Lm. Phaolô Nguyễn Công Minh

Thứ tư - 15/04/2020 05:59 |   590
Ngay từ những năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước, mình đã biết đến chú Minh (Cha Phaolo Nguyễn Công Minh)
Lm. Phaolô Nguyễn Công Minh
HỒI TƯỞNG VỀ MỘT CON NGƯỜI: LM PHAOLO NGUYỄN CÔNG MINH
[02.08.2013 08:57]
 
Ngay từ những năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước, mình đã biết đến chú Minh (Cha Phaolo Nguyễn Công Minh), vì học sau mình 1 lớp trường làng: trường tiểu học tư thục Tiến Đức, giáo xứ Châu Sơn. Lúc còn nhỏ, chú Minh đã nổi tiếng thông minh học giỏi, luôn đứng đầu lớp và là người hiền lành đạo đức, tuy thỉnh thoảng cũng tham gia những trò chơi nghịch ngợm tuổi học trò.

Tháng 9/1968 mình đi tu vào Tiểu chủng viện (TCV) Lê Bảo Tịnh. Khi đã nhập học được 2 tuần, Cha giám đốc lúc đó là Cha Aug. Maria Nguyễn Văn Tra nhận mình và Dũng (lớp Vô Nhiễm) làm con thiêng liêng. Rồi năm sau (1969) chú Minh thi đậu vào chủng viện, dù đã định trước nhưng bố Tra vẫn hỏi mình: Cha định nhận Minh vào gia đình linh tông? Đương nhiên mình đồng ý ngay! và từ đó chú Minh gia nhập vào cùng 1 gia đình linh tông.     

Thời gian ở Chủng viện Lê Bảo Tịnh, hầu hết từ Ban giám đốc, các Cha giáo, giáo sư ở ngoài vào dạy... đều có chung một nhận xét về chú Minh: đây là 1 con người trổi vượt về học lực, trí thông minh và có 1 nhân cách sống nề nếp tốt đẹp. Những kỷ niệm nhiều nhất ở Chủng viện, có lẽ là với anh em lớp Giuse; Nghe kể rằng chú Minh học thật như đang chơi! Thầy dạy trên bảng nhưng dưới này cứ lo vẽ vời trên giấy, đến lúc bất ngờ thầy hỏi bài thì cứ đứng lên trả lời ngon ơ, lại được điểm cao. Anh em trong lớp phục sát đất. Tuy hiền lành là thế nhưng chú Minh cũng là người có tính nghịch ngầm. Ở chủng viện hầu hết ai cũng có thêm 1 tên đệm, và theo "truyền thuyết" kể lại rằng: Chú Minh đã đặt tên cho hầu hết anh em trong lớp Giuse như Linh riz, Hảo sói, Loan già, Loan kều, Hùng Hêli, Lý tễ, Khoa ròm, Long B, Phương he, Phương taylor... thân thương biết bao mỗi khi nhắc đến biệt danh của ai đó và dù có thích hay không, thì ít ra cũng là 1 kỷ niệm khó quên với người đã khai sinh ra cái tên ấy. Được ở chung dưới mái nhà Lê Bảo Tịnh, mình đã có nhiều cuộc trò chuyện với chú Minh, anh em trao đổi chuyện này chuyện nọ, chia sẻ nỗi niềm... Mình còn nhớ khi chú Minh học lớp 7 - lớp 8, có một đợt chú cảm thấy hụt hẫng về ơn gọi, nhưng may khoảng thời gian đó kéo dài không lâu. Vào mỗi dịp hè, các chủng sinh phải thay nhau canh nhà, mỗi nhóm khoảng 6 người, thời gian chừng 10 ngày đến 2 tuần. Có lần lợi dụng các Cha đi khỏi, mấy anh em con bố Tra nổ máy chiếc xe càng (không có rờ moọc), cả bọn bám đu trên đó và trong lúc đang du dương đi dạo thì Cha quản lý Antôn Phạm Ngọc Lan quay về bắt gặp, ngài bắt cả bọn quỳ xuống và răn đe: "đừng ỷ lại là con Cha giám đốc mà muốn làm gì thì làm...". Một lần khác anh em lại "xách" chiếc vespa của bố Tra ra chạy, không có chìa khóa thì nối điện và kết quả là té xe ở ngay ngã 3 cây số 5 đường đi Nha Trang và Đà Lạt bây giờ. Lần đó 2 đứa tưởng chết và chú Minh còn để lại vết sẹo dài dưới cằm cho tới bây giờ.    

Cuộc sống ở chủng viện đẹp như một giấc mơ, trước mắt các chú chỉ là màu hồng đẹp đẽ... Nhưng biến cố năm 1975 đã làm đảo lộn tất cả, và đến năm 1978 thì việc gì phải đến đã đến: gần 50 anh em khăn gói về với gia đình, màu hồng đã tan biến và thay vào đó là 1 màu đen xám xịt, hành trang mang theo đi đường là những giọt nước mắt đong đầy thương nhớ, là cả một vùng trời kỷ niệm không bao giờ phai nhạt, là những lời dạy bảo của các Cha giáo, là nhiều lắm... mỗi anh em đều mang theo, ôm chặt cả một chủng viện vào trong lòng. Chú Minh và mình cùng 3 anh em nữa trong số ra đi, như vậy giáo xứ Châu Sơn không còn một thầy nào ở lại........

Đất trời như quay cuồng trước mặt, giờ này phải xếp mọi thứ để tay cày tay cuốc lao vào nương rẫy. Ôi! những bàn tay quen việc bút nghiên, những khuôn mặt trắng trẻo thư sinh giờ phải bán lưng cho trời bán mặt cho đất. Tuy vậy không một ai than vãn, mà vui vẻ chấp nhận như là thánh ý Chúa, một phần nhờ vào nền giáo dục căn bản ở chủng viện, một phần nhờ có anh em giúp đỡ an ủi động viên nhau và thêm một điều quan trọng không kém là nhờ vào công việc phục vụ trong Giáo xứ. Thầy Minh dạy giáo lý, vào ca đoàn, sống hòa nhập với xã hội. Lúc này khó khăn chung của cả nước là về kinh tế, cuộc sống ngày càng xấu đi nhất là với thầy Minh và mình vì gia đình là thành phần cảnh sát, công chức cũ... ruộng đồng chẳng có là bao! Lăn lộn với đủ nghề cũng chẳng đủ sống. Có một thời gian thầy Minh, anh Võ, mình và Nguyễn Xuân Lý phải vào rừng kiếm cọc lõi về bán cho người ta trồng tiêu kiếm tiền đong gạo, lúc khiêng vác cọc lên xe bò hầu hết phần gốc nặng hơn thầy Minh đều dành lấy. Gặp đủ thứ bò cạp rắn rít nhưng chẳng ai nản lòng, có lần bị mắt mèo ngứa sưng tấy cả người, ai cũng phải gãi... nhưng thầy Minh thì không, vì cho rằng càng gãi càng ngứa, đúng là người có 1 ý chí sắt thép. Để có dịp sống gần gũi, giúp đỡ nhau giữ vững ơn Thiên triệu, năm anh em thường đổi công nay làm cho người này, mai làm cho người khác. Có lần đi gặt lúa cho nhà mình, mọi người hăng say làm cho đến gần trưa mới nghỉ ngơi chút ít, lúc ấy ai cũng đói bụng, quay lại  lấy mấy nải chuối thì than ôi! không cất kỹ con bò nó xơi hết sạch, anh em chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Đúng ngày đầu năm 1980, anh em rủ nhau lên núi Chúa mang theo đồ ăn trưa, không quên vác thêm cây guitar. Với thời điểm đó lên núi cũng là liều mình lắm. Năm anh em Điệp, Minh, Lý, San và Từ đứng trước tượng Đức Kito Vua vũ trụ cầu nguyện, chia sẻ... và bao giờ thầy Minh vẫn là người giúp anh em thưa chuyện với Chúa. Không ngờ trong 5 anh em ấy giờ chỉ còn 3. Thầy Minh có một thực tài là hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện bằng một giọng nói chân thật, lôi cuốn, có chiều sâu... Mọi người thường vẫn nói: thầy Minh là bộ từ điển sống.

Về sau này mỗi anh em mỗi người mỗi ngả, thầy Minh, thầy San, thầy Từ đi học, còn mình và Lý vì mải chơi nên đành đánh mất ơn gọi, sống bậc gia đình. Nghe kể rằng: khi đến trường có nhiều học sinh lầm tưởng 3 anh này là giáo viên cấp 3! Từ giờ trở đi tuy không đươc sống gần gũi nữa nhưng anh em luôn nhớ và dõi theo bước sống của nhau. Ở đại chủng viện Sao Biển, thầy Minh vẫn được đánh giá rất cao, nên mới có câu: nhất Minh nhì Kỳ.

Và cuộc đời Linh Mục của Cha Phaolo Nguyễn Công Minh là cả một sự hiến tế diệu kỳ, từng giây từng phút. Mình không muốn nhắc lại nữa vì mọi người đã hiểu rõ về ngài, cơn bạo bệnh đã bào mòn thân xác ngài nhưng với ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng, cha Minh đã vượt qua tất cả để sống chết với đàn chiên của ngài. Mình đã nghe rất nhiều giáo dân thuộc Giáo xứ của ngài luôn bày tỏ lòng kính trọng và tình yêu thương chân thành.                   

Vào đầu năm 2008, khi từ nước Úc về, mình vào thăm chú Minh (vì là anh em linh tông, nên ngài muốn mình gọi như thế), mình mang món quà của Cha Trần Phương (Trần Văn Loan) gửi cho ngài để thêm tiền chữa bệnh, nhưng Cha Minh sau khi nhờ mình chuyển lời cám ơn Cha Phương, đã một mực trao lại cho mình với lý do: "hoàn cảnh ông cần hơn mình". Bất ngờ quá, mình dứt khoát không nhận và ra về, nhưng Cha Minh chỉ nói câu này làm mình xúc động: "nếu ông không nhận thì mình buồn hết sức", cuối cùng ngài cầm lấy một chút gọi là... còn bao nhiêu Cha Minh nhét vào túi mình hết. Ra khỏi cửa, khóe mắt cay xè, mình thả lỏng cho những giọt nước mắt rơi xuống.....
 
BMT, Những ngày không thể nào quên 8/2013 
Trần Khánh Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây