Tất cả là Hồng Ân

Thứ năm - 16/04/2020 04:45 |   556
Gia đình bố mẹ nó thuộc loại nghèo nhất..., mà không, nói nghèo nhất thì hơi ngoa, nhưng có lẽ nghèo cỡ nhì, ba trong làng.
TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN
[01.07.2013 21:33]
 
1. Gia đình bố mẹ nó thuộc loại nghèo nhất..., mà không, nói nghèo nhất thì hơi ngoa, nhưng có lẽ nghèo cỡ nhì, ba trong làng. Bố mẹ nó nung nấu ý nguyện cho con đi tu. Khi đứa con trai đầu biết giúp lễ, ông bà đã cho đi ở với cha xứ, nhưng chưa được đi tu. Đến các con trai kế, ông bà lại cho thêm hai anh nữa đi tu, đều không "đắc đạo". Nó là thằng con trai út (5 anh em trai). Năm nó 11 tuổi, tuy học không khá nhưng cũng thi đậu vào tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh. Tạ ơn Chúa!...vì Người cũng thương cho nó học 3 năm, rồi nó cũng “bai” nhà Đức Chúa Trời. Kỳ lạ! Sao nó lại ra đi bỏ nhà Đức Chúa Trời? Trong sổ nhật ký thiêng liêng của nó nhiều ngày liền nó chỉ ghi ngày...tháng...và hai chữ “chán phèo”!

Ngày còn ở nhà, lúc đi chăn bò nó thường bị trẻ cùng trang lứa bắt nạt vì nó hiền. Vào Chủng viện các Cha nói thằng này hiền nên thường được nâng đỡ. Sau này khi ra ngoài học phổ thông, các bạn học lại vất vả với nó vì ngày nào cũng phải che chở nó khỏi tụi khác ăn hiếp.
Năm 20 tuổi, một cô gái nết na đạo hạnh đồng ý làm vợ nó: ''thấy anh hiền quá em thương”. Hiền là thế mà nó lại không trở thành một nhà tu!
Nhưng nó rất tự hào về quãng thời gian sống trong Chủng viện. Người ta thường nghe câu nói quả quyết của nó: "Những điều tôi được dạy dỗ trong 3 năm ở Chủng viện, bao năm tôi học ở ngoài đời cũng không thể bằng được".  Phải chăng là Hồng ân?

 
* * *
2. Sống bậc hôn nhân, ngày ngày lo cơm áo gạo tiền cho gia đình, nuôi con cái ăn học quả là vất vả đối với nó, nhất là thời điểm mới giải phóng. Sau khi lập gia đình, nó mơ sắm được một chiếc xe đạp (liều!). Cái quẹt ga lúc đó, chỉ nhìn bạn bè quẹt mồi thuốc mà... thèm thôi chứ không dám mơ. Nó chỉ làm nông là cái nghề truyền thống bao đời nhà nó, và có thể nói là cái nghề mà chẳng tài cán gì cũng biết làm. Cái nghề dễ là thế nhưng cái khó lại ở chỗ khác: Chúa ban cho nó 4 đứa con(2 trai 2 gái), với vợ chồng nó tổng cộng 6 miệng ăn, nhưng lại không ban cho nó thêm đất đai để nó canh tác. Ruộng nương ít ỏi, lại thêm làng quê của nó thường xuyên lũ lụt mất mùa. Sự khắc khổ vẽ nên những nét nhăn ngang dọc trên khuôn mặt còn nhiều hơn số tuổi của nó nữa. (Hình như hồi đó có mấy bạn rủ nó đi họp lớp hàng năm, nhưng đối với nó lúc đó việc họp lớp như là món hàng xa xỉ mà nó chưa được phép xài!) Cuộc sinh kế vật lộn với cơm áo gạo tiền quá vất vả khiến đôi lúc nó nghĩ: sao hồi đó mình không cố mà tu. Tuy vậy mỗi lần ông Cha xứ gặp vẫn nhắc nhở: "Ông đã ăn cơm nhà Chúa, nhớ lo mà trả nghe chưa?" Ngài thân thương nói thế thôi, chứ Ngài thừa biết nó vẫn nhớ. Vì nó vẫn âm thầm giúp các công việc trong giáo xứ và cộng tác với Ngài trong mọi việc đó thôi. Lại là Hồng ân!
 
* *
3. Nó không còn ở quê cũ nữa, lũ lụt mất mùa là nỗi sợ quá ám ảnh, khiến nó quyết định dắt vợ con tìm đến một nơi nào đó không có ngập lụt. Miền đất mới nó đặt chân đến không có người thân. Thậm chí không có cả người quen. Có một số người công giáo ở gần nhà thờ, cách nhà nó khoảng hơn cây số, nhưng chỗ nó ở chòm xóm láng giềng hoàn toàn xa lạ, lại toàn người lương hoặc theo đạo Phật. Nó không tìm hiểu tại sao nó lại ở đây mà không ở xóm nhà thờ, nó chỉ nghĩ rằng Chúa lo liệu cho nó như vậy. Nơi đây điều mà nó thích nhất là dù có mưa cả tháng cũng không ngập lụt. Nhưng cuộc sống không dễ dàng gì: đất lạ quê người, không người thân, không người quen để nhờ cậy. Vẫn nghề nông nhưng nó chưa quen thời vụ ở đây. Giá cả nông sản tụt dốc thảm hại. Tất cả như một cơn bão cấp 12 dập vùi cuộc đời nó như dập vùi một khóm cây mới trồng chưa bám rễ. Vì thế, cầm cự được hơn một năm thì nó đã có ý định chạy thoát thân để trở về quê cũ.
Trong lúc dấu vợ con nỗi hoang mang vô vọng của mình, nó vẫn thầm thĩ hằng ngày: "Xin Chúa Thánh Thần chỉ cho con biết con phải làm gì". Xin như vậy nhưng cũng có lúc nó bán tín bán nghi: Không biết Chúa có thật không?! Rồi nó vẫn cứ ở lì đó. Chỉ có điều là ngày xưa sống trong xứ đạo toàn tòng, đời sống đạo có vẻ an nhàn, thì bây giờ việc sống chứng nhân của một Kitô Hữu giữa cộng đồng người ngoại quả là một thách đố. Nó vẫn cảm nhận được trọng trách và cố gắng chu toàn.Vẫn là Hồng ân.
 
* * *
 
4. Càng ngày nó càng nhận ra có bàn tay Chúa quan phòng trong cuộc sống. Thậm chí không chỉ là quan phòng mà Chúa lo liệu mọi điều cho nó từng ngày, từng  phút giây.
Kinh tế dần được phục hồi. Chiếc xe đạp nhãn hiệu Đại Hàn (chính nó sơn nhãn  vào khung xe vì bị hàn quá nhiều khúc) sau ba năm trời cõng vợ chồng nó, giờ đã được thay thế bằng chiếc xe máy Citi. Bốn đứa con đi học nay anh cả tốt nghiệp cấp III được nhận vào Chủng viện. Ba năm sau con gái thứ 2 xin đi tu, nhập nhà dòng Mến Thánh Giá.
Trong lúc nó miệt mài lo công việc xây dựng nhà thờ xứ, công việc nương rẫy giao hết cho vợ con, thì Chúa lại ban cho một mùa bội thu. Nhờ vậy mà nó quyết đinh khởi công xây dựng căn nhà của nó sau khi xây nhà thờ. Thế là đến lúc nó cũng có một căn nhà tử tế đủ các phòng cho vợ chồng con cái, và những tiện nghi tối thiểu.
Chưa bao giờ nó xao nhãng việc trả lại cơm nhà Chúa mà nó đã hưởng mấy năm trời, nhưng kể cả có những lúc nó sống bê bối, hình như Chúa vẫn thương nó ra mặt. Khi vợ chồng thằng con trai thứ 3 sinh cho nó 2 đứa cháu nội, thì vợ chồng đứa con gái út báo tin vui sắp có cháu ngoại, cùng lúc anh trai cả (đã học xong Đại chủng viện) báo tin được chịu chức Phó tế.
 “Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man”…
 
* * *
 
5. Cảm nhận được những ân ban của Thiên Chúa trong đời nó, nó không hề dấu giếm lòng biết ơn, vì những ân ban mà nó được đón nhận thật nhưng không.
Giả như nó đã làm được cái gì đó để được Chúa trả công thì thật dễ hiểu, nhưng xét lại mình chẳng có công lênh gì để được như vậy, nó mới thấy rõ bản thân mình vô dụng, trong khi lòng thương xót Chúa thật vô biên.
"Chúa ơi! Chúa đáng ca ngợi biết bao. Chỉ vì thương con, Chúa đã lo liệu cho đời sống con không gì là thiếu, không gì là thừa. Đúng là “ơn Chúa đủ cho con”. Cảm ơn Chúa đã gọi con vào Chủng viện, để những giáo huấn trong nhà Chúa trở thành linh đạo suốt đời con.
Cảm ơn Chúa đã đưa con và đời, để cho con nếm đủ vị ngọt bùi chua cay của cuộc sống.
Cảm ơn Chúa đã đặt con đứng bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng, đến nghi ngờ Chúa; để con nhận ra mình nhỏ bé, yếu hèn dường nào. 
Cảm ơn bố mẹ, khi tuổi đã cao hết thời thai nghén vẫn ráng sanh thêm thằng con trai.
Giờ bố mẹ trên thiên đàng nhìn thấy thằng con út chắc vui lắm.
Cảm ơn các Cha giáo Chủng viện, tất cả những gì con nhận được trong 3 năm, không chỉ là linh đạo của mình, mà khi đồng hành trong các lớp giáo lý, con cũng đang truyền lại cho đám con cháu.
Cảm ơn bè bạn đồng môn: kẻ thì làm cha, người làm Linh mục, có vài đứa còn đồng trinh...Nhiều lớp khác nhau nên tuổi tác chênh lệch, cuộc sống mỗi người mỗi nơi ít dịp hội ngộ... và còn nhiều hoàn cảnh khác nhau nữa, nhưng mình vẫn cảm nhận  được những tình cảm thật thắm thiết dạt dào từ nơi các bạn. Thật chí lý khi các bạn gọi Chủng viện là Gia Đình.
Tạ ơn Chúa. Tất Cả Là Hồng Ân.
 
Tâm tình của một Tịnh tử nhân dịp VỀ NGUỒN 45.
Giang Tiến Thêm

 
 Tags: Hồng Ân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây