Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 07/11/2023 18:45 |   288
“Chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,1-8)

10/11/2023
THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

t6 t31 TN

Lc 16,1-8


SỐNG NHƯ CON CÁI SỰ SÁNG
“Chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,1-8)

Suy niệm: Chữ ‘tiền’ thường được dùng theo từ ghép là ‘tiền bạc’ hay ‘tiền tệ’; dân gian với óc hài hước và thích chơi chữ thì nói rằng ghép kiểu gì thì ‘tiền’ cũng đi đôi với ‘tệ bạc’. Tiền là công cụ hết sức cần thiết cho đời sống xã hội; nhưng khi nó là ông chủ thì nó trở nên độc đoán, quyền lực và có thể làm biến chất, huỷ hoại biết bao con người. Viên quản gia trong câu chuyện Chúa kể là điển hình cho kẻ làm nô lệ cho tiền của như thế. Từ chỗ phung phí, anh ta đi đến chỗ thâm lạm của cải của chủ cách nặng nề hơn. Chúa khen anh ta “hành động cách khôn khéo”, nhưng Ngài vẫn khẳng định anh ta là một “quản lý bất lương” vì đã hành xử theo kiểu thế gian, theo kiểu “con cái đời này” chứ không phải như “con cái sự sáng”.

Mời Bạn: Chúa mời gọi chúng ta sống theo cung cách của “con cái sự sáng”. Đã tôn thờ Thiên Chúa thì không làm nô lệ cho tiền của. Tiền của đời này có ‘tệ’ nhưng chúng ta có thể dùng chúng để mua lấy “tài sản vĩnh cửu” nhờ đó thực sự trở nên giàu có trong Nước Trời: thay vì đam mê lạc thú thì sống đạm bạc, tiết độ, thay vì hưởng thụ ích kỷ thì biết dấn thân phục vụ, thay vì tham lam thu góp thì biết quảng đại chia sẻ, cho đi.

Sống Lời Chúa: Luôn biết sử dụng của cải cách tiết kiệm để bảo vệ môi trường và để dành chia sẻ cho những người nghèo khó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng của cải Chúa ban ở đời này để mua lấy của cải trên trời, đó là bình an đích thực và hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng con. Amen.

Ngày 10 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai khao khát công lý”. Công lý chỉ thực sự đến trong đời sống, khi chúng con công minh chính trực, trong các quyết định của mình, nghĩa là, công lý chỉ được diễn ra, khi chúng con tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Xin cho Hội Thánh luôn biết khao khát công lý và hòa bình cho tất cả mọi người, nhất là, cho những người hèn mọn, những người dễ bị tổn thương và bị đối xử bất công nhất, như lời ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ”. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 15, 14-21

“Tôi là người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các người Dân ngoại để của lễ Dân ngoại được Chúa chấp nhận”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện cảm, và đầy mọi sự hiểu biết, cho nên anh em có thể khuyên bảo lẫn nhau. Nhưng tôi đã viết thư này cho anh em có phần khá bạo dạn, có ý nhắc nhủ anh em nhớ lại: nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi trở nên người giúp việc của Ðức Giêsu Kitô nơi các Dân ngoại, gánh lấy thiên chức rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu của lễ Dân ngoại được chấp nhận và được thánh hoá trong Thánh Thần.

Bởi vậy trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì chưng tôi không dám nói điều gì ngoài việc Ðức Kitô dùng tôi làm cho dân ngoại vâng phục, bằng ngôn ngữ cũng như bằng hành động, nhờ những phép lạ, những việc phi thường và quyền lực của Thánh Thần. Bởi thế, từ Giêrusalem và miền chung quanh cho đến Illyricô, tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Ðức Kitô.

Như thế, tôi đã rao giảng Tin Mừng này, không phải ở những nơi đã kêu cầu danh Ðức Kitô, để tránh khỏi xây dựng trên nền móng kẻ khác đã đặt, nhưng tôi hành động như lời đã chép: “Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit. 

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 1-8

“Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý thầm nghĩ rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

PHẢI LO TÌM HẠNH PHÚC ĐỜI SAU (Lc 16, 1-8)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương để trình bày bài học phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông. Qua đó, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khỏe, thời gian, tiền của… mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý: Đức Giê-su không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.

3. Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Đức Giê-su đã rất khéo lấy hình ảnh người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.

4. Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Đức Giê-su dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.

Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tùy thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa! Mọi khả năng, sức khỏe, thời giờ, địa vị… tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.

5. Qua câu chuyện trên đây, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khóe, thì các môn đệ cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Ki-tô hữu? Nếu mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không?

Với người môn đệ Chúa Ki-tô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ qua thái độ của họ đối với của cải trần thế. Họ là những người khôn ngoan thực sự, khi họ luôn ý thức rằng của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để đạt tới cùng đích. Sống như thế nào để của cải trần thế không trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ. Sống như thế nào để xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Ông Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

– Ngài có định mua gì về không?

– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân đến bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

– Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

– Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

‘TA NGHE NÓI CON SAO ĐÓ!’
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi!”.

Nhà thơ Edward Hale hùng hồn xác định nghĩa vụ của một công dân Hoa Kỳ, “Tôi chỉ là một người, nhưng tôi là tôi. Tôi không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó. Những gì tôi có thể làm, là những gì tôi phải làm! Những gì tôi phải làm, nhờ ơn Chúa, tôi sẽ làm! Và tôi ước không bao giờ phải nghe Ngài phàn nàn, ‘Ta nghe nói con sao đó!’”. 

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ta nghe nói con sao đó!’. Đây là một nhận xét, một nghi vấn của ông Chủ trong dụ ngôn hôm nay. Thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về một ai, Ngài biết tỏng! Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ cuộc sống của bạn và tôi, rất có thể Ngài sẽ nói như thế!

Liệu điều này có khơi lên một nỗi lo lắng về một tà vạy nội tâm hay về một uẩn khuất nào đó trong bạn? Chúng ta phải tính sổ đầy đủ trước Ngài, từng phần một; và sẽ không có một thủ thuật lươn khươn nào ở đây. Liệu chúng ta có bị buộc tội là những kẻ phung phí khi sử dụng những gì Ngài ban? Sai mục đích, không khéo léo, lãng phí, hoặc xa hoa! Những ân sủng thiêng liêng như đức tin, Giáo Hội, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh hay kho tàng phong phú của truyền thống? Những phương tiện đã được đặt trong tay chúng ta như thời gian, tiền bạc, tài năng… liệu bạn và tôi có phải là những kẻ ‘hoài của?’.

Như người quản gia, bạn và tôi được Chúa chất vấn; nhưng hoàn toàn khác với sự khôn lanh của anh, khi anh dám ‘đánh cược’ một lần cuối vào lòng tốt của chủ, phòng khi anh mất chức. Chúng ta cứ giải trình cho Chúa. Hãy khiêm tốn nhìn nhận và thống hối về những sai phạm của mình và hứa với Ngài sẽ “bắt đầu và lại bắt đầu” nếu đã sa sẩy. Hãy cầu xin ơn tha thứ và cầu xin lòng thương xót của Ngài để khởi sự lại, lánh xa tinh thần thế gian và các giá trị thế tục. Được như thế, bạn và tôi sẽ không việc gì mà sợ hãi.

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô sung sướng nhìn lại những gì đã làm, “Trong Đức Kitô Giêsu, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa”; nhờ đó, dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ta nghe nói con sao đó!’. Hy vọng không ai trong chúng ta sẽ quá sợ hãi trước những lời này. Lời Chúa cảnh báo chúng ta về một tinh thần thế tục vốn có thể len vào đời sống mỗi người bất cứ lúc nào, đấng bậc nào. Tinh thần đó bộc lộ bởi thái độ phung phí, lừa dối, nô lệ vốn sẽ kiến tạo một nhân cách nghèo nàn nhất, một bản ngã ích kỷ nhất. Bởi lẽ con đường này sẽ dẫn chúng ta đến những con đường băng hoại khác cả khi đó là một con đường dễ đi nhất. Tin Mừng đòi hỏi chúng ta đi con đường hẹp, bằng cách sống một lối sống liêm khiết nhưng vui tươi, hồn nhiên nhưng đầy sức sống! Đây quả là một lối sống lắm thách thức, được đánh dấu bằng sự trung thực, công bằng và tôn trọng phẩm giá người khác; nhưng đây chính là sự sắc sảo của người Kitô hữu và là sự tinh khôn của người môn đệ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó. Và nhờ ân sủng Chúa, con sẽ làm thật tốt những gì con phải làm, dù phải mang tiếng ‘cầu toàn!’”, Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Hội Thánh Chúa trên nền tảng vững chắc là các Tông Ðồ, khiến cho sức mạnh của ác thần không tài nào thắng nổi. Xin nhận lời thánh giáo hoàng Lê-ô nguyện giúp cầu thay mà cho Hội Thánh luôn giữ vững chân lý và được vui hưởng thái bình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận và sáng soi Hội Thánh, để khắp nơi, nhờ có Chúa hướng dẫn, đoàn chiên Chúa tăng trưởng không ngừng, và các mục tử hằng làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc thiên quốc. Xin lấy tình thương mà hướng dẫn để nhờ quyền năng Chúa, Hội Thánh được hoàn toàn tự do và gìn giữ niềm tin mãi vẹn tuyền. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Giáo hoàng Lêô có lẽ qua đời ngày 10 tháng 11 năm 461, và lễ nhớ ngài đã được chứng thực trong Sách Tử Đạo của thánh Hiêrônimô. Ở phương Đông, ngay từ xa xưa, lễ này được mừng vào ngày 18 tháng 1 tại thánh đường Sainte-Sophie ở Constantinople. Còn tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh chỉ có từ 1754. Lăng mộ của ngài được đặt dưới hành lang của thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma.

Thánh Lêô sinh vào cuối thế kỷ IV, có lẽ là người gốc Toscane, nhưng hấp thụ nền giáo dục Rôma. Là tổng phó tế thời các Đức Giáo Hoàng Celestin I và Sixte III, ngài nổi bật về sự nhiệt tình phục vụ Hội Thánh. Trong số những hoạt động của ngài, chúng ta chỉ kể ra đây một số quan trọng:

– Năm 430, vì lo lắng cho giáo lý chính truyền, ngài đã nhờ tới tu sĩ Jean Cassien người Marseille: “Xin giúp chúng tôi chống lại Nestorius, là người chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị…” Vị tu sĩ này trả lời bằng một khảo luận vững chắc về Nhập Thể, đề tặng cho tổng phó tế Lêô, “điểm son của Hội Thánh và của thừa tác vụ thánh”;

– Năm 439, nhờ tổng phó tế Lêô, Đức Sixte III lật tẩy được lạc thuyết của Julien d’Éclane, giám mục ở Benevent, là người bênh vực thuyết Pêlagiô và bị truất ngôi sau đó;

– Năm 440, trong khi đang ở tại triều đình xứ Gaule trong sứ mạng hoà giải cuộc xung đột giữa tướng Rôma Aetius và tướng Gaulois Albitius, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma kêu gọi kế vị Đức Sixte III.

Hai mươi mốt năm giáo hoàng của ngài (440-461) có thể chia thành 2 thời kỳ, với những biến cố quan trọng nhất sau đây:

Năm 443, Đức giáo hoàng Lêô triệu tập ở Rôma một hội nghị để tố giác những lạc thuyết của phái Manikê từng bị Đức giáo hoàng Innocente I kết án năm 416: tất cả tác phẩm của họ bị đốt hết. Ngài cũng làm như thế đối với phái Pêlagiô mà công đồng Êphêsô đã kết án cùng với phái Nestoriô năm 431; năm 437, ngài cũng chống lại phái Priscilla và kêu gọi một công đồng cấp quốc gia kết án phái này. Đức giáo hoàng cũng can thiệp trong lãnh vực kỷ luật tại châu Phi, để tạo điều kiện cho việc phong chức các giám mục. Về cuộc tranh cãi giữa ngài với đức Hilaire, giám mục thành phố Arles và là đại diện giáo chủ Rô-ma tại Gaule, ngài kêu gọi vị giám mục này trở về với trật tự và ra hình phạt đối với vị này. Như thế Đức Lêô có ý khẳng định uy quyền toàn cầu của giám mục Rôma. Ngài tuyên bố trong một lá thư viết năm 446: “Rôma đề ra những giải pháp trong trường hợp được người ta yêu cầu; những giải pháp này có giá trị sắc lệnh. Trong tương lai, Rôma sẽ ra những hình phạt theo luật.”. Trong thời kỳ thứ hai của đời giáo hoàng, ngài chủ yếu quan tâm tới việc bảo vệ tín lý về Nhập Thể chống lại Eutychès, với tất cả những bước thăng trầm gắn liền với Công đồng Chalcédoine (451).

Chúng ta nhắc lại những sáng kiến rất dồi dào của ngài. Trên bình diện giáo lý có bức thư nổi tiếng Thư gửi Đức Flavien. Trên bình diện phụng vụ: rất nhiều bản văn của Sách Bí Tích Vêrona cũng được gọi là “của Đức Lêô”. Trên bình diện chính trị, các sáng kiến cá nhân của ngài, như việc chống lại Attila, vua người Huns, ở Mantoue (452), hay chống lại Senséric, vua người Vandale, ở Rô-ma (455).Trên bình diện văn chương hay tu từ: 96 thiên khảo luận hay bài giảng liên quan tới 5 năm thi hành thừa tác vụ đầu tiên của ngài, và 173 lá thư.

Khi Đế quốc Rôma tới ngày suy tàn, và khi những đạo lý mới lạ ngày càng lôi cuốn người ta và các lạc giáo xưa kia nổi dậy trở lại, Đức giáo hoàng Lêô ý thức vai trò kế vị thánh Phêrô của mình, đã có những hành động quyết định đối với vận mệnh của Hội Thánh và của Đế quốc.

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện thánh lễ lấy từ Sách Bí tích Vêrona, làm nổi bật một số đặc điểm của thánh Lêô.

Lời Nguyện của ngày lấy ý từ Tin Mừng thánh lễ (Mt 16, 13-19), kêu mời tín hữu cầu nguyện để Hội Thánh, “được xây dựng trên đá tảng không lay chuyển của các thánh Tông đồ”, được luôn “vững vàng trong sự thật” và “bình an”.

Vào một thời kỳ đầy khủng hoảng và Đế quốc Rôma tan rã, thánh Lêô đã triển khai thần học về quyền tối thượng của giám mục Rôma đối với Hội Thánh toàn cầu. Như thế ngài thể hiện sứ mạng đảm bảo truyền thống công giáo bằng cách hăng say bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin chống lại mọi lạc thuyết và nền ngoại giáo La -Hi. Ngài đứng lên chống lạc giáo Pêlagiô, Priscilla, Manikê. . . và chống cả những pháp sư, phù thuỷ và bói toán đang quyến rũ rất nhiều tín hữu của Chúa Giêsu Kitô.

Ngài có hành động đặc biệt trong cuộc tranh luận chống Êutychès, tu viện trưởng của một tu viện ở Constantinople. Bị lôi cuốn bởi sự hăng say chống lạc thuyết Nestoriô, Êutychès cuối cùng lại rơi vào lạc thuyết đối nghịch, cho rằng nơi Chúa Ki-tô chỉ có một bản tính duy nhất (thuyết một bản tính). Đức Lêô phản ứng bằng một khảo luận tín lý dưới dạng một lá thư gửi cho Đức Flavien, giáo chủ Constantinople: đó là tác phẩm nổi tiếng Thư gửi Đức Flavien trong đó vị thánh tiến sĩ công bố rõ ràng Lời tuyên xưng (Credo) của Kitô giáo về mầu nhiệm Nhập Thể: “Đấng là Thiên Chúa thật sinh ra trong một bản tính hoàn hảo và toàn vẹn của con người, hoàn toàn trong bản tính của Người, hoàn toàn trong bản tính của chúng ta. . . Đấng là Thiên Chúa thật cũng là người thật. . .”

Năm 451, hoàng đế Marcianô thoả thuận với Đức giáo hoàng triệu tập công đồng Chalcédoine, là Công Đồng Chung thứ 4, do các đặc sứ của giáo hoàng chủ tọa. Tại công đồng này đã hình thành tín điều liên quan tới Chúa Giêsu Kitô: “Chúng tôi tuyên xưng chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất. . . Sự kết hợp không xoá bỏ các bản tính, mà trái lại các thuộc tính của mỗi bản tính được duy trì và thống nhất nơi một ngôi vị duy nhất.” Công đồng phê chuẩn bằng lời ca ngợi giáo huấn của Đức Lêô trong Thư gửi Đức Flavien, được đọc cho hội nghị: “Đây đúng là đức tin của các Tông đồ. Thực vậy, đúng là thánh Phêrô đã nói qua miệng Đức Lêô.”

Thánh Lêô thật xứng đáng nhận tước hiệu Đức Lêô Cả. Đức Giáo Hoàng Sergiô I (687-701) đã đề tặng trên mộ ngài văn bia này: “Các tác phẩm, thư từ của ngài chứng thực giáo lý chính xác của ngài. Các tâm hồn đạo đức tôn sùng chúng, quân vô đạo sợ hãi chúng. Sư tử đã gầm lên, tim của mọi dã thú run lên vì khiếp sợ, nhưng đoàn chiên thì đi theo các lệnh truyền của chủ chiên.”

Mọi hoạt động của vị giáo hoàng này luôn đi kèm với một thái độ lạc quan cơ bản và một sức mạnh thanh thản. Ngài giảng như thế này khi cử hành lễ Giáng Sinh: “Chúng ta hãy vui mừng, vì không ai được phép buồn sầu trong ngày sự sống sinh ra. . . Người tội lỗi hay vui mừng, vì họ được mời lãnh ơn tha tội. Người ngoại đạo hãy can đảm lên, vì họ được kêu gọi vào sự sống. Người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của mình… Hãy nhớ lại anh em thuộc về vị thủ lãnh nào, và anh em là chi thể của thân mình nào.” Thánh Lêô trước hết là một con người của Chúa, và Luật Chúa ghi tạc trong tim ngài (Tv 36).

Thánh Lêô Cả được trình bày trong nhiều bức họa, trong đó phải kể đến những bức phù điêu của Fra Angelico và một bức hoạ của Raphael (Thánh Lêô ngăn chặn Attila), tại viện bảo tàng Vaticanô. Ngoài ra, một bức thảm danh tiếng của Gobelins (thế kỷ XVII), được trưng bày ở cung điện các giáo hoàng ở Avignon, vẽ hình Thánh Lêô ngăn chặn Attila trước cổng thành Rôma.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây