họ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại nhưng đã tìm hiểu và tin nhận Chúa Giê-su là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin. Chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của ba nhà đạo sĩ, chúng ta có dịp để hâm nóng lại niềm tin của mình. Tất cả chúng ta đây là các đạo sĩ của thời nay, có nhiệm vụ làm cho cả thế giới nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Nhiệm vụ đặc biệt của chúng ta là làm cho mọi người sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón tiếp Lời Chúa, để có thể nhận ra Chúa Giê-su trên khắp nẻo đường đời, Người cần chúng ta cộng tác để nối dài công trình cứu thế của Người. Xác tín như thế, chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 2, 2

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, trong đời vua Hê-rô-đê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-ru-sa-lem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hê-rô-đê bối rối, và tất cả Giê-ru-sa-lem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Ki-tô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hê-rô-đê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bê-lem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Ma-ri-a Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì tình thương, Chúa đã dùng mọi biến cố để tỏ mình cho con người, giúp con người biết được ý Chúa qua các dấu chỉ, và sẵn sàng làm theo ý Ngài. Nhờ đó, mọi người có thể đạt được ơn cứu độ. Ý thức như thế chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1.“Nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi”.- Xin cho các vị Chủ chăn, biết tìm nơi kho tàng Thánh Kinh những giải đáp cho việc hướng dẫn đoàn chiên, cũng như giúp mọi người tìm đến nguồn sống thật là Đức Ki-tô, hầu trở nên những người loan báo cho Tin Mừng.

2. “Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó và cứu thoát người bất hạnh”.- Xin cho các tín hữu biết can đảm nhẫn nại trong hành trình về quê trời, để giữa muôn thử thách, họ luôn vững tin như các đạo sĩ, nhờ đó, họ luôn gặp được Đức Ki-tô trong mọi biến cô cuộc đời.

3. Nhờ nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên, các đạo sĩ đã nhận ra điềm báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.- Xin Chúa chiếu soi tâm trí những người chưa biết Chúa, giúp họ khám phá ra sự hiện diện của Ngài, qua những công trình nghiên cứu khoa học nơi vũ trụ vạn vật, để họ dễ dàng tin theo Chúa.

4. “Lúc nhìn thấy ngôi sao họ hết sức vui mừng…”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta trở thành ánh sao dẫn đường đưa nhiều người về tới bến cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin ánh sáng Chúa chiếu soi đến những tâm hồn đang sống xa Chúa, giúp họ nhận ra chỉ mình Chúa là lẽ sống, mà tìm về tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô, hầu trở nên những chi thể sống động và hữu dụng cho Tin Mừng cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô    

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng: đây không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược, nhưng là bánh rượu tượng trưng cho Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã tự hiến tế và trở thành lương thực nuôi dưỡng chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Hiển Linh

Ca hiệp lễ    

Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông, và chúng tôi mang của lễ đến bái thờ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, xin thương ban ánh sáng bởi trời hướng dẫn chúng con mọi nơi mọi lúc, để từ đây chúng con biết chiêm ngưỡng và đón nhận bí tích này với niềm tin sâu sắc là lòng mến thiết tha. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ngôi Sao Giáng Sinh

Quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, có một chi tiết làm cho tôi suy nghĩ đó là ngôi sao bỗng biến mất khi các nhà đạo sĩ tới Giêrusalem, và rồi lại hiện ra, khi họ rời bỏ thành thánh để đi Bêlem. Tại sao lại như thế?

Như chúng ta đã biết Giêrusalem được coi là thành thánh, bởi vì ở đó có di tích, nơi mà xưa kia tổ phụ Abraham đã đem con mình là Isaác để sát tế cho Thiên Chúa. Chính nơi đây, vua Salomon đã xây dựng một đền thờ nguy nga bằng gỗ quý từ Libăng đem về. Vào thời Đức Kitô, ngôi đền thờ ấy đã được xây dựng lại. Một công trình vĩ đại, phải mất 46 năm trời người ta mới hoàn tất. Vì là thành thánh và là nơi có đền thờ, nên không lạ gì khi các nhà đạo sĩ, đi tìm vua dân Do Thái mới sinh, lại không dừng chân, tưởng đó là chặng đường chót. Nhưng oái oăm thay, ngôi sao lạ đã biến mất, còn trong thành cũng chẳng thấy ai bàn tán xôn xao về tin tức một vị tân vương mới ra đời. Ba nhà đạo sĩ chỉ là những người khách lạ, nhưng đã đem đến một tin làm chấn động cả dân thành, khiến từ vua chúa quan quyền cho đến bậc thứ dân đều sửng sốt hoang mang.

Nhà vua liền triệu tập các học giả vốn được coi là những người đoán biết được mệnh trời. Các vị ấy liền tìm ra ngay nơi Chúa sinh ra, đó là Bêlem. Nhưng đáng ngạc nhiên thay, nhà vua cùng các bậc học giả uyên thâm đó, chẳng một ai nghĩ là chính mình cần phải đi tìm vị tân vương. Họ chỉ hướng cho ba nhà đạo sĩ đi Bêlem, nhưng rốt cuộc chính ngôi sao lạ đã hướng dẫn ba vị khách phương xa tìm ra Đức Kitô. Vậy tại sao ngôi sao lại biến mất trên nền trời thủ đô Giêrusalem?

Ở mọi nơi và trong mọi lúc, chúng ta đều nhận thấy: Tôn giáo nào cũng có những nơi được dành riêng cho việc thờ phượng, nào là nhà thờ, nào là chùa chiền, nào là thánh thất. Điều đó thật tốt, nhưng đối với chúng ta ngày hôm nay thì không đủ, bởi vì Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.

Tin Mừng đã khởi đầu từ trong căn nhà nhỏ bé ở Nadarét với biến cố truyền tin, rồi được công bố cho những kẻ chăn chiên trên cánh đồng Bêlem. Tin Mừng ấy đã được diễn tả cụ thể trong cuộc sống và hành động của Đức Kitô tại Nadarét và trên khắp các nẻo đường Palestine. Tin Mừng ấy đã được hoàn thành trong cái chết của Ngài ở ngoài đền thờ, ngoài thành thánh, và trong sự phục sinh của Ngài, để rồi từ đó được loan truyền đi khắp thế gian. Điều đó muốn nói lên rằng thờ phượng Thiên Chúa nơi thánh đường mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải nhập cuộc, còn phải hoà mình đối với mọi người, nhất là những kẻ đau yếu, bậnh tật khổ đau.

Ngày nay ngôi sao Giáng sinh hình như cũng đang biến dần và những người tìm Chúa lại phải ra khỏi thành thánh, hướng về những Bêlem mới, đó là những kẻ bất hạnh đang bị bóc lột, và khinh bỉ như các người chăn chiên thuở trước. Thế nhưng liệu chúng ta có dám tìm Chúa theo sự hướng dẫn của ngôi sao lạ như thế, hay là chúng ta lại ngại ngùng không dám bước theo, để rồi cuối cùng trong tay chỉ còn là một cánh sao bằng giấy.

Gặp gỡ Chúa

Những hạng người nào đã được diễm phúc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem? Trước hết là các mục đồng, những người canh giữ đoàn vật. Họ là những người nghèo và hơn thế nữa, họ còn là những người bị khinh dể bị coi thường. Các luật sĩ và Biệt phái thường gọi họ là bọn dân đen. Cái đám người không biết đến lề luật, họ là những kẻ bị chúc dữ. Thế nhưng, chính đám người bị chúc dữ ấy, chính đám người không biết đến lề luật ấy lại là những người đầu tiên được đón nhận Hài Nhi Giêsu.

Tiếp đến là những nhà bác học xa lạ. Đường không quen, nẻo không thuộc. Họ từ xa mà đến, dám chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. Cái nghèo của những người này chính là thái độ sẵn sàng của họ. Các Luật sĩ và Biệt phái coi họ là dân ngoại. Thế nhưng, cái đám dân ngoại này lại được diễm phúc gặp được Hài Nhi Giêsu.

Từ những sự kiện trên chúng ta rút ra được hai nhận định. Nhận định thứ nhất đó là sự gặp gỡ giữa người giàu và kẻ nghèo nơi Hài nhi Giêsu. Đúng thế, từ xưa cho đến nay vẫn có một hố ngăn cách giữa giàu và nghèo. Sự ngăn cách này được tạo nên bởi những nghi ngờ và thù oán. Mỗi bên đều có cái lý của mình. Tuy nhiên trong lịch sử đã có một khoảnh khắc trong đó giàu và nghèo không còn đố kỵ nhau, đó là khoảng khắc Chúa Giêsu sinh ra. Bởi vì có những người giàu, giàu về tiền bạc cũng như giàu về kiến thức đã đến viếng thăm một Hài nhi nghèo nàn, sinh ra không cửa không nhà.Thế nhưng, cái nghèo của Hài Nhi Giêsu mà ba nhà đạo sĩ khám phá ra đã không đẩy lùi họ, trái lại còn hấp dẫn họ, không làm cho họ hổ thẹn, trái lại còn làm họ cảm thấy được tôn vinh. Vì vậy, không ngỡ ngàng, không nghi vấn, họ tự dâng của lễ cho một Hài Nhi của người nghèo, như triều cống cho một hoàng tử của đế vương.

Nhận định thứ hai đó là các mục đồng và dân ngoại là những người ít được chuẩn bị nhất lại nhận ra Chúa. Trong khi đó các Luật sĩ, Biệt phái và tư tế, là những người đã được chuẩn bị nhiều nhất, đã được thông tin hoàn toàn nhất, bởi vì chính họ đã cho các đạo sĩ biết rõ nơi gặp gỡ đích thực của vị Vua mới sinh ra, thế nhưng cuối cùng họ đã không nhận ra Ngài. Họ có dư khả năng để biết nhưng lại không có khả năng để hiểu. Đúng thế, họ biết được bằng trí tuệ, bằng những phương tiện thông tin đầy đủ có trong tầm tay, nhưng muốn hiểu thì còn cần đến tấm lòng, cần đến con tim nữa.

Các mục đồng là những kẻ thiếu học, còn các nhà đạo sĩ là những người thiếu thông tin. Họ không có khả năng để biết, nhưng lại có khả năng để hiểu. Không phải chỉ sáng trí, có học là đủ để đi vào những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, cần phải có thiện chí, cần phải có tấm lòng, dám chấp nhận những hy sinh, dám từ bỏ cái tự cao tự đại của mình, thì mới có thể đến gần và gặp gỡ Chúa.

Bởi đó, là những người có đức tin, thế nhưng chúng ta đã gặp gỡ Chúa như các mục đồng và như ba nhà đạo sĩ phương đông hay chưa?

Thiên Chúa tỏ mình

Ngày hôm nay Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông, nghĩa là những người ở ngoài dân Chúa và bị người Do Thái xếp vào hàng dân ngoại. Chính vì thế lễ Hiển Linh có thể được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, qua phụng vụ chúng ta thấy được tính cách bi đát của chương trình cứu độ như thánh Gioan đã diễn tả: Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà các người thân đã không tiếp nhận Ngài.

Thực vậy, Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng cứu thế xuất hiện. Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nhưng trớ trêu thay, vào ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, theo như lời tiên tri Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Giêrusalem đã có thể chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.

Một ngôi sao xuất hiện trên bầu trời thì có chi đáng quan tâm. Nhưng tất cả cuộc hành trình kỳ diệu lại khởi đầu từ đó. Đêm hôm ấy, hẳn cũng đã có nhiều người nhìn lên trời, ngắm những vì sao nhưng lại không thấy được vì sao của Ngài. Cũng thế, những biến cố, những sự kiện diễn ra hằng ngày trên đường phố, trong xã hội. Chúng ta cũng có thể đọc được những sự kiện, những biến cố ấy trên cùng một trang báo, qua cùng một chương trình thời sự, nhưng có mấy khi chúng ta thấy được trong một biến cố, trong một sự kiện dấu chỉ về một đòi hỏi của Chúa?

Tuy nhiên, các nhà đạo sĩ đã không chỉ bằng lòng với việc thấy được vì sao của Ngài. Các ông còn chuẩn bị lễ vật và hăm hở lên đường với một cuộc hành trình mang tính cách phiêu lưu, tiến tới một nơi vô định mặc dầu có ánh sao dẫn lối. Tin Mừng cho thấy là cũng đã có lúc không còn ánh sao nữa và các ông đã phải hỏi thăm về nơi các ông phải tới với những người không quen biết. Và không phải là không có những cạm bẫy. Hêrôđê có đó với tấm lòng nham hiểm đằng sau những lời nói đầy vẻ ân cần. Vượt không biết bao nhiêu dặm đường để rồi cuối cùng đứng trước một hài nhi yếu ớt, nhưng các ông cũng đã sấp mình thờ lạy, và dâng lễ vật với lòng hân hoan toại nguyện. Phải chăng đó chính là thái độ của một lòng tin đích thật. Các thượng tế và luật sĩ, mặc dù thông hiểu Kinh Thánh, nhưng vẫn ngồi yên tại chỗ. Sự hiểu biết của họ như đã không đủ sức để lay chuyển họ. Là những người ở trong, họ đã tự đặt mình thành những kẻ ở ngoài. Trong khi đó, những người vẫn bị xếp vào hạng ở ngoài, vì đã đi theo tiếng gọi của Chúa, mà đã trở thành những người ở trong. Những điều chúng ta thấy và hiểu biết về Tin Mừng, về Đức Kitô, về Nước Trời, về ơn cứu độ, có đủ sức lay chuyển chúng ta đi theo tiếng gọi của Chúa hay không?

Ánh sao đạo đức
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.

Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.

Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.

Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.

Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.

Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.

Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?

2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?

3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?


SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng ngôi sao chỉ đường, mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng ta, nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, chúng ta đã nhận biết Chúa rồi, xin Chúa rủ lòng thương đưa chúng ta về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển.

Bài đọc một của giờ Kinh Sách đã cho thấy: Giêrusalem là nơi quy tụ toàn thể các nước. Chính sự hiện diện của Thiên Chúa lôi kéo các nước vào Thành Thánh. Đối với Hội Thánh ngày nay, chính khi làm cho mọi người nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, Hội Thánh mới hoàn thành ơn gọi của mình. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Hội Thánh lôi kéo tất cả mọi người để hình thành một dân mới, do đó, ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: Bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, bừng sáng lên, vì ánh sáng của ngươi đã đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã cho thấy: Chúa làm cho khắp cả hoàn cầu nhận biết ơn cứu độ của Người. Hôm nay quả là ngày tươi sáng, ngày xuất hiện Đấng cứu độ trần gian, Đấng Cứu Độ các ngôn sứ thuở xưa báo trước, và các thiên sứ thờ lạy Đấng Cứu Độ. Thấy ngôi sao của Người xuất hiện, các hiền sĩ rất đỗi mừng vui, và đem lễ phẩm đến triều bái Người. Hôn may là ngày được Thiên Chúa thánh hiến, ánh sáng cứu độ đã chiếu toả trên chúng ta, muôn dân hỡi, mau đến thờ lạy Chúa.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên Giêrusalem, nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy mọi dân mọi nước đều quy phục Thiên Chúa: Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. Từ Tácsít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ảrập, Xơva, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.

Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã nói: Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

Thiên Chúa là Chúa Tể, mọi dân mọi nước phải quy phục Người: Lời Ca Nhập Lễ của ngày lễ hôm nay: Này Chúa Tể càn khôn ngự đến, tay nắm trọn vương quyền, thế lực và vinh quang; Câu Tung Hô Tin Mừng: Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Ca Hiệp Lễ: Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông, và chúng tôi mang của lễ đến bái thờ Người.

Khi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta thường cầu nguyện cho họ sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Hưởng nhan thánh Chúa, xem thấy mặt Đức Chúa Trời, gặp Chúa – Vua Tình Yêu, là những cụm từ diễn tả tình trạng được “hưởng ơn cứu độ”. Ơn cứu độ là ơn phổ quát, Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người; Ơn cứu độ là ơn nhưng không, nhưng, chúng ta phải tìm kiếm và phải mong muốn được hưởng, được thấy, được gặp; Chúng ta phải lên đường như các nhà chiêm tinh để: đến bái lạy Đấng Cứu Độ của chúng ta, Ước gì chúng ta cũng biết mang của lễ đến bài thờ Chúa, như các vị đạo sĩ: Của lễ của chúng ta là “tấm lòng vàng”: một tấm lòng tan nát giày vò, Chúa sẽ chẳng kinh chê; Của lễ của chúng ta là “hương kinh cầu nguyện”: tỏa lan như hương trầm thơm bay trước tôn nhan Chúa; Của lễ của chúng ta là “dược chất yêu thương”: băng bó những thương tổn, hàn gắn những đổ vỡ, và chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của nhân loại ngày nay. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Linh -Năm B
 

Hiển Linh b 2

(Mt 2, 1-12)
“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.

        
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
        
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra, hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
        
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
        
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm Tin Mừng Lễ Hiển Linh -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 


TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU ĐỘ

(Lễ Hiển Linh) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x.1Tm 2, 3-4). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định về tính phổ quát của ơn cứu độ rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Eph 3, 5-6). Họp mừng lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh muốn khẳng định với chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh, đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt khác dạy chúng ta cần tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
        
Ơn cứu độ là dành cho tất cả mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa (x.Is 60, 3-5). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tùy theo khả năng và hoàn cảnh của họ. Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có thể gặp được Người.
        
Với những người chăn chiên cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một sứ điệp không gì bằng. Dòng lịch sử minh chứng cho ta sự thật này: Chúa Kitô, Mẹ Maria thường hiện ra với những người thôn quê, nghèo hèn nhiều hơn là với những người trí thức, học cao, hiểu rộng hay chốn thị thành. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do-thái giáo, thì thử hỏi có gì quan trọng cho bằng Thánh Kinh. Chúng ta chớ quên việc họ thường mang Lời Chúa được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt
Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5, 1), quả là một lời mời gọi hay nói cách khác, là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị, thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện đang ở đâu?” đúng là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.
        
Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi” (MV số 20). Ơn cứu độ là dành cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu như sau:
        
Không được phép độc quyền chân lý:
Chân lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hóa mọi niềm tin, tôn giáo khác ta đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Cần phải minh định rằng “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” (x.Ga 14, 6). Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3, 8). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ (x. St 3, 5).
        
“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6, 45). Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:
        
Một tâm hồn biết lắng nghe:
đây là thái độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.
        
Một động thái lên đường, ra đi:
Khi đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào dù đã thoáng nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ đã không lên đường nên không thể gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng Tin Mừng.
        
Chân lý đã thực sự hoàn hảo và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.Col 1, 15; Dt 1, 1-2). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay “xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”. (1.Cor 13, 12).
        
Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế, sự thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một, bằng cách thánh hiến chúng ta, nghĩa là làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa. (x.Ga 17, 17).
        
Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng thái độ khiêm nhu, biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong lời dạy của Hội Thánh… mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn vẹn luôn ở phía trước, vì có đó nhiều điều ngay các Tông đồ vẫn chưa thấu hiểu. Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16, 12-13). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.

CHO TOÀN THẾ GIỚI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”.

Cornelia Arnolda Johanna là một nữ văn sĩ sau đệ nhị thế chiến với cái chết của hàng triệu người. Trong cuốn “The Hiding Place”, “Nơi Ẩn Náu”, bà viết, “Nhìn quanh, thì xót xa; hướng nội, thì chán nản! Tìm đến Giêsu, nhìn vào Ngài, bạn được yên nghỉ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời khuyên ngọt ngào của Johanna được gặp lại qua Lời Chúa Chúa Nhật Hiển Linh hôm nay. “Hiển Linh” là biểu lộ, tỏ mình. Lễ “Hiển Linh của Chúa” là sự tỏ mình của Chúa Kitô, không chỉ cho ba nhà đạo sĩ đến tìm Ngài từ phương Đông, nhưng còn ‘cho toàn thế giới’, cho muôn dân, cho bạn và tôi, mà ba đạo sĩ là hình ảnh tượng trưng cho tính phổ quát này. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”.

Isaia tiên báo tính phổ quát của ơn cứu độ Chúa Kitô mang đến. Vị ngôn sứ thấy trước Giêrusalem, nơi quy tụ muôn nước, “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi” - bài đọc một. Giêrusalem là hình ảnh Hội Thánh ngày nay! Chân lý này được Phaolô xác tín, “Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái… cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” - bài đọc hai. Như vậy, ơn cứu độ Chúa Kitô mang đến, không dành cho riêng ai, không cho người Do Thái hay chỉ cho Hội Thánh Công Giáo; nhưng ‘cho toàn thế giới!’.

Sự thật này được Matthêu, người viết Tin Mừng cho lương dân, khai sáng. Matthêu coi ba nhà thông thái là những người đại diện cho thế giới dân ngoại. Họ là các nhà chiêm tinh đã bị cuốn hút bởi niềm tin Do Thái, vốn tin vào một Đấng Messia sẽ đến. Và Thiên Chúa đã dùng những gì họ quen thuộc để mời họ đến tôn thờ Ngài. Ngài sử dụng một vì sao mới lạ để nói cho họ rằng, có một điều gì đó đặc biệt đang xảy ra; và họ lên đường tìm kiếm. Vì thế, bài học cho chúng ta là Chúa đến ‘cho toàn thế giới’ nhưng trước hết, Ngài đến cho tôi! Ngài sẽ sử dụng những gì quen thuộc nhất của tôi để gọi tôi. Hãy tìm kiếm ‘ngôi sao’ đời mình, ‘ngôi sao’ Chúa đang dùng để gọi tôi. Nó gần hơn tôi nghĩ!

Điều thứ hai cần lưu ý là các đạo sĩ đã phủ phục trước Chúa Hài Đồng. Với Hêrôđê, họ dám hy sinh mạng sống vì Hài Nhi đó; họ sấp mình trước Ngài trong quy phục và tôn thờ hoàn toàn. Nếu các nhà chiêm tinh từ một vùng xa lạ có thể đến và thờ lạy Chúa một cách sâu sắc đến thế, sao chúng ta lại không làm vậy? “Muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài”, nhưng trước hết, bạn và tôi biết thờ lạy Ngài! Hãy bắt chước các đạo sĩ, thử sấp mình xuống để cầu nguyện theo đúng nghĩa đen; hoặc ít nhất, hãy làm như vậy trong trái tim mình!

Kính thưa Anh Chị em,

“Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài!”. Hôm nay, suy gẫm về các đạo sĩ, xem họ như một biểu tượng cho những gì bạn được kêu gọi để làm; bạn ‘được gọi để thờ lạy!’. Bạn được gọi từ trong thế giới này, một thế giới ‘tối nhiều hơn sáng’ để tìm kiếm và thờ lạy Đấng Cứu Độ nó. Vậy Chúa đã dùng ngôi sao nào để mời gọi bạn? Và một khi đã khám phá ra Ngài, đừng ngần ngại thừa nhận toàn bộ sự thật về mình; và nhất là sự thật về Ngài, Đấng hạ mình trong máng cỏ, chết cho bạn, ‘cho toàn thế giới’ để sống lại hầu cứu lấy thế giới; trong đó có bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhìn quanh, thì xót xa; hướng nội, thì chán nản! Này con phủ phục trước nhan thánh, con thờ lạy Chúa thay ‘cho toàn thế giới’; xin biến đổi con, biến đổi nó!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây